Tin mới

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Bác Ái, Ninh Thuận

(Mặt trận) - Huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) là một trong 85 huyện nghèo của cả nước.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Mô hình nuôi bò sinh sản mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân huyện miền núi Bác Ái, Ninh Thuận.

Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện là ưu tiên các nguồn lực để cải thiện đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Là một trong những hộ nghèo ở xã Phước Chính, năm 2017, chị Ca Dá Thị Yến được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi bò sinh sản. Ngoài mua nuôi 5 con bò sinh sản, gia đình chị Yến trồng thêm các cây hoa màu khác có thêm nguồn thu nhập để trả nợ theo quy định. Năm 2019, bò sinh sản, gia đình bán bò, trả nợ ngân hàng và tiếp tục vay thêm 50 triệu mua 5 con bò tiếp tục nuôi. Chịu khó làm ăn, được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại, trồng cỏ nên đàn bò phát triển tốt, đến nay đàn bò đã tăng lên 12 con, kinh tế được cải thiện, gia đình vươn lên thoát nghèo.

Cùng với phát triển chăn nuôi, chuyển đổi các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao được xác định là hướng thoát nghèo bền vững để các xã trên địa bàn huyện nhân rộng. Bốn năm trước, 3 sào vườn trồng cây ăn trái của gia đình anh Katơr Hạnh ở xã Phước Tân vẫn còn là đất ruộng trồng lúa. Gặp những năm hạn hán không đủ nước tưới phải ngừng sản xuất nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh.

Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, sau thời gian nghiên cứu một số mô hình trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, anh Katơr Hạnh gom vốn trồng 60 gốc bưởi da xanh, một số cây mít Thái, mận xen ghép. Nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, anh Hạnh mở rộng diện tích, trồng thêm 40 gốc bưởi. Đến nay, một số diện tích cây ăn quả đã cho thu bói, hy vọng sẽ nâng cao thu nhập cho gia đình trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. 

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững kết hợp xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay, huyện Bác Ái đã triển khai 62 mô hình, dự án, trong đó có 33 dự án trồng trọt và 29 dự án chăn nuôi. Huyện kết hợp triển khai 28 mô hình khuyến nông hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi, sầu riêng, dưa lưới, thanh long, chuối Nam Mỹ, cây dược liệu, bắp lai, mì cao sản; phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu, heo. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh triển khai các chính sách giao khoán bảo vệ, phát triển rừng, xây dựng mô hình sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ người dân tăng thu nhập, giảm áp lực phụ thuộc, xâm hại tài nguyên rừng.

Để đảm bảo nguồn lực phát triển, giai đoạn 2015 - 2019, huyện Bác Ái huy động tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, các công trình phúc lợi xã hội; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất... Các chương trình, dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 15%; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng năm 2019, tăng 72% so với năm 2015. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, cuối năm 2019, toàn huyện có 371 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 34,25% với 2.601 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,96% với 832 hộ, giảm 6,06% hộ nghèo và 2,84% hộ cận nghèo so với năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cũng gặp không ít khó khăn do kinh tế của huyện Bác Ái chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thường xuyên bị hạn hán ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức tự vươn lên của một bộ phận người dân chưa cao. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, khắc phục khó khăn, năm 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thực thi chính sách giảm nghèo theo chuẩn đa chiều. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ đột phá như đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; thu hút, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa bền vững; giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Huyện xác định một số chỉ tiêu phát triển về tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 12% trở lên, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4%/năm, có 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%; các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản