|
Bốn người con của ông Lê Thanh Văn, ở ấp 5, được bà Oanh hết lòng quan tâm hỗ trợ để không bị gián đoạn việc học hành. |
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình ông Lê Thanh Văn, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, đang nuôi 4 con nhỏ quá khó khăn, nên hơn một năm qua, bà Oanh nhận đỡ đầu cho cả 4 đứa con của ông ăn học.
“Lá lành đùm lá rách”
Bà Oanh chia sẻ: “Sở dĩ, tôi biết hoàn cảnh gia đình ông Văn, vì trước đây, vợ ông cũng là hội viên của chi hội phụ nữ ấp. Gia đình quá nghèo nên hàng ngày, hai vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn cho người ta, đắp đổi qua ngày để lo các con ăn học. Nhưng 2 năm trước, vợ ông Văn bỏ nhà đi, để lại 4 con thơ dại. Một mình gà trống nuôi con, thấy 4 đứa trẻ nheo nhóc tôi thương lắm. Từ đó, tôi bàn với gia đình và quyết định nhận đỡ đầu 4 cháu, cũng hơn năm nay rồi. Thương lắm, dù nghèo khó nhưng các cháu học rất chăm chỉ”.
Bốn cháu mà bà Oanh nhận hỗ trợ, trong đó 1 bé đang học lớp 4, 1 bé học lớp 3, 1 bé học lớp 1 và 1 bé chỉ hơn 2 tuổi. Theo ông Lê Thanh Văn, ở ấp 5, gia đình không ruộng đất, bản thân ông cũng không nghề nghiệp ổn định, nên đi làm thuê, làm mướn kiếm được công việc bữa nào là mừng bữa đó. Vì vậy, bà Oanh thường động viên ông cố gắng đi làm thêm để lo cho các con thơ dại.
“Cũng may có sự quan tâm, giúp đỡ của bà Oanh mà các con tôi có thêm điều kiện ăn uống và đến trường. Đều đặn mỗi tháng, bà và các mạnh thường quân thường hay ghé thăm, động viên, quan tâm việc học tập của các con tôi. Có khi đến nhà, bà tặng tiền cho tụi nhỏ mua cặp sách, khi thì mua cho bánh, kẹo, trái cây…”, ông Thanh bày tỏ.
Hơn một năm đỡ đầu cho 4 trẻ, hàng tháng, bà Oanh cùng các mạnh thường quân đều đến trao tặng ít nhất 10kg gạo, mì gói, sữa, hỗ trợ từ 300.000 đến 1 triệu đồng tiền mặt. Bà Oanh chia sẻ thêm: “Nhà tôi cũng không khá giả gì, chủ yếu làm ruộng nên dành dụm được ít thì tôi cho ít, khi nào vận động mạnh thường quân có nhiều thì tôi đến mua quà cho các cháu nhiều hơn. Đi đâu, hễ biết ai có cùng tấm lòng muốn giúp đỡ người khó khăn, là tôi đều chia sẻ hoàn cảnh các cháu, để con đường đến trường các cháu không bị gián đoạn”.
Không chỉ quan tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bà Oanh cũng nhiệt tình giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo vượt khó. Bà Thạch Thị Bông, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, bộc bạch: “Biết tôi lớn tuổi, lại sống một mình mà không có nghề nghiệp, ruộng đất gì nên nhiều năm nay, hễ ai có nhu cầu thuê mướn làm việc, là bà Oanh hay giới thiệu cho tôi. Nhờ vậy, tôi kiếm thêm thu nhập lo được cho cuộc sống. Bà cũng đang tìm nguồn vận động để hỗ trợ tôi được sửa chữa lại căn nhà đang xuống cấp. Tôi biết ơn bà Oanh nhiều lắm”.
Tận tụy vì phong trào địa phương
Bà Oanh tham gia Chi hội phụ nữ ấp 5 vào năm 2006, chỉ vài tháng sau, với sự năng nổ, nhiệt tình vì phong trào, bà được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp. Bà Oanh cho biết: “Khó nhất khi đó là việc tập hợp và thu hút hội viên tham gia hoạt động hội, bởi trong ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer; đa phần chị em tập trung cho việc đồng áng, ít chịu tham gia vào hoạt động hội”.
Do đó, để thu hút thêm hội viên, bà Oanh “Đi từng nhà, rà từng đối tượng”. Đồng thời, động viên khích lệ, chọn chị em phụ nữ có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tham gia trước. Bởi theo bà Oanh, một chị tham gia sẽ tuyên truyền, khuyến khích cho nhiều chị vào, dần nhân lên số lượng hội viên tự nguyện tham gia nhiều lên.
Năm 2006, Chi hội phụ nữ ấp 5 chỉ có hơn 20 hội viên, với hơn 60% hội viên thuộc diện hộ nghèo. Từ đó, hàng năm, bà Oanh xây dựng kế hoạch phát triển ít nhất 10 hội viên, giảm 2-3 hội viên nghèo. Dấu ấn đáng nhớ là năm 2013, bà Oanh phát triển chi hội lên được hơn 200 hội viên, đạt 100% chị em phụ nữ trong ấp trở thành hội viên chi hội vào thời điểm này. Chị em còn tích cực hưởng ứng tham gia hoạt động, phong trào do chi hội tổ chức.
Nhờ tổ chức hội hoạt động hiệu quả, năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho Chi hội phụ nữ ấp 5, do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hội. Hiện, chi hội tăng lên hơn 240 hội viên, còn gần 20% hội viên (49 hội viên) thuộc diện hộ nghèo. Chưa kể, để giúp chị em giảm nghèo bền vững, bà xây dựng và chia ra hoạt động tại 5 tổ tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng.
Tùy theo nhu cầu thực tế của từng hội viên sẽ đăng ký tham gia vào tổ. Mỗi hội viên có nhu cầu mượn vốn được hỗ trợ từ 1-5 triệu đồng. Bà Oanh cho hay: “Khi các chị em đăng ký chọn nuôi con gì, cây gì sẽ được chúng tôi rà soát, xét cho mượn số tiền tương ứng. Sau khi có nguồn thu nhập ổn định, 3 tháng hoặc 6 tháng sẽ trả lại cho chi hội, để chị em khác mượn, không tính lãi”.
Bà Trịnh Thanh Tiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Trung, cho rằng: “Nhờ xây dựng được 5 tổ tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng mà hội viên phụ nữ của chi hội tham gia rất tích cực phong trào. Từng chị em còn chia sẻ, hỗ trợ các điều kiện về nguồn vốn, cây con giống, kỹ thuật chăn nuôi... Cách làm này đã được chúng tôi nhân rộng phù hợp với tình hình thực tế ở từng chi hội của các ấp còn lại”.
Phát triển kinh tế gia đình nhờ tham gia vào tổ tiết kiệm, hùn vốn, bà Kim Thị Hường, Tổ trưởng Tổ hùn vốn nuôi cá, trồng ổi, mít của ấp 5, bộc bạch: “Được bà Oanh hỗ trợ, chị em giúp vốn... nên giờ kinh tế gia đình cũng khá hơn với mô hình nuôi cá, trồng ổi, mít. Chị em giúp tôi, giờ tôi chia sẻ lại cách chăm lo gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng phát triển kinh tế gia đình”.
Với khả năng vận động và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp phát triển kinh tế gia đình cho chị em phụ nữ, cuối năm 2022, bà được giao nhiệm vụ là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 5. Tuy nhiệm vụ khá mới, nhưng bằng sự tâm huyết, hết mình vì nhiệm vụ, bà cho ra mắt Câu lạc bộ “Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đồng bào Khmer tại chùa”, tích cực tìm nguồn hỗ trợ trao tặng 3 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trong ấp...
Bà Nguyễn Thị Như Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Thủy, cho biết: “Bà Oanh không chỉ tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng với công việc mà còn là phụ nữ đảm đang của gia đình. Bà đã sắp xếp khoa học từ nguồn lực tài chính đến quỹ thời gian của gia đình để thực hiện tốt nhiệm vụ đã giao, làm tốt công tác thiện nguyện. Tôi đánh giá cao khả năng tập hợp và phát triển phong trào hội của bà Oanh”.
|
CAO OANH