Tin mới

'Ông Mặt trận' dầm mình xuyên ngày đêm cứu giúp dân trong bão lũ

(Mặt trận) - “Nhà tôi mất hết chẳng còn gì nữa, lũ rút chỉ còn mỗi vợ đưa về…” - giọng ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lạc đi, hai hàng nước mắt chảy đầm đìa. Suốt 5 ngày lao vào nước lũ cứu giúp dân, ông Hoan chưa hề giúp được gì cho vợ ở nhà. Bà con thương cảm đến đưa lúa ra phơi, dọn dẹp nhà cửa để ông yên tâm lo cứu trợ cho dân.

Hòa Bình: Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Riềng: Dấu ấn một nhiệm kỳ

"Ông Mặt trận" Nguyễn Công Hoan lái máy cày chuyên dụng của nhà đến kéo thuyền, của cải của dân đến nơi an toàn.   

Sáng 22/10, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Thạch Nguyễn Công Hoan khi ông đang bị vây giữa đoàn người cứu trợ với tràn ngập hàng cứu tế. Ông lăn lộn giữa đoàn người với đôi dép lê, đầu đội mũ cối, tay cầm cuốn sổ để ghi chép, thỉnh thoảng nghe điện thoại rồi hô gọi cán bộ đoàn thể sắp xếp hết chỗ này đến chỗ kia. Dường như người đàn ông này không có phút nào ngơi nghỉ.

Tất cả cán bộ xã Cẩm Thạch “căng mình” cân, đếm, bốc dỡ dàng, lập danh sách, sắp xếp hàng hóa, thống kê danh sách để phân phát cho dân vùng lũ nhằm đảm bảo không ai phải chịu thiệt hơn.

Những ngày qua, mưa trút xuống như thác đổ, Cẩm Thạch nằm dưới 2 hồ chứa lớn là Kẻ Gỗ và Bộc Nguyên, nơi đây lại có sông Ngàn Mọ chảy qua, nước lũ chảy về tứ phía khiến xã Cẩm Thạch ngập chìm trong biển nước mênh mông.

Đích thân ông Hoan lái chiếc máy cày chuyên dụng của gia đình nhà lên đường lớn để phục vụ việc kéo thuyền, đưa đồ đạc của người dân đến nơi ẩn náu.

Xuyên suốt từ đêm 18 đến đêm 19/10, ông Hoan cùng 11 cán bộ xã trong Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN xã thức trắng, không ăn, không ngủ để đưa người dân vùng lũ ra khỏi nơi nguy hiểm.

“Chúng tôi ưu tiên vùng ngập lụt mạnh nhất, sau đó đến vùng khác cao hơn. Chỉ vài tiếng đồng hồ trong buổi chiều 19/10, các thuyền cứu hộ của xã đã đưa 60 người ở 5 thôn thoát khỏi điểm lũ nguy cấp đưa về 3 cứ điểm tập trung. Trong 2 ngày 2 đêm, toàn bộ hơn 1.000 người dân được đội cứu hộ đưa về nơi an toàn. Lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ làm cách nào chèo thuyền được nhanh nhất để đưa bà con thoát nạn. May mắn là tất bà con đều an toàn còn tài sản đành phải bỏ lại. Đây là nỗ lực của cả tập thể chứ không riêng gì tôi” - ông Hoan nhớ lại.

Trong số những người được ông Hoan cứu, người mà ông nhớ nhất là bà Võ Thị Chứt (56 tuổi, ở thôn Mỹ Thành).

Bà Chứt sống côi cút, đơn thân một mình trong căn nhà Đại đoàn kết mới xây. Đêm 19/10, trong lúc leo từ trên chạn xuống, bà bị trượt chân ngã, bể xương đầu gối. 2h sáng, nhận được điện thoại, ông Hoan cùng Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch đội mưa, vượt lũ, chèo thuyền đến đưa bà Chứt vào Trạm y tế xã băng bó vết thương.

“Lúc đó, nước ngập băng đường, nhà của bà Chứt nước vào đến đầu gối, hai anh em chúng tôi phải vất vả lắm mới đưa được bà đến trạm xá sau đó đưa lên bệnh viện cấp cứu” - ông Hoan kể.

23h đêm 20/10, ông Hoan mới có thời gian để về nhà thăm mình, lúc này mọi thứ đã bị lũ nhấn chìm. Cả ngôi nhà lẫn trang trại của gia đình ông ở thôn Na Trung đều ngập trong nước lũ đục ngầu.

“Nhà tôi mất hết, giờ thì trắng tay. Hơn 200 con gà, toàn bộ máy móc của HTX nông nghiệp và dịch vụ Hoàng Sơn của con trai, cây cối, hoa màu các vật dụng trong nhà, 9 tấn lúa… hư hỏng hết, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể” - ông Hoan chảy nước mắt xót xa.

Ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thạch ghi nhận sự đóng góp, hy sinh lớn lao của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Công Hoan.

“Suốt 5 ngày qua, đồng chí Hoan cũng như tất cả cán bộ xã phải ở lại trụ sở để lo cho việc tập thể mà quên đi việc nhà. Bà con nhân dân thấy thương nên đến phụ giúp dọn dẹp, phơi lúa để đồng chí yên tâm tiếp nhận hàng cứu trợ và phân phát cho dân” – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thạch nói.

Nhắc đến hàng cứu trợ, ông Nguyễn Công Hoan cho hay, toàn xã có 1.300/1.538 hộ bị ngập, hiện còn 50% số hộ đang bị lũ chia cắt. Đoàn cứu trợ không thể tiếp cận được số dân này vì họ không có thuyền.

“Những hàng thiết yếu như mỳ tôm, lương khô, thông qua các đoàn cứu trợ chúng tôi đã cấp phát đủ cho dân ăn đến 1 tuần. Để tránh tình trạng người dân gần đường lớn nhận được nhiều, các hộ đang ngập lụt phải nhịn đói, các đoàn cứu trợ nên liên hệ với xã để chúng tôi đưa đến tay người dân đang cần. Quan trọng nhất là sau khi lũ rút, người dân cần nguồn lực để vực dậy cuộc sống” - ông Hoan nói.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản