(Mặt trận) -Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của người dân. Từ phong trào này ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo để bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
|
Mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ của thôn Lũng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. |
Thời gian qua, hoạt động của các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã góp phần thay đổi hành vi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác gìn giữ, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Ông Mạc Đức Trình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên cho biết, đến nay xã Nhân Mục đang duy trì 10 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường. Hàng tuần thành viên của các mô hình tự quản phối hợp tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải, trồng và chăm sóc đường hoa tại các tuyến đường bê tông nông thôn và khuôn viên các nhà văn hóa thôn... Các mô hình tự quản đều có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhờ đó, các mô hình, tổ tự quản của xã hoạt động đi vào nền nếp, có hiệu quả, góp phần cùng với địa phương duy trì các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Còn ông Ma Văn Liệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn lại cho rằng, để góp phần bảo vệ môi trường, Ủy ban MTTQ xã đã chỉ đạo 12/12 thôn thành lập ít nhất mỗi thôn một tổ tự quản về bảo vệ môi trường do Trưởng Ban Công tác Mặt trận làm tổ trưởng, trưởng các chi hội, chi đoàn làm tổ phó, đại diện hộ gia đình là thành viên. Trong đó, tổ tự quản thường xuyên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
“Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Hoàng Khai hướng dẫn các tổ tự quản phối hợp với các chi hội, chi đoàn tổ chức nhiều hoạt động về công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, làm tiền đề tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn kiểu mẫu. Bên cạnh đó, các tổ tự quản còn tuyên truyền nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các loại tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng; không chia sẻ thông tin không chính thống, thông tin chưa được kiểm chứng qua đó hạn chế tối đa những vụ việc tiêu cực có thể xảy ra” - ông Ma Văn Liệu chia sẻ.
Đánh giá hiệu quả của các mô hình tự quản trên địa bàn huyện Yên Sơn, bà Lê Thị Hoa - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn cho biết, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã trở thành một phong trào có sức lan toả khắp trên địa bàn huyện. Hiện nay, phong trào này đã được MTTQ huyện tổ chức phong phú bằng những mô hình, cách làm khác nhau để huy động nhân dân giữ gìn cảnh quan, xử lý rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Từ việc tham gia các hoạt động chung như thế, mỗi người dân cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo nên những khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp. Các tổ chức đoàn thể và ở mỗi khu dân cư cũng đã có nhiều cách làm, nhiều hành động đẹp để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Còn tại huyện Chiêm Hóa, phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Ông Triệu Đức Long - Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết, thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành văn bản thực hiện phong trào. Đặc biệt, trong quý I/2023, toàn huyện đã có 308 tổ tự quản bảo vệ môi trường, 831 nhóm tự quản, 4.861 hố, bể xử lý rác thải; trên 17.900 hộ gia đình nông thôn có bể, hố xử lý rác. Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn cũng tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát dọn các tuyến đường tự quản trên 25.600 ngày công với 125km tuyến đường liên thôn, thu gom 6,8 tấn rác thải…
“Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở, khu dân cư của huyện đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - ông Triệu Đức Long chia sẻ.
Ông Đỗ Minh Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” là một trong hai nội dung đột phá về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh. Theo đó, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua mô hình tự quản tại các khu dân cư để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; tổ chức phân loại, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Đến nay, các Ban Công tác Mặt trận đã chủ trì, phối hợp xây dựng được 2.109 mô hình tự quản, 2.468 nhóm tự quản, thực hiện thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ngay từ các hộ gia đình, cộng đồng, khu dân cư, xây dựng cộng đồng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Có thể nói, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã và đang mang lại kết quả thiết thực, môi trường được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, cống rãnh được khơi thông, rác thải được thu gom, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Điều này vừa góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vừa hướng người dân tới cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.
PHƯƠNG NGUYÊN