Tin mới

"Quả ngọt" từ Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang

(Mặt trận) -Là huyện miền núi vùng biên với muôn vàn khó khăn, nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, bộ mặt nông thôn miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã có nhiều đổi thay. Để có được thành quả đó, không thể không kể đến hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phú Yên: Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đến khu dân cư

Ủy ban MTTQ huyện Văn Chấn quan tâm hoạt động kết nối với cử tri và nhân dân

Lan tỏa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Vĩnh Lộc

An cư nơi biên giới

Tây Giang là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó, 8/10 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào dài 76km. Ưu tiên hàng đầu là ổn định được chỗ ở, ổn định được đất canh tác, nước sinh hoạt cho người dân. Để định canh, định cư cho người dân, cái khó của Tây Giang là huyện biên giới, địa hình đồi núi hiểm trở, đồng bào lại quen với cuộc sống riêng lẻ, rải rác trên các triền núi, ven suối, nên rất khó phát triển kinh tế.

Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện so với các năm trước đây. Ảnh: Bùi Hữu Cường 

Đặc biệt, vào mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, do đó, chính quyền địa phương muốn đầu tư xây dựng đường sá, điện, nước, chợ, trường học, bệnh viện... cho người dân cũng không thể thực hiện được. Chính quyền địa phương nhiều năm trời đã kiên quyết thực hiện phương châm “Nơi nào có đất ruộng, có đất sản xuất thì nơi đó có nhân dân”, để định canh, định cư lâu dài; khai thác hết diện tích mặt bằng để sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo đời sống của người dân. Đặc biệt, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho bà con an tâm sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Trong đó, công tác xóa nhà tạm cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Tây Giang luôn được các cấp, các ngành từ huyện đến xã đặc biệt quan tâm, lồng ghép từ các chương trình, huy động các nguồn lực khác nhau triển khai thực hiện hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, hộ khó khăn về nhà ở, hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn... Chính quyền huyện Tây Giang cũng đã kiến nghị tỉnh, Trung ương nâng mức hỗ trợ nguồn kinh phí làm mới nhà ở, mỗi nhà từ 50-70 triệu đồng/nhà; cần có cơ chế cho hộ nghèo, hộ khó khăn nhà ở được khai thác nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương (cát, sạn...) làm nhà.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Để đảm bảo huyện triển khai thực hiện đúng mục tiêu, phát huy hiệu quả cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư, huyện ưu tiên lựa chọn vùng bố trí dân cư phải gắn với đất sản xuất và phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM; thực hiện theo hình thức xen ghép là chủ yếu. Đối với những khu vực không thể bố trí xen ghép thì mới xem xét xây dựng điểm sắp xếp dân cư tập trung, nhưng hạn chế thấp nhất việc san ủi gây ra nguy cơ sạt lở”.

Từ năm 2013 đến nay, Tây Giang đã triển khai thực hiện hỗ trợ và hoàn thành bàn giao 785 nhà ở cho đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, xây mới 651 nhà, sửa chữa 134 nhà. Riêng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, chính quyền huyện Tây Giang cũng đã hỗ trợ 331 nhà ở cho các đối tượng này, với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp nhận nguồn kinh phí từ Ban Cứu trợ tỉnh, hỗ trợ 284 nhà ở với tổng kinh phí hơn 11,3 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cũng đã thực hiện hỗ trợ 120 nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng. Thông qua công tác kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ 23 nhà ở cho các đối tượng, trong đó, xây mới 18 nhà, sửa chữa 5 nhà.

Nông thôn mới ở vùng biên viễn

Song song với công tác định canh, định cư cho người dân, chính quyền huyện Tây Giang cũng tiến hành thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn mới tại trung tâm các xã Axan, Lăng, Atiêng, Anông và Bhalêê. Theo đó, khu trung tâm hành chính xã Axan được quy hoạch chi tiết 1/10.000, với quy mô diện tích khoảng 101,31ha; khu trung tâm hành chính xã Lăng được quy hoạch chi tiết 1/10.000, với diện tích khoảng 27,44ha; khu trung tâm hành chính xã Bhalêê được quy hoạch chi tiết 1/10.000, với diện tích khoảng 26ha; khu trung tâm hành chính xã Atiêng được quy hoạch chi tiết 1/10.000, với diện tích khoảng 24,83ha; khu trung tâm hành chính xã Anông được quy hoạch chi tiết 1/10.000, với diện tích khoảng 8,94ha. Các công trình công cộng giữ nguyên hiện trạng và xây mới thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch...

Năm 2023, Tây Giang phấn đấu xây dựng thí điểm ít nhất 2 xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội. Trong đó, 2 xã Bhalêê và Axan nằm trong lộ trình xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, có ít nhất 1 mô hình thôn NTM thông minh. Để hướng tới xây dựng NTM nâng cao, trong năm 2023, xã Bhalêê phấn đấu đạt 5 tiêu chí gồm quy hoạch; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông. Xã Axan phấn đấu đạt 4 tiêu chí gồm quy hoạch; cơ sở vật văn hóa; thông tin và truyền thông; y tế.

Ngày 25/4/2023 vừa qua, UBND huyện Tây Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới NTM thông minh. Kế hoạch hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.

Chương trình NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, phấn đấu đạt 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% xã NTM năm 2023 đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 100% xã NTM nâng cao năm 2023 đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông, đạt một số chỉ tiêu của tiêu chí về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.

Ông Arất Blúi cho biết, để cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời, hướng tới các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Huyện ủy Tây Giang nêu ra 11 kiến nghị, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ miền núi; quan tâm bố trí cán bộ và sinh viên là người Cơ Tu đã tốt nghiệp đại học. Cùng với đó, kiến nghị Trung ương nâng cấp quốc lộ 14G, đầu tư hoàn thiện hạ tầng quốc lộ từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm và quan tâm đầu tư xây dựng những hạng mục thiết yếu như điện, chợ thương mại tại cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm...

Cẩm Linh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản