(Mặt trận) -Triển khai phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong năm 2021 toàn tỉnh Ninh Thuận đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và được Nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Qua đó, đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
|
Đoàn viên, thanh niên Công an huyện Ninh Phước thi công mô hình "Thắp sáng đường quê"tại thôn Hoài Trung, xã Phước Thái (Ninh Phước). Ảnh: Đức Minh |
UBND tỉnh Ninh Thuận đã phát động phong trào thi đua, chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị địa phương tập trung tổ chức thực hiện chương trình theo hướng: Toàn diện trên các lĩnh vực, các cấp (huyện, xã, thôn), các vùng trong tỉnh; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của chương trình; vừa tập trung chỉ đạo điểm (đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn) vừa triển khai trên diện rộng, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh môi trường. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng những giải pháp quyết liệt, nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Đẩy mạnh xã hội hóa, chú trọng lồng ghép và sử dụng hợp lý nguồn lực tự có, sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ; vận động cộng đồng doanh nghiệp, người dân bằng những việc làm cụ thể như đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất… xây dựng NTM. Trong năm, tổng nguồn vốn huy động được hơn 46 tỷ đồng để thực hiện chương trình NTM. Bên cạnh đó, Mặt trận và đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin truyền thông đã chủ động đưa tin, tuyên truyền về chương trình; vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân tham gia thực hiện chương trình thông qua các cuộc vận động, phong trào và các mô hình như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dân vận khéo”… qua đó tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận và không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong địa bàn dân cư về chương trình xây dựng NTM.
Điển hình như ở huyện Ninh Phước, người dân ở các xã: Phước Hải, An Hải, Phước Thuận, Phước Vinh đã đóng góp 387 triệu đồng và hiến 160 m2 đất để bê tông, cứng hóa 1.012 m đường giao thông nông thôn; 207,5 triệu đồng để trồng cây, trồng hoa ven đường và thắp sáng các tuyến đường trong khu dân cư; huyện Ninh Hải, các xã đã vận động người dân đóng góp 347 triệu đồng, các tổ chức doanh nghiệp đóng góp 784 triệu đồng, hiến 600 m2 đất và 340 ngày công lao động, để thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi... phục vụ sản xuất; hay tại xã Phước Minh (Thuận Nam) đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ 2 tỷ đồng và người dân đóng góp ngày công lao động để xây dựng khuôn viên và sửa chữa nhà Văn hóa thôn Quán Thẻ 1...
Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong việc triển khai chương trình xây dựng NTM mới do mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2021-2025 vào giữa tháng 7-2021; nguồn vốn phân bổ chậm và thấp so với nhu cầu..., nhất là tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến đời sống, sản xuất của người dân, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chương trình đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm, có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM và 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 29 xã, đạt 61,7%, trong đó có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí đạt 16,77 tiêu chí/xã, tăng 0,47 tiêu chí/xã so với cuối năm 2020 là 16,30 tiêu chí/xã. Thông qua phong trào thi đua đã tạo thêm nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM; góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò chủ thể của người dân; tạo được sự ủng hộ của toàn xã hội, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thêm: Năm 2022, tỉnh ta tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời phát hiện và đẩy mạnh nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào tạo sự lan tỏa trong Nhân dân, cộng đồng, xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện phong trào nhằm huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để duy trì phong trào; cần chủ động ban hành các cơ chế, chính sách mới, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với các địa phương đạt chuẩn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM bền vững. Tiếp tục tổ chức tốt phong trào thi đua tại các địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn NTM đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào thi đua, tập trung vào các địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trung tâm để kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM.
Xuân Bính