(Mặt trận) -Trong những năm qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp. Qua đó, góp phần xây dựng vùng nông thôn Yên Bái xanh, sạch, đẹp, văn minh, trở thành những miền quê đáng sống.
|
Hội viên nông dân các xã trên địa bàn huyện Trấn Yên tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp |
Từ nhiều năm qua, ngày thứ Bảy đầu tiên trong tháng, người dân thôn Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên hăng hái tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm. Để giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho thôn Bản Vần và xã Việt Hồng 100 thùng chứa rác thải và 3 xe chở rác.
Ông Hoàng Văn An - người dân thôn Bản Vần cho biết: Trước đây, người dân chúng tôi chưa biết cách phân loại rác thải như thế nào, thường hay để lẫn vào nhau. Bây giờ chúng tôi đã biết phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ rồi để riêng ra. Đối với rác thải hữu cơ, chúng tôi xử lý bằng chế phẩm sinh học làm phân bón để bón cho cây trồng. Đối với rác thải không xử lý được chúng tôi đem về nơi tập kết để vận chuyển đến nơi xử lý an toàn, không làm ảnh hưởng đến môi trường”.
Để cán đích nông thôn mới kiểu mẫu, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó như môi trường. Cụ thể, nhân dân trong xã đã thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, biến rác thải thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Bà Nguyễn Thị Mai Lan - thôn Ninh Thuận, xã Nga Quán chia sẻ: Nhờ thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn làm phân bón cho cây trồng mà môi trường ở đây sạch sẽ, thoáng mát, đường làng nhiều hoa rực rỡ. Cùng đó, nhà nào cũng có bể chứa rác thải và xử lý rác thải thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Chúng tôi rất phấn khởi, bà con ai cũng hào hứng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Không chỉ Ninh Thuận mà các thôn của xã Nga Quán đều thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải, đưa xã trở thành một trong những địa phương nổi trội thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên.
Thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của các cấp Hội và hội viên nông dân trong tham gia bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Yên Bái”, giai đoạn 2019-2023, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân nắm vững và chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và các quy định của Nhà nước, của tỉnh về tài nguyên và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, trồng cây xanh.
Từ năm 2019 đến nay, tổ chức trên 20.000 buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới… cho gần 1 triệu lượt hội viên nông dân. Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình giúp các hộ nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Thành lập và duy trì hoạt động của các tổ tự quản về "Thu gom và xử lý rác thải tại khu dân cư”, Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật” nhằm phổ biến các nội dung về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tuyên truyền tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của con người và ảnh hưởng xấu đến môi trường, các biện pháp giảm thiểu túi nilon và các bao bì bằng nhựa khác…
Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Vận động hội viên và cộng đồng dân cư nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch; ăn ở hợp vệ sinh và giữ gìn vệ sinh môi trường; tham gia bảo vệ môi trường làng nghề, hạn chế sử dụng túi nilon, hướng dẫn người dân thu gom và phân loại chất thải tại nguồn… nhằm hạn chế những tác động do ô nhiễm môi trường, nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn.
Cũng từ năm 2019 đến nay, thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng mô hình thực hiện tiêu chí về môi trường, thu gom rác thải, đảm bảo xanh - sạch - đẹp tại 100% các xã, phường, thị trấn; 149 tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp; 259 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã; 41 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn xây dựng 18 mô hình theo hướng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; thu hút 34 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng 12 chi hội nông dân nghề nghiệp và 17 chi hội nông dân hạnh phúc...
Tỉnh Hội đã phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội, các sở, ngành của tỉnh xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như mô hình"Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xã Sơn Lương (huyện Văn Chấn), xã Việt Hồng, Báo Đáp (huyện Trấn Yên); mô hình "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư” tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên) và xã Sơn A (thị xã Nghĩa Lộ).
Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Trung ương Hội triển khai thí điểm dự án "Lò đốt than sinh học” từ phụ phẩm nông lâm nghiệp tại huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ... Các mô hình, dự án được triển khai hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
"Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 94% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh; lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực đô thị đạt 90%; lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt 40,2%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 66,7%. Các cấp Hội đã xây dựng 458 mô hình nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn; trên 200 công trình cấp nước sạch, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 425 tổ nông dân tự quản về môi trường” - ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Mạnh Cường