Tin mới

Phú Thọ: Gỡ “nút thắt” tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Nhằm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn các huyện, thành, thị tập trung xây dựng các mô hình tự quản. Qua thực tiễn hoạt động, các mô hình này đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Mô hình tự quản đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ.

Trước đây tại các địa phương trong huyện Lâm Thao việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu được các hộ gia đình xử lý bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp, nước thải sinh hoạt hay chăn nuôi chuồng trại được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Để giải quyết thực trạng này, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Ưu tiên hàng đầu là thành lập các mô hình tự quản ở khu dân cư, vận động người dân cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), tiến hành phân loại xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình.

Ngay sau khi được huyện Lâm Thao chọn làm điểm để xây dựng mô hình tự quản BVMT, MTTQ xã Tiên Kiên đã tập trung vào công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. Các nội dung xây dựng khu dân cư tự quản được lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể nhằm vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia BVMT.

Tại các khu dân cư, Ban công tác Mặt trận thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác BVMT với phong trào “5 không, 3 sạch”, vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng túi nilon.

Đến nay, hoạt động tự quản để BVMT ở Tiên Kiên đã đi vào nền nếp khi có 100% các hộ gia đình trong xã tự nguyện ký cam kết BVMT với các nội dung như mỗi hộ gia đình đều phải có vật dụng chứa rác thải, chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi xử lý; không vứt rác bừa bãi ra đường, không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật. Hàng tháng người dân trong các khu dân cư cùng tham gia vệ sinh làm sạch đường làng ngõ xóm. Nhiều hộ tự nguyện mua thùng rác đặt đúng nơi quy định để người dân đi qua đường có chỗ bỏ rác, hình thành các đoạn đường kiểu mẫu BVMT.

Cùng với xã Tiên Kiên, những mô hình khu dân cư tự quản BVMT đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ triển khai xây dựng và nhân rộng tại nhiều địa phương nhằm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Với mục tiêu đưa địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường, MTTQ xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng cùng với các tổ chức thành viên đã vào cuộc vận động nhân dân xây dựng mô hình tự quản. Cùng với đó, Mặt trận cũng tổ chức cho người dân ký cam kết BVMT với các nội dung cụ thể như không phát tán chất thải, khí thải gây ảnh hưởng đến cộng đồng khu dân cư; không phá rừng, hủy hoại cảnh quan môi trường công cộng; không sử dụng hóa chất độc hại, chế phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm; không vứt xác động vật chết và chất thải chăn nuôi ra môi trường công cộng.

Theo thời gian, tình hình môi trường ở Chân Mộng đã được cải thiện rõ nét. Người dân không còn vứt rác tùy tiện ra đường. Đa số các hộ tự trang bị thùng chứa và tự phân loại rác thải tại nhà. Các hộ có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tự giác đầu tư xây dựng hệ thống bioga, không xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm môi trường.

Đánh giá thành công của những mô hình này, ông Nguyễn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc triển khai xây dựng mô hình tự quản đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ BVMT. Từ mô hình điểm cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn và khuyến khích cấp huyện, cấp xã xây dựng mô hình để triển khai đồng bộ và huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua thực tiễn, các mô hình tự quản đã lan tỏa đến nhiều địa phương góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Đến nay, tại 13/13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được mô hình điểm về tự quản BVMT. Từ năm 2018, đã có trên 60% số khu dân cư tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình tham gia “Tự quản BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu” trong đó có nhiều khu dân cư ký kết tham gia BVMT gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự. Tại các khu dân cư có mô hình điểm, 100% hộ dân đều ký cam kết “Toàn dân tham gia BVMT” và bổ sung nội dung này vào hương ước, quy ước của địa phương.

Với những hiệu ứng tích cực đó, trong thời gian tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chỉ đạo Mặt trận các huyện, thành, thị duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản này qua đó tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng trong việc tham gia BVMT tại các khu dân cư.

ANH VŨ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản