Bảo vệ môi trường bền vững
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phan Xuân Hào cho biết: Trong thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình hình vệ sinh môi trường đã có chuyển biến, ý thức chấp hành pháp luật BVMT của cán bộ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nâng lên, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng nhân dân.
|
Phong trào trồng cây xanh được tuổi trẻ tỉnh Quảng Bình tích cực hưởng ứng. |
“Nhiều mô hình về BVMT được triển khai đạt kết quả nổi bật, nhiều tuyến đường nông thôn được người dân thường xuyên tham gia giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan môi trường được cải thiện, hạ tầng BVMT một số khu vực từng bước được triển khai. Công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các dự án được kiểm soát chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT từng bước được nâng lên, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường một số khu vực, cơ sở được giảm thiểu, chất lượng môi trường dần được cải thiện”, ông Phan Xuân Hào cho biết.
Để đẩy mạnh công tác BVMT, Sở TN-MT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan, như: Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT tỉnh; báo cáo công tác BVMT tỉnh Quảng Bình. Mới đây, sở cũng đã trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân loại rác tại nguồn và hiện đang tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Nhờ sự chung tay của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, đến năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý đạt 83%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Có 97,2% dân số thành thị sử dụng nước sạch, 98% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Cùng chung tay bảo vệ môi trường
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường hàng năm đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm triển khai sâu rộng, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về BVMT. Đặc biệt, để tích cực xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh, các tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai và duy trì có hiệu quả hoạt động BVMT.
Phát huy vai trò và tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐV, TN), các năm qua, hàng trăm mô hình câu câu lạc bộ, đội, nhóm xung kích BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được các cấp bộ Đoàn, Hội thành lập và hoạt động hiệu quả. Cùng với hoạt động tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn còn xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình về BVMT, mô hình sáng tạo khởi nghiệp xanh trong ĐV, TN.
Đối với tổ chức Hội Nông dân, các cấp hội đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực xây dựng NTM, đô thị văn minh, BVMT nông thôn.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT nông thôn, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, ra quân làm sạch môi trường biển; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; BVMT, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được nhiều tuyến đường nông thôn kiểu mẫu; triển khai xây dựng các mô hình điểm nông dân BVMT và thích ứng với BĐKH; đồng thời, duy trì hiệu quả mô hình thu gom rác thải.
Nổi bật, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động BVMT, hạn chế sử dụng túi nilon và rác thải nhựa. Phát động mỗi hộ gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ có thùng rác hợp vệ sinh; xây dựng các mô hình “Phụ nữ nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần”, “Phân loại rác thải, hố rác hữu cơ hộ gia đình”, “Một hố rác, một cây xanh”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”..., thu hút đông đảo chị em, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TX. Ba Đồn Trần Thị Hường cho biết: Phong trào chung tay bảo BVMT được cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thị xã hưởng ứng rất tích cực. Chính nhờ sự đồng thuận của chị em hội viên mà mỗi một mô hình được triển khai đều mang lại kết quả rất thành công.
Tăng cường quản lý chất lượng môi trường đất
Năm 2024, Ngày Môi trường thế giới (5/6) được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình BĐKH, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, với 7 hoạt động thiết thực được triển khai, toàn tỉnh đã thu hút 120.000 người tham gia; thu gom, xử lý 358 tấn rác thải; khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương với chiều dài 6.333km; làm vệ sinh bờ biển và đường giao thông thôn xóm 246km; thả 100.000 con cá giống và 300.000 con tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng và chăm sóc cây xanh với diện tích 150ha. Các địa phương còn treo hơn 2.500 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền.
|
Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở TN-MT) Nguyễn Từ Đức cho biết: Để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024 ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất…
Mặt khác, tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm để khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, nghiên cứu, áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ bề mặt của đất. Đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với BĐKH.
Anh Tuấn