Tin mới

Sơn La: Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) -Không còn ở thế yếu so với hàng ngoại như những năm trước, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng lên đáng kể. Kết quả này là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Người dân lựa chọn mua hàng Việt tại cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Ảnh: Khải Hoàn

Bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, cho biết: Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”.

Các cấp chính quyền quan tâm, rà soát việc thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng; khuyến khích, định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công; in 3.540 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” phát cho hội viên phụ nữ các cấp...

Các sở, ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn cho 7 doanh nghiệp, HTX, nâng tổng chuỗi được xác nhận lên 245 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản toàn tỉnh về rau, quả, cà phê, chè, mật ong, gạo, thịt lợn, gà an toàn, thủy sản, thịt hun khói; chế biến nông sản. Xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La; tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm.

Đồng thời, siết chặt, kiểm soát thị trường hàng hóa, phục vụ quyền lợi của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 961 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 890 triệu đồng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, huyện Phù Yên có gần 1.000 cửa hàng bán lẻ hàng Việt, đa dạng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc... Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Yên, cho biết: Trên địa bàn huyện có 10 nhà phân phối, đại lý cấp 1 và 1 siêu thị lớn làm đầu mối nhập hàng tiêu dùng cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ tại 27 xã, thị trấn. Phòng phối hợp với Đội quản lý thị trường số 4 kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa.

Cửa hàng gia dụng của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, bản Tân Ba, xã Gia Phù kinh doanh đã hơn 10 năm. Anh Kiên nói: Vừa bán hàng, tôi vừa giới thiệu các mặt hàng Việt để bà con tiếp cận, mua sắm, sử dụng. Đến nay, đa số bà con đều chọn hàng Việt, vì sản phẩm chất lượng tốt, bền, giá hợp lý.

Bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Sơn La, nhận định: Cuộc vận động đang có sức lan tỏa, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước.

Phát huy những kết quả đạt được, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục lồng ghép, quảng bá, giới thiệu hàng hóa, nông sản của tỉnh; tổ chức các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản Sơn La, gắn với kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường; đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, tạo lập thêm kênh phân phối sản phẩm Việt đảm bảo chất lượng, phù hợp xu thế tiêu dùng.

Quỳnh Ngọc

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản