Tin mới

Phú Thọ: Đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống

(Mặt trận) -Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Để Luật BVMT đi vào cuộc sống, Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tặng thùng đựng rác sinh hoạt cho các hội viên tiêu biểu tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa.

Nhiều điểm mới

Luật BVMT năm 2020, được xây dựng nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT, phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới.

Luật BVMT năm 2020, có nhiều điểm mới quan trọng như: Quy định cộng đồng dân cư là một trong những chủ thể của công tác BVMT; thay đổi phương thức quản lý đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; thông qua các điều khoản tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên…

Đặc biệt, Luật BVMT cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường tích hợp các thủ tục hành chính về môi trường vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án vận hành chính thức và kết thúc dự án; thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện, hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Luật cũng đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường cacbon trong nước. Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên nhằm tạo động lực phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sự thịnh vượng quốc gia.

Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020, cũng có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, các quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ TN&MT, các bộ liên quan và UBND các cấp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT; bổ sung quy định về tần suất thanh tra, kiểm tra đột xuất. Sửa đổi, bổ sung, nâng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, tăng mức phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Quy định quyền của các lực lượng (Thanh tra xây dựng, giao thông, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch…) được xử lý vi phạm về BVMT nơi công cộng, trong lĩnh vực phụ trách. Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính về BVMT, bên cạnh các hình thức xử phạt, Luật bổ sung việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác để xử lý các hành vi vi phạm hành chính về BVMT…

Với những quy định cụ thể, Luật BVMT năm 2020 đánh dấu những bước chuyển về chính sách pháp luật, bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò quan trọng đó, để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các quy định của Luật, tỉnh, ngành TN&MT đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa nội dung Luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn.

Đưa Luật vào thực tiễn

Việc triển khai Luật BVMT 2020 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện. Để kịp thời phổ biến chủ trương, chính sách về công tác quản lý BVMT trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đưa Luật BVMT 2020 từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT ở địa phương. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn, địa phương thực hiện quy định của Luật gắn với các nghị quyết, kế hoạch, quyết định liên quan đến nội dung BVMT đã, đang triển khai như: Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 23/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch thực hiện thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tỉnh Phú Thọ tại Quyết định số 2622/QĐ-UBND, ngày 07/10/2020 của UBND tỉnh; Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh về Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030…

Tỉnh đã triển khai phương án phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng bảo vệ môi trường khác đưa vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa và Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Triển khai thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020. Song hành với đó, Sở ban hành văn bản hướng dẫn chủ dự án, cơ sở rà soát, thực hiện quy định về cấp giấy phép môi trường và thực hiện chế độ báo cáo công tác BVMT theo Luật BVMT năm 2020; nghiên cứu, xây dựng quy định, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền qua nhiều hình thức; đăng tải những quy định mới của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu, sổ tay cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác BVMT.

Trên cơ sở đó, các huyện, thành, thị cũng xây dựng kế hoạch sớm đưa Luật BVMT vào cuộc sống. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp BVMT, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo thói quen, ý thức tuân thủ từ trước khi Luật có hiệu lực.

Xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiêu chí môi trường được địa phương quan tâm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo Chủ tịch UBND xã Khuất Luyện, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và thực hiện nhiều mô hình BVMT hay, hiệu quả. Từ đó, người dân nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của bản thân, gia đình để chủ động phối hợp trong việc BVMT. Đây là điều kiện thuận lợi, cơ sở, tiền đề quan trọng để từng bước đưa Luật BVMT vào thực tế cuộc sống.

Luật BVMT năm 2020 cũng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp cận và nghiêm tục thực hiện. Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì cho biết: Đơn vị đã tìm hiểu các nội dung quy định trong Luật BVMT năm 2020, đặc biệt các quy định mới liên quan đến cấp phép và đăng ký môi trường, từ đó nhận thức đúng, đủ trách nhiệm trong công tác sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động BVMT, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận từ thực tế, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, môi trường, chất lượng môi trường được cải thiện, nâng cao qua từng năm. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện nghiêm, có hiệu quả Luật BVMT năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lệ Oanh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản