Tin mới

Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường - nhìn từ hoạt động và những mô hình ở cơ sở

(Mặt trận) -Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ mục tiêu đó, nhiều hoạt động, mô hình BVMT của các tổ chức, đoàn thể tỉnh Thanh Hóa đã ra đời, đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực.

Mặt trận Tổ quốc huyện Xuân Trường đoàn kết nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Mặt trận Tổ quốc xã Đông Lai: Phát huy vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ huyện Thường Xuân đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

 Đoàn viên thanh niên xã Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hóa) ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Từ công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền cũng như ngành chức năng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Quảng Xương đã triển khai rộng khắp, hiệu quả nhiều hoạt động, mô hình trong công tác BVMT. Trong đó Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Tổ tự quản BVMT”, “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” với 2.613 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt trên các cánh đồng; Đoàn thanh niên triển khai mô hình “Dòng sông không rác thải”... Theo Bí thư Huyện đoàn Quảng Xương Nguyễn Thị Hồng Anh, ngoài mô hình “Dòng sông không rác thải”, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong huyện còn duy trì hiệu quả các mô hình như “Đường tranh bích họa”, “cột điện nở hoa”; thành lập và duy trì hoạt động các tổ, đội, câu lạc bộ thanh niên xung kích tham gia BVMT gắn liền với thực hiện các phong trào thanh niên. Để phát huy vai trò xung kích, tiên phong, trách nhiệm của tuổi trẻ trong BVMT, thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tập trung triển khai sâu rộng chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Hành trình thứ hai của lốp xe, chai nhựa”...

Nhận thấy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong công tác BVMT, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, nhiều mô hình cùng chung tay BVMT được tổ chức, tạo sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu ứng tích cực, như: Hội LHPN huyện Thiệu Hóa triển khai mô hình “Phụ nữ tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình”. Huyện Hoằng Hóa xây dựng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình”; mô hình “Nhà sạch - vườn sạch”. Tại thị xã Bỉm Sơn, 100% phường, xã trên địa bàn đã xây dựng thành công các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Hàng rào xanh”, “Đường hoa phụ nữ tự quản”, “Đường tranh”, “Nhà sạch, vườn mẫu”. Đặc biệt, thực hiện chương trình “Từ phế liệu đến triệu phần quà”, các cấp hội trong toàn thị xã đã xây dựng 117 điểm thu gom phế liệu bán gây quỹ, trao 435 suất quà, tổng trị giá gần 100 triệu đồng cho trẻ em mồ côi, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình còn góp phần BVMT, nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Cùng với các mô hình trên, nhờ sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền, những nỗ lực của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nhiều mô hình như “đổi rác lấy cây xanh, lấy đồ dùng”, “Thu gom, phân loại và tái chế rác thải thành vật dụng hữu ích”, “trồng hoa thay thế cỏ dại”, “Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”, “Dùng làn đi chợ” cũng được thành lập và duy trì ở nhiều địa phương như Hà Trung, Nga Sơn, TP Thanh Hóa... Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), từ việc xây dựng các mô hình BVMT đã có nhiều phong trào, cuộc vận động đa dạng, thiết thực về BVMT được hình thành ở các địa bàn dân cư. Cũng từ hoạt động của những mô hình này, từng bước làm thay đổi ý thức, trách nhiệm của người dân trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải vận chuyển đi xử lý, đồng thời tận dụng tối đa những phế thải để bán và tái chế. Đặc biệt, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi ra khu vực công cộng đã giảm đáng kể, nhiều địa phương đã thành lập các tổ tự quản môi trường, nhiều thôn, làng duy trì việc tổ chức cho Nhân dân tham gia dọn vệ sinh vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Hầu hết ở các khu vực đô thị, nông thôn trong tỉnh đã có công ty cổ phần hoặc HTX dịch vụ môi trường hoặc tổ thu gom rác thải chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải...

BVMT được xem là nền tảng và là nguồn lực quan trọng để phát triển ổn định và bền vững. BVMT cũng là bảo vệ sự sống cho chính mình, do đó, ngoài công tác tuyên truyền, thực thi các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường cần phải nhân rộng, lan tỏa những mô hình mang tính ưu việt tại các địa phương, đơn vị. Nhiệm vụ này không là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người, của cộng đồng và của toàn xã hội.

Phan Nga

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản