Tin mới

Phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, trong đó việc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều địa bàn trên cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc vận động, phát huy quyền làm chủ của người dân trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết nêu những giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 

Chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới

Đảng ta xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống Nhân dân, chủ động hội nhập quốc tế, làm cho đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.

Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, trong đó việc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều địa bàn trên cả nước. Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Nông nghiệp phát triển còn kém vững chắc. Nông thôn thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiếu tầm nhìn, môi trường ngày càng ô nhiễm; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân còn thiếu thốn, chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn, thành thị và giữa các vùng còn lớn, nhiều vấn đề bức xúc phát sinh đòi hỏi phải được giải quyết một cách kịp thời.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong những năm tới, tiếp tục thực hiện chủ trương: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 xác định “Cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; phấn đấu có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận”.

Việc xây dựng nông thôn mới phải là một phong trào quần chúng rộng lớn; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân, có sự tham gia tích cực chủ động của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư. Nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường vươn lên của nông dân, “phát huy cao nội lực”; đồng thời, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chủ trương xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Thực hiện thắng lợi chủ trương này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nền kinh tế đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, một lực lượng xã hội đông đảo chiếm hơn 70% dân số của cả nước, tạo ra diện mạo bộ mặt nông thôn mới “ổn định, hoàn thiện, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc” thể hiện rõ bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cần nắm vững các quan điểm trong thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Một là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu Xây dựng nông thôn mới, các nội dung cụ thể của chương trình trên từng địa bàn, địa phương, cơ sở phải được Nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hai là, dựa vào nội lực của cộng đồng là chính với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp; phối hợp, kế thừa, phát huy kết quả của các chương trình, dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn, những cơ sở hạ tầng đã được xây dựng. Xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước một cách có chất lượng, hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Những giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Để tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, trước tiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng trong Nhân dân

Tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong nhân dân các xã về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và mỗi người dân hiểu rõ, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Khác với trước đây, Chương trình xây dựng nông thôn mới lần này không phải chủ yếu là dựa vào đầu tư của Nhà nước, không chỉ là một dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Nếu hiểu Chương trình xây dựng nông thôn mới là dự án đầu tư của Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn rồi trông chờ, ỷ lại thì sẽ thất bại, mà cần nhận thức rằng đây là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở nông thôn, tiến hành cùng với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, do Nhân dân làm chủ - Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; phát huy cao nhất nội lực, các nguồn lực xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới thành công, bền vững.

Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận ở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo vận động Nhân dân tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới

Cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng lĩnh vực, về phương pháp xây dựng đề án, phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực, quản lý tài chính, quản lý xây dựng cơ bản, thủ tục thanh, quyết toán…, tổ chức tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đưa công việc từng bước đi vào nền nếp. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở càng năng động, sáng tạo, trưởng thành thì kết quả đạt được càng tích cực và hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc về thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới cho phù hợp với thực tiễn của từng địa bàn, địa phương, cơ sở

Thực hiện các cơ chế, chính sách chung của Nhà nước, mỗi địa phương căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và yêu cầu bức thiết của người dân để phát huy dân chủ rộng rãi, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, có cách làm chủ động, sáng tạo, lựa chọn những nội dung bức thiết cần làm trước, cần tập trung đầu tư, những nội dung có thể làm sau, cách thức huy động nguồn lực tổng hợp, tạo ra sự liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, phân công thực hiện cho các tổ chức trong hệ thống chính trị… phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của từng xã, không dập khuôn, máy móc. Cần phải đa dạng hoá việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, sự hỗ trợ một phần vốn tư ngân sách Trung ương là cần thiết để tạo cơ sở để thu hút các nguồn vốn khác từ ngân sách địa phương và sự đóng góp của Nhân dân dưới nhiều hình thức, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn; cần hết sức chú ý huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua các hình thức thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và nhất là tăng vốn tín dụng cho các hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã vay để phát triển sản xuất… về cơ bản và lâu dài, để nông thôn mới được xây dựng, phát triển bền vững. Tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao nội lực của Nhân dân, kết hợp với vốn đầu tư, liên doanh, liên kết của các doanh nghiệp và vốn tín dụng ngân hàng phải trở thành những nguồn lực chủ yếu nhất.

Mặt trận Tổ quốc cần chỉ đạo tập trung, sâu sát, cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc và thu hút được sự tham gia chủ động tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên từng địa bàn, địa phương, cơ sở

Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở phải xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của mình. Tổ chức giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn của các ngành, các cấp trong xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên đốn đốc, kiểm tra việc thực hiện, phát hiện sai lệch để uốn nắn hay cách làm hay để nhân rộng. Trong quá trình tổ chức vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới phải nhận thức được vị thế chủ thể của người nông dân (bao gồm cả vị thế chính trị, kinh tế). Đây là nhóm dân số đông nhất hiện nay ở nước ta, là giai cấp đã cùng với giai cấp công nhân Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Theo đó, nông thôn là khu vực rộng lớn, đa dạng cư dân, đa dạng văn hóa truyền thống (kể cả tập tục lạc hậu), hạ tầng lạc hậu…, môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại nghiêm trọng. Vì vậy, cần có cách tổ chức vận động phù hợp thì mới thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới có chất lượng, hiệu quả.

Chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, sáng tạo và hiệu quả

Phát hiện những nhân tố mới, sáng tạo của người dân trong việc thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường sống trên môi trường thông tin, công nghệ số hiện đại, vì cuộc sống của người dân.

Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò nòng cốt trong việc củng cố, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội vì lợi ích trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cùng với việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của Mặt trận các cấp cần phải tổ chức lại các hội, đoàn thể nhân dân để thực sự là tổ chức của họ, đại diện cho họ giám sát hoạt động của các cấp chính quyền, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong thôn, xã, giúp họ định hướng phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tình làng nghĩa xóm trong xây dựng nông thôn mới. Cùng nhau chung tay khắc phục khó khăn trong đời sống hàng ngày; đấu tranh, ngăn chăn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tiêu cực, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội trong thôn xóm, làng xã; giúp nhau trong tổ chức cuộc sống, không ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng bộ mặt nông thôn mới, văn minh, khang trang, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Văn Hùng - TS, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên HĐTV về Văn hóa - Xã hội, UBTW MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản