Tin mới

Phú Thọ: Những Tổ Covid cộng đồng ở vùng cao quyết tâm phòng, chống dịch

(Mặt trận) - Nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống, dịch bệnh trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của các cấp và khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp theo từng diễn biến dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức cùng toàn tỉnh và cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Tổ COVID-19 cộng đồng khu Ngả Hai, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ dân trong khu. 

Thực hiện đồng bộ các biện pháp

Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trình độ dân trí và đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh chưa đồng đều, do đó, để đồng bào hiểu rõ các nguy cơ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, các huyện miền núi đã vận dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch với phương châm “bốn tại chỗ”. Cơ chế phòng, chống dịch COVID-19 từ cấp huyện đến từng cơ sở, địa bàn khu dân cư được kích hoạt, duy trì ở mức cao nhất, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các địa phương đã tích cực áp dụng các phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin song song với việc phát huy vài trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để xây dựng thế trận phòng dịch từ mỗi nhà, mỗi người.

Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, huyện Tân Sơn đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng để người dân có đầy đủ thông tin. Huyện duy trì hoạt động 172 tổ COVID-19 cộng đồng, thực hiện tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa di động đến từng xóm, khu dân cư, địa bàn xa trung tâm; thành lập sáu chốt kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có hai chốt cấp tỉnh, bốn chốt cấp huyện, mỗi chốt thường trực khoảng 10 thành viên. Tất cả các chốt đều được lắp đặt hệ thống camera để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện có thể theo dõi, giám sát 24/24 giờ. Các đoàn thể cũng phát huy vai trò, tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng trực chốt.

Ông Phùng Quốc Minh - Trưởng Phòng Y tế huyện Tân Sơn cho biết: Các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án, nhân lực, cơ sở vật chất thiết yếu, chủ động ứng phó với từng cấp độ dịch. Công tác tuyên truyền tiếp tục được tăng cường, không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch mà còn được nâng lên “cảnh báo” để đồng bào hiểu rõ những rủi ro, thiệt hại nếu lơ là, chủ quan khi để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Đồng quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, huyện Yên Lập đã thành lập 17 đội tuần tra lưu động và 186 tổ COVID-19 cộng đồng, mỗi tổ chia thành 2-3 nhóm, từ 7-9 thành viên. Thông qua hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng, các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành phố, vùng có dịch đều được theo dõi, thống kê, lập danh sách, hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Ông Trần Khắc Thường - Trưởng khu dân cư, Tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng khu Chùa 12 (thị trấn Yên Lập) cho biết: Với các hộ có người thân đi từ vùng dịch về, chúng tôi đến tận nơi tuyên truyền, vận động khai báo y tế, cách ly tại nhà và giám sát chặt chẽ trong vòng 14 ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Nông dân xã Xuân Viên, huyện Yên Lập ủng hộ những mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng dịch. 

Đoàn kết, chia sẻ cùng chống dịch

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tại các huyện miền núi, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Qua các đợt dịch bùng phát, tỉ lệ người mắc COVID-19 tại các huyện miền núi của tỉnh rất ít, đến nay, có nhiều huyện chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Để có được các “vùng xanh” là kết quả của việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo phòng, chống dịch của các cấp; chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất, canh tác và thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân, đảm bảo vừa phòng dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cũng tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội và vận động quyên góp, ủng hộ vật chất, tinh thần động viên các lực lượng tuyến đầu. Trong đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 trên địa bàn tỉnh, thông qua Ủy ban MTTQ, các huyện, thành, thị đã ủng hộ trên 18,5 tỉ đồng tiền mặt; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các huyện miền núi. Cụ thể, huyện Thanh Sơn ủng hộ gần 1,6 tỉ đồng; các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa mỗi huyện ủng hộ trên 1,4 tỉ đồng; Yên Lập ủng hộ gần 750 triệu đồng; Tân Sơn ủng hộ gần 700 triệu đồng…

Đáng ghi nhận khi không chỉ tại khu vực trung tâm và ở những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khá mà ngay cả các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất hăng hái tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Việt- Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cho biết: Là xã có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 9%... nhưng nhân dân các dân tộc đã tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thành vận động ủng hộ sớm nhất huyện với số tiền gần 60 triệu đồng.

Trên tinh thần “Tương thân, tương ái”, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chia sẻ, góp thêm nguồn lực hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu và nhân dân các địa phương vùng dịch. Đồng chí Sa Thị Huyền Trang- Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập nêu thông tin: Thực hiện kế hoạch của Hội Chữ thập đỏ huyện, Hội Chữ thập đỏ xã đã vận động các chi hội, hội viên tại khu dân cư và nhân dân cùng nhau ủng hộ người dân thực hiện giãn cách tại thành phố Hà Nội. Đến nay, đồng bào đã ủng hộ được trên 3,2 tấn gạo; trên 50 thùng mì tôm; 750kg trái cây và hơn một tấn rau, củ quả các loại…

Thông qua Hội Chữ thập đỏ các cấp, các mặt hàng thiết yếu được đóng gói, bảo quản kỹ càng; sắp xếp, vận chuyển cẩn thận trước khi giao tận tay người nhận hoặc bổ sung vào những “siêu thị không đồng” hỗ trợ các địa phương vùng dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, chung sức của nhân dân các dân tộc, tin tưởng rằng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ đạt hiệu quả cao, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản