|
Các nhà máy thiết lập lại sản xuất
|
Nới lỏng từng bước theo lộ trình
Sáng 6/9, sau khi nghe thông tin các địa phương thuộc “vùng xanh” sẽ được nới lỏng một số hoạt động để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”, anh Nguyễn Văn Chung (Chương Mỹ, Hà Nội) cảm thấy vô cùng phấn khởi. Anh Chung vốn làm công nhân xây dựng trên địa bàn, hơn 1 tháng nay khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, anh cùng đồng nghiệp đã phải nghỉ làm.
“Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tôi đã được giúp đỡ 1 phần về lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất mừng khi địa phương đang được nới lỏng dần, sắp tới, rất nhiều người lao động như chúng tôi sẽ tiếp tục được đi làm”, anh Chung chia sẻ.
Còn chị Đỗ Thị Hiền, Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại An Quý (đóng trên địa bàn huyện Mê Linh) cho biết, hiện tại công ty đang cung cấp suất ăn cho các nhà máy, trường học. Khi Thành phố thực hiện Chị thị 16 khiến Công ty của chị Hiền gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, một số nhà cung cấp bị đứt gãy bởi không thể di chuyển được đến nơi.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; 3 ngày xét nghiệm cho công nhân 1 lần. Đồng thời, thay đổi cách làm việc, giao nhận hàng hóa cho phù hợp. Khi Thành phố nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đối với các vùng xanh, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có nhiều biện pháp sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vẫn chú trọng đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”, chị Hiền cho biết.
Tại huyện Chương Mỹ, thực hiện phương án của UBND Thành phố về phân vùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện tại "vùng xanh". Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mục tiêu bảo vệ an toàn, vững chắc “vùng xanh”, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn về sức khỏe, ổn định đời sống cho nhân dân, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
“Các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được thống nhất theo vùng 3, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể trên địa bàn toàn huyện; tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài, bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, huyện Chương Mỹ đã tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống thiên tai đảm bảo sản xuất. Xây dựng kế hoạch thu hoạch lúa và cây rau màu vụ Mùa 2021, triển khai kế hoạch gieo trồng cây vụ đông 2021-2022, đặc biệt là cây vụ đông sớm. Tăng cường mở rộng diện tích cây vụ đông đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn huyện, cùng với các địa phương khác góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô.
Trước tình hình mới, huyện cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản, kết nối tiêu thụ. Rà soát, tổng hợp danh sách phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải thuộc chuỗi cung ứng hàng hoá gửi Công an Thành phố để được cấp mã, phù hiệu hoặc thẻ nhận diện ra - vào Thành phố và vùng 1, 2, 3 theo quy định.
Nỗ lực đảm bảo "mục tiêu kép"
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng thông tin, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện Chương Mỹ đề nghị các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động tối đa 50% công suất, số lao động, thực hiện phân chia ca, kịp khoa học để đảm bảo giãn cách; xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án sản xuất theo chỉ đạo tại Phương án số 162/PA-UBND ngày 12/7/2021 của UBND Thành phố về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Thành phố; xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, doanh nghiệp phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra tại cơ sở.
Trong đó, đối với người lao động, phải thực hiện quét mã QR, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Phương án sản xuất của doanh nghiệp; các chuyên gia, người lao động cư trú ngoài địa bàn huyện phải thực hiện “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp. Về việc triển khai các công trình xây dựng trên địa bàn, huyện yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, các chủ thể triển khai hoạt động xây dựng phải nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; mỗi công trình xây dựng phải có phương án thi công đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Mặc dù nới lỏng một số biện pháp, nhưng lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tùy thuộc vào tình hình thực tế. Theo đó, hoạt động các chốt tại các vị trí giáp ranh với các xóm, đường ngang, ngõ tắt trên địa bàn xã, thị trấn 24/24/7 vẫn được duy trì để kiểm soát chặt chẽ toàn bộ người ra, vào địa bàn bảo vệ “vùng xanh” (cho đến khi có thông báo mới); dừng hoạt động các chất liên xã trong nội bộ huyện.
Huyện cũng đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Công an xã, thị trấn, các Tổ Covid cộng đồng giám sát chặt chẽ những di biến động của người dân trên địa bàn; hướng dẫn, yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở vùng nào thì ở vùng đó”. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt trong việc thực hiện Chỉ thị số 15/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Chương Mỹ đã chủ động nắm tình hình, dư luận, nội bộ nhân dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; không để các đối tượng xấu lợi dụng, đưa tin sai sự thật gây mất ổn định tình hình (kể cả trên không gian mạng); đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tương tự, tại huyện Thạch Thất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cũng cho biết, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, huyện Thạch Thất triển khai 3 vùng. Vùng nguy cơ cao là “vùng cam” gồm xã Phùng Xá, áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để từng bước duy trì sản xuất an toàn. Vùng nguy cơ là “vùng vàng” gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, toàn bộ địa giới hành chính xã Hữu Bằng và một phần địa giới xã Bình Phú (thôn Phú Ổ), áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn.
Vùng an toàn là “vùng xanh” gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 xã Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa và 16 xã thị trấn Thạch Xá, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Dị Nậu, Hương Ngải, Liên Quan, Phú Kim, Lại Thượng, Đại Đồng, Cẩm Yên, Kim Quan, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân; áp dụng theo Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly khu dân cư có dịch.
Nguyên tắc thực hiện thống nhất các biện pháp phòng chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội; Hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng. Phân vùng để phòng, chống dịch không phải phân vùng để quản lý hành chính.
Huyện tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại bao gồm nhà máy, cơ sở sản xuất, các công trình giao thông, xây dựng, các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu; Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về (có vách ngăn giữa người bán và người mua; người bán phải đeo kính chắn giọt bắn); yêu cầu khai báo y tế và sử dụng mã QR-Code.
Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, chợ phiên, chợ dân sinh trên địa bàn tổ chức sắp xếp chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân; sắp xếp bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách hàng cùng thời điểm.
Theo Lao động Thủ đô