(Mặt trận) -Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu mang lại hiệu quả. Việc tái chế rác thải ngay tại nhà, tại cơ sở sản xuất… đã góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Nước tẩy rửa thân thiện với môi trường
Năm 2021, Sở TN-MT phối hợp với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và các sở, ngành, địa phương triển khai và hỗ trợ mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây tại chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa). Đến nay, mô hình này đã đi vào sản xuất ổn định, sản phẩm nước tẩy rửa sinh học thân thiện với môi trường, được nhiều người dân tin dùng…
|
Sản phẩm nước rửa chén sinh học được chiết xuất từ máy lọc khuấy đa năng ở chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). |
Tăng sinh Nhuận Định ở chùa Bảo Lâm, một trong những người tham gia sản xuất nước tẩy rửa sinh học cho biết: Nhận thấy rác thải có thể tái chế để sử dụng, bà con phật tử và các tăng sinh đã tham gia thu gom vỏ các loại trái cây như cam, chanh, bưởi… để mang về chùa chế biến thành nước rửa chén sinh học. Sau khi được cán bộ, giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hướng dẫn, đến nay đa số các tăng sinh ở đây đều biết ủ và sản xuất nước rửa chén sinh học.
Tăng sinh Nhuận Định cho biết thêm, các loại vỏ trái cây nói trên kết hợp với sả, bồ kết, nước, đường cát, chất hoạt động bề mặt… đưa vào thùng ủ trong khoảng một tháng thì có thể sản xuất nước rửa chén sinh học. Trong quá trình ủ, đến ngày thứ 15 phải tiến hành khuấy đảo cho đều, đến ngày thứ 28 tiến hành lọc bã, sau đó đưa vào máy lọc khuấy đa năng để chiết xuất ra nước rửa chén sinh học.
Phần mùn bã được vớt ra tiếp tục đưa vào thùng ủ để sản xuất phân hữu cơ, tất cả các phế phẩm trong sản xuất không bỏ thứ gì nên việc sản xuất nước rửa chén sinh học từ vỏ trái cây nói trên đã góp phần tăng thêm thu nhập, bảo vệ môi trường.
Đại đức Thích Quảng Bá, Chánh thư ký Trường trung cấp Phật học Phú Yên, trụ trì chùa Bảo Lâm, cho biết: Tháng 11/2021, mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây được triển khai tại chùa Bảo Lâm, đến nay đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định. Sở TN-MT, Ủy ban MTTQ tỉnh và Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã hỗ trợ chùa một máy lọc khuấy đa năng nên công việc thuận lợi hơn.
Trước đây, khoảng 7-8 người, nhưng nhờ có máy lọc khuấy đa năng này nên nay chỉ cần 2-3 người là có thể sản xuất ra nước rửa chén sinh học. Hiện tại, mỗi tháng chùa Bảo Lâm sản xuất ra khoảng 400 lít thành phẩm nước rửa chén sinh học, với giá bán 25.000 đồng/lít, nhiều người dân sử dụng và tin dùng sản phẩm này.
Ông Huỳnh Huy Việt, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), cho biết: Trước đây, qua hướng dẫn của một số tổ chức môi trường, người dân tự làm được nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật. Tuy nhiên, sản phẩm có mùi chưa đạt yêu cầu, nhiều cặn bã, hiệu quả tẩy rửa thấp, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình theo hướng tự cung tự cấp.
Để khắc phục những vấn đề này, Chi cục Bảo vệ môi trường đã nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm này bằng cách bổ sung chất hoạt động bề mặt tạo ra môi trường sinh hóa ổn định, giúp ngăn ngừa sự lên men, kéo dài thời hạn sử dụng. Sản phẩm vừa có bọt vừa có mùi thơm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện mô hình sản xuất sản phẩm nước rửa chén sinh học đang phát huy hiệu quả tại chùa Bảo Lâm và xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa).
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Những năm qua, nhận thức và sự chấp hành các quy định pháp luật của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường ngày một nâng cao. Vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu hình thành và lan tỏa trong cộng đồng dân cư, cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp… Ông Huỳnh Huy Việt cho biết: Hiện nay, ở Phú Yên có nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu mang lại hiệu quả.
Việc tái chế rác thải ngay tại nhà, tại cơ sở sản xuất… là lời giải cho bài toán giảm thiểu rác ra môi trường. Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung có sản phẩm thùng ủ rác có thể biến mọi loại rác từ rau củ quả, lá khô đến xác tôm, cá… thành phân hữu cơ. Mô hình xử lý rác thải thành phân bón hưu cơ từ sản phẩm thùng ủ rác đã được Sở TN-MT triển khai nhân rộng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể trong việc xử lý rác thải hữu cơ, nhất là tại các vùng nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN-MT, sở đã phối hợp với các tổ chức, sở, ngành, hội đoàn thể cùng địa phương triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao, như mô hình điểm phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt tại khu dân cư thôn Ân Niên và mô hình điểm về chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại khu chợ thôn Phú Ân, xã Hòa An (huyện Phú Hòa); mô hình trường bích họa dành cho các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh và trường học không rác thải; mô hình điểm cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan và giảm thiểu rác tại nguồn tại điểm du lịch cộng đồng Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh); mô hình điểm giảm thiểu sử dụng túi ni lông tại chợ Phú Thứ (huyện Tây Hòa); mô hình cơ sở thờ tự thân thiện môi trường tại chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa) và Phật giáo Hòa Hảo, xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu); mô hình phân loại rác tại xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) và xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa); mô hình phân loại rác tại xã An Lĩnh (huyện Tuy An); mô hình phân loại rác tại xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh).
Phú Yên tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường, tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh…
Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thái Hòa
|
ANH NGỌC