Tin mới

Những mô hình giảm nghèo ở Lang Chánh

(Mặt trận) -Công tác giảm nghèo được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo trước năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, ưu tiên thực hiện các mô hình giảm nghèo, tạo tiền đề để người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

MTTQ Hải Phòng: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

 Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả gia đình anh Phạm Văn Hùng ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương đã vươn lên thoát nghèo.

Sau nhiều lần đi học tập kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay gia đình anh Phạm Văn Hùng ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Anh Hùng cho biết: Trước đây gần như toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình anh chủ yếu trồng cây mía và cây lâm nghiệp nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi đi tham quan, học tập các mô hình ở trong và ngoài tỉnh, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, năm 2014 vợ chồng anh quyết định chuyển đổi 2 ha diện tích trồng mía và cây lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả. Bước đầu, quy hoạch trồng 350 gốc bưởi da xanh và 400 cây cam canh. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên diện tích cây ăn quả của gia đình phát triển tốt, mỗi năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng cây ăn quả, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 500 cây ổi lê Đài Loan; năm 2019, trồng thêm 7 sào bơ; năm 2022, trồng thêm 2,5 ha xoài. Từ mô hình trồng cây ăn quả gia đình anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo.

Tương tự, với gần 6 ha đồi thấp vốn sản xuất mía, keo nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng, năm 2022 được sự vận động, kích cầu của UBND xã Trí Nang, gia đình bà Lê Thị Hậu ở bản Hắc đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Bà Hậu cho biết: Tháng 4-2022, được vận động, hỗ trợ của chính quyền, gia đình đã liên kết với Công ty CP Xuất khẩu T9 đưa hơn 300 gốc chanh leo, 555 gốc xoài keo vào sản xuất, tổng diện tích khoảng 1,8 ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất nên diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình tôi còn liên kết sản xuất gần 4 ha dược liệu như mạch môn, bách bộ, đinh lăng với Công ty TNHH Nam dược Miền Trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tại bản Hắc mà hầu hết các bản trên địa bàn xã Trí Nang đã hình thành nhiều mô hình phát triển nông nghiệp có quy mô từ 1 ha trở lên. Tiêu biểu như mô hình trồng chanh leo, ổi lê diện tích hơn 3 ha của gia đình ông Hà Văn Hạnh; mô hình trồng cây gai xanh tại bản Giăng...

Được biết, để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, nhiều năm qua cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Lang Chánh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết về công tác giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, sự đồng thuận trong toàn xã hội. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó rà soát lại diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đối với mỗi địa phương cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường... Cùng với đó, huyện cũng quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua thống kê 5 năm gần đây, hàng chục mô hình, dự án của người dân trên địa bàn huyện đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như: dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; mô hình chăn nuôi dê lai; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản; mô hình trồng cây vầu đắng; trồng bưởi da xanh...

Đặc biệt, để đưa Lang Chánh sớm thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Đơn cử như năm 2022, UBND huyện Lang Chánh đã kêu gọi thu hút đầu tư và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng trên diện tích 15 ha tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh. Ngoài ra, huyện đã kêu gọi 2 nhà đầu tư vào địa bàn đầu tư gồm: Nhà máy may xuất khẩu HQVN tại xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh với quy mô gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 1.000 - 2.000 lao động; Nhà máy giày da của Công ty TNHH Minh Danh tại thị trấn Lang Chánh tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Dự kiến 2 dự án này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh, để hiện thực hóa mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo trong Nhân dân. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường thu hút đầu tư, ngoài phát triển công nghiệp, tập trung chú trọng phát triển du lịch, biến du lịch thành thế mạnh của địa phương, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời đẩy mạnh việc huy động, đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu dân cư, bảo đảm quy hoạch đồng bộ, phát triển toàn diện trên địa bàn huyện.

P.N

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản