Tin mới

Niềm vui trong ngày hội lớn

(Mặt trận) -Những ngày này, khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Những tiết mục văn nghệ hay “bữa cơm đoàn kết”... đã góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó trong cộng đồng dân cư, tạo thêm động lực để Nhân dân tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Đồng bào Dao khu Quyết Tiến, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn biểu diễn văn nghệ trong ngày hội.

Ngày hội của tình đoàn kết

Đến chung vui với đồng bào Dao ở khu Quyết Tiến, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mới cảm nhận hết không khí vui tươi, phấn khởi của các tầng lớp Nhân dân, xung quanh khu vực nhà văn hóa cờ hoa rực rỡ, các hộ dân đều treo cờ Tổ quốc, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Mọi người từ khắp các ngả đường cùng hướng về nhà văn hóa khu với những bộ trang phục truyền thống dự Ngày hội.

Trưởng ban công tác Mặt trận khu Quyết Tiến Hồ Thị Phú chia sẻ: “Ngày hội Đại đoàn kết năm nào khu tôi cũng tổ chức bữa cơm đoàn kết, ngay từ sáng sớm, mọi người đã cùng nhau tập trung mỗi người mỗi việc, cùng chế biến các món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Từ hội viên người cao tuổi đến phụ nữ, cựu chiến binh đều háo hức luyện tập các tiết mục văn nghệ, các điệu múa chuông, múa rùa để tham gia giao lưu, góp phần làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi, đầm ấm”.

Ngày hội Đại đoàn kết ở khu 13 (làng Ngọc Tân), xã Ngọc Quang, huyện Đoan Hùng năm nay dường như vui hơn bởi người dân được đón ngày hội trong nhà văn hóa mới khang trang, rộng đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung ở khu vực sân nhà văn hóa tham gia các trò chơi dân gian như chơi đu, ném còn, cùng nhau chế biến nhiều món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan như xôi, chè lam ngũ sắc, bánh chim gâu, bánh chám. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Ở mỗi vùng quê có những phong tục, tập quán khác nhau nhưng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành ngày hội thắm tình đoàn kết với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, biểu dương gương người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu và phát động các phong trào thi đua yêu nước; quan tâm, chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết, tiếp tục hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tổ chức “bữa cơm đoàn kết” để tình làng, nghĩa xóm thêm gắn kết, bền chặt. Tham gia Ngày hội, Nhân dân hiểu rõ và thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết.

Qua 21 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) đã trở thành một hoạt động thường xuyên hàng năm, qua đó xây dựng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ với Nhân dân, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khu dân cư vững mạnh toàn diện.

Chung sức xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

“Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” là khâu đột phá mới và là một trong những chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh, nhiệm kỳ 2024-2029. Nhiều khu dân cư trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả, sáng tạo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về mô hình khu dân cư đoàn kết, an toàn, hạnh phúc với những nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng khu.

Người dân tích cực tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng, nhân rộng các mô hình, hoạt động tự quản trong cộng đồng, nhất là các mô hình tự quản về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đã xuất hiện nhiều “đoạn đường tự quản”, “tuyến phố không rác thải”, “tuyến phố văn minh”, “đường hoa”... góp phần xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.

Trong thực hiện khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, toàn tỉnh đã duy trì hoạt động của 2.328 ban an ninh trật tự, 14.244 tổ liên gia, 25 dòng họ tự quản về an ninh trật tự. Nhiều mô hình như: “Ngọn đèn an ninh”, “Camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự”, “Khu dân cư an toàn, trật tự”, “Thắp sáng đường quê”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tuyến đường tự quản”, “Tổ tuần tra tự quản”, “Khu phố bình yên không có tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội”, “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ hoà giải tại cơ sở”... được duy trì hiệu quả và nhân rộng, góp phần giữ gìn sự bình yên trong khu dân cư...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương, nhận thức được tầm quan trọng của hình thức tự quản ở khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai xây dựng các khu dân cư tự quản phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Nội dung hoạt động tự quản ở các khu dân cư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; tự quản trong thực hiện nếp sống văn minh, khuyến học, khuyến tài, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư...

Các khu dân cư tự quản đã thực sự là “cánh tay nối dài”, giúp chính quyền cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, nắm bắt, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Từ xây dựng khu dân cư tự quản, tình làng, nghĩa xóm, tình cảm của các gia đình trong khu dân cư được gắn bó mật thiết hơn, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau được phát huy. Lấy Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm làm tâm điểm gắn bó, đoàn kết, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi người dân, của từng khu dân cư; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phương Thanh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản