Tin mới

Những người ‘giữ lửa’

(Mặt trận) -Địa bàn dân cư chính là những “chiến tuyến” của công tác phòng dịch Covid-19. Ở đó, vai trò của người cán bộ Mặt trận được thể hiện rõ nét, những sáng kiến huy động sức mạnh cộng đồng cũng xuất phát từ đây.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Cán bộ Mặt trận cơ sở giúp bà con nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

1. Những ngày dịch bệnh trên địa bàn Đồng Nai căng thẳng nhất, cũng là khi các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền được đẩy mạnh. Tại xã Bảo Quang (TP Long Khánh, Đồng Nai), người dân thường xuyên thấy một chiếc xe tải cỡ nhỏ chạy như con thoi khắp các tuyến đường vừa tuyên truyền, vừa hỗ trợ người dân.

Gần đây, khi chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, vẫn chiếc xe ấy mang theo loa phóng thanh đi đến các ngõ ngách vận động người dân nhanh chóng đi tiêm, nhất là hoàn thành tiêm mũi 2 để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động tuyên truyền là chủ trương chung của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận xã Bảo Quang. Nhưng chiếc ô tô tải đó, lại là phương tiện của gia đình Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Thọ An Nguyễn Hữu Đức.

Chiếc xe là phương tiện mưu sinh của gia đình ông hàng ngày. Tuy nhiên, ông Đức đã quyết định “trưng dụng” chiếc xe để làm phương tiện tham gia chống dịch. Chiếc xe tải được ông Đức “trang trí” lại, phía trước là một tấm biển “Thông tin lưu động”, 2 bên hông là các thông điệp về phòng, chống dịch bệnh. Ông Đức lắp hệ thống loa đài để biến chiếc xe thành phương tiện tuyên truyền; đồng thời, là phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân.

Bà Đoàn Thị Loan - người dân ấp Thọ An chia sẻ: “Khi chạy xe đến những khu dân cư đông người, anh Đức thường đi chậm lại, có những lúc anh dừng hẳn xe lại để mọi người nghe hết thông điệp, nhất là khi chính quyền có những thông báo quan trọng. Có những khu vực ít dân cư, anh cũng không ngại lui tới để phục vụ tuyên truyền cho bà con. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chưa bao giờ thấy anh Đức ngần ngại. Mọi người trong ấp rất phục tấm lòng của anh Đức”.

Ông Nguyễn Hữu Đức 63 tuổi thì cũng đã có 13 năm làm công tác Mặt trận. Có những hôm, buổi tối vừa ngồi xuống chuẩn bị ăn cơm tối, lại nhận được điện thoại có thông tin khẩn cấp, hay có hàng hóa các nơi chuyển về… Nghe điện, ông bỏ dở cả bữa cơm để lên đường.

Đồng Nai là một trong những điểm nóng trong công tác phòng dịch. Có những thời điểm, số ca mắc đứng thứ 3 cả nước. Nhưng những khó khăn, nguy cơ dịch bệnh không làm “ông Mặt trận” Nguyễn Hữu Đức chùn bước. Chưa kể, ông còn bị bệnh đau lưng, làm nhiều là lưng đau ê ẩm. Nhưng ông vượt qua, vì cộng đồng. Có những cán bộ như thế, nên đến những ngày cuối cùng của năm 2021, số ca mắc bệnh trên địa bàn Đồng Nai giảm dần. Toàn tỉnh không có thành phố, huyện thuộc cấp độ 3. Ông Đức vì thế đã được giảm tải rất nhiều công việc. Hỏi về công việc của mình, ông chỉ cười bảo: “Khi kết thúc một ngày vất vả nhưng được việc, về nhà tôi ngủ ngon lắm. Còn những hôm công việc chưa ổn, tôi thấy day dứt không yên. Vì thế nên tôi cố gắng. Còn chiếc xe này, giờ thành xe dùng cho việc chung. Không chỉ tuyên truyền, hễ có việc gì thì tôi lại lấy xe đi liền”.

2. Dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ. Chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phải thích ứng, rồi làm chủ hoàn cảnh. Phòng dịch phải bắt đầu từ những khu dân cư. Và đấy cũng là nơi những cán bộ Mặt trận luôn phải lên “tuyến đầu”. Câu chuyện của ông Đức là trường hợp “điển hình mà không điển hình”. Bởi hầu như địa phương nào, cũng có những cán bộ Mặt trận gần dân, sát dân, hy sinh quyền lợi bản thân vì cộng đồng như thế. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng là địa bàn có những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng ở hầu hết các đợt bùng phát, Vĩnh Phúc đều “khoanh nhanh, diệt gọn”, khống chế được sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Trong giai đoạn thích ứng với dịch bệnh, tình hình vẫn được kiểm soát tốt, để người dân yên tâm lao động, sản xuất. Một trong những tấm gương cán bộ Mặt trận nhiều người biết đến là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) Đào Đình Chiêm.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngay lập tức, ông Chiêm nghĩ đến việc xây dựng một “lá chắn” từ xa, bằng thay đổi hành vi, nếp sống, thậm chí cả những tục lệ, thói quen. MTTQ xã Tề Lỗ đã họp bàn với Ban công tác Mặt trận thôn, các Tổ phòng, chống Covid cộng đồng tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt trong đó, ông Chiêm nhấn mạnh phải thay đổi các thói quen trong tổ chức các đám cưới, đám tang, việc kinh doanh, họp chợ… Người dân đa phần lo lắng trước dịch bệnh, nhưng những thói quen không dễ thay đổi. Bởi vậy, cán bộ Mặt trận phối hợp các bên thực hiện công tác tuyên truyền một cách đa dạng, bài bản: Thông qua các bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, qua các hội nghị hành chính, hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội… Những hoạt động này khiến người dân thay đổi nhận thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch do Trung ương cũng như địa phương đề ra.

Đối với công tác huy động nguồn lực chống dịch, ngoài vận động ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, MTTQ xã Tề Lỗ còn có sáng kiến kêu gọi cộng đồng xã hội hóa kinh phí xét nghiệm nhanh kháng nguyên để thực hiện xét nghiệm cho người dân. Đã có 250 tập thể, cá nhân ủng hộ hơn 530 triệu đồng tiền mặt và các trang thiết bị. Từ nguồn kinh phí này, xã tổ chức xét nghiệm miễn phí 3 đợt cho gần 8.500 người dân.

Qua 3 lần xét nghiệm nhanh đã phát hiện 1 số trường hợp dương tính và nghi ngờ dương tính, được đưa vào Bệnh viện dã chiến để cách ly, theo dõi và điều trị. Huyện Yên Lạc là địa bàn từng bùng phát dịch bệnh qua các đám tang, đám cưới, việc tầm soát các trường hợp liên quan đến F0 rất phức tạp. Song, với cách làm đồng bộ, hiệu quả, xã Tề Lỗ hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, Chủ tịch MTTQ xã Tề Lỗ Đào Đình Chiêm được ví là “nhạc trưởng” trong các hoạt động chống dịch của hệ thống Mặt trận và các đoàn thể.

3. Mỗi địa bàn lại có những phức tạp riêng. Vùng cao như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng… dân cư thưa thớt, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng không cao. Nhưng bản nọ cách bản kia hàng mấy cây số đường đồi núi, có những gia đình đơn lẻ nằm vắt vẻo trên sườn đồi. Phương tiện tuyên truyền nhiều khi còn thiếu thốn. Người dân lại có văn hóa chợ phiên, đi chợ là đi hội. Ở những nơi đó, hình ảnh cán bộ Mặt trận trèo đèo, lội suối để tuyên truyền phòng dịch, tuyên truyền tiêm vaccine lại là hình ảnh quen thuộc. Nhưng cũng vì đến với nhân dân, mà sự gắn kết giữa đồng bào dân tộc với Đảng, Nhà nước, Mặt trận càng được củng cố.

Xác định bản thân và gia đình có thể trở thành F1, F2 hay thậm chí là F0 bất cứ lúc nào, do phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng không một lời phàn nàn, những cán bộ Mặt trận vẫn dấn thân, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa tham gia giữ chốt kiểm soát, vừa làm công tác hậu cần nên thời gian vừa qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Dịch bệnh vẫn còn nhiều thách thức, nhưng có những người “giữ lửa” chống Covid-19, chúng ta thêm tin tưởng vào công cuộc chống dịch của cả đất nước.             

Dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ. Chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã phải thích ứng, rồi làm chủ hoàn cảnh. Phòng dịch phải bắt đầu từ những khu dân cư. Và đấy cũng là nơi những cán bộ Mặt trận luôn phải lên “tuyến đầu”.

N.Phượng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản