Tin mới

Thanh Hóa: Phát huy vai trò của MTTQ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường (BVMT), chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, MTTQ tỉnh Thanh Hóa từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức thành viên phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Đoàn giám sát liên ngành do lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn, giám sát công tác BVMT tại huyện Quảng Xương.

Từ lâu, người dân ở thôn Bái Ân, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đã quen với hình ảnh phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn Nguyễn Hồng Cẩn tham gia các hoạt động BVMT. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh”, bác Cẩn luôn trao đổi với các thành viên ban công tác mặt trận đề ra chương trình thống nhất hành động gắn với việc BVMT. Với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tận tụy trong công việc, từ năm 2019 đến nay, bác Cẩn đã vận động Nhân dân trong thôn hỗ trợ kinh phí bê tông hóa đường giao thông nội thôn; tu sửa đình làng Bái Ân; xây dựng, tôn tạo giếng Ải; xây kè hai bên đường Hón Làng; cải tạo, trồng hoa hai bên đường làng... với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Vận động người dân đăng ký thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo quy định. Hiện toàn thôn có 95% đường bê tông, 100% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh, trên 98% số hộ gia đình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; thôn đã đạt các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tòng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia quản lý tài nguyên, BVMT, thích ứng với BĐKH và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là MTTQ đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật và các biện pháp BVMT, nâng cao năng lực hoạt động vì môi trường cho các tổ chức quần chúng để họ tham gia hỗ trợ các hoạt động của địa phương, thực hiện xã hội hóa công tác BVMT.

Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hướng dẫn, triển khai xây dựng mô hình khu dân cư tự quản BVMT. Công tác xây dựng, nhân rộng các loại mô hình điểm như: “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư BVMT biển”, “Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH” cũng luôn được mặt trận các cấp chú trọng. Đặc biệt, từ năm 2019, MTTQ tỉnh chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm BVMT gắn với XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; xây dựng các xã đạt chuẩn NTM sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, hiện toàn tỉnh đã có 417 mô hình BVMT (trong đó có 32 mô hình do Trung ương hỗ trợ), 87 mô hình về xử lý chất thải, 4.093 tổ tự quản về BVMT. Các mô hình được triển khai chặt chẽ và phát huy được hiệu quả. Tại các khu dân cư làm điểm, ban công tác mặt trận phối hợp với lãnh đạo thôn, chi đoàn, chi hội tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện BVMT, không xả chất thải ra hệ thống cống rãnh, bờ sông, bờ kè, đường làng, ngõ xóm, đảm bảo giữ sạch cảnh quan môi trường. Tổ chức thu gom rác thải đúng thời gian và chuyển về nơi quy định; tích cực tham gia BVMT, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Tại nhiều địa phương đã xuất hiện mô hình trồng hoa thay cỏ dại ven đường, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường, thay đổi bộ mặt đường làng, thôn xóm.

Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động người dân tham gia BVMT. Các cấp hội phụ nữ có các phong trào: “5 không, 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn mẫu”, tuyến đường phụ nữ tự quản, phụ nữ nói không với túi nilon... Các cơ sở đoàn với những hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực làm sạch môi trường như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Dòng sông không rác thải”; phong trào trồng cây xanh, nạo vét kênh mương nội đồng... Hội nông dân duy trì phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; phân loại rác sinh hoạt làm phân vi sinh; hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật...

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò giám sát, phản biện đối với vấn đề xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT. Mặt trận đã tổ chức giám sát và giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản và thức ăn gia súc; trong việc thu gom xử lý chất thải, rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị; vệ sinh an toàn thực phẩm... Tham gia phản biện các cơ chế, chính sách, dự thảo các đề án phát triển kinh tế - xã hội có các nội dung liên quan đến BVMT. Các kiến nghị sau giám sát và phản biện của MTTQ được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xâm hại tài nguyên thiên nhiên, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT.

Môi trường là tài sản của toàn dân, do đó để BVMT cần phải huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực và sức mạnh trong Nhân dân cùng tham gia. Chỉ khi ý thức của toàn dân về BVMT, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên được nâng lên thì công tác BVMT trong cộng đồng dân cư mới đạt kết quả tốt. Do đó, MTTQ các cấp trong tỉnh cần tăng cường phối hợp thống nhất hành động trong thực hiện BVMT; phát huy được tính sáng tạo, tinh thần tự quản trong các tầng lớp Nhân dân để thực hiện tốt công tác BVMT, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 05/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.

Phan Nga

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản