Tin mới

Thị xã Bỉm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Bỉm Sơn và tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, nên đến thời điểm này, thị xã Bỉm Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương dự kiến hỗ trợ xây dựng 185 nhà 'đại đoàn kết' cho hộ nghèo

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Đức tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới

Vĩnh Lợi (Bạc Liêu): Phát huy vai trò Mặt trận, đẩy mạnh các phong trào thi đua

 Đường giao thông ở xã Quang Trung được đầu tư xây dựng kiên cố.

Năm 2012, triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, chỉ đạo 2 xã Quang Trung, Hà Lan thành lập ban chỉ đạo Chương trình XDNTM do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban.

Ngay từ thời điểm đầu thực hiện, thị xã Bỉm Sơn đã phát động phong trào “Toàn dân chung sức XDNTM”, phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã NTM, xây dựng điểm các thôn NTM kiểu mẫu. Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, do vậy thị xã đã tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để hai xã thực hiện lập quy hoạch. Ngày 20-7-2012, UBND thị xã đã phê duyệt quy hoạch NTM đến năm 2020 đối với 2 xã Quang Trung, Hà Lan và chất lượng đồ án quy hoạch đạt yêu cầu. Năm 2019, xã Hà Lan sát nhập với phường Đông Sơn theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hiện nay thực hiện theo quy hoạch chung của phường Đông Sơn.

Công tác tuyên truyền về XDNTM được thị xã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, rộng khắp, bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức về XDNTM của cán bộ, đảng viên, Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của cấp trên, qua đó phát huy tinh thần tự giác tham gia XDNTM của Nhân dân. Đi đôi với đó, thị xã nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả kinh tế cao, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động khu vực nông thôn. Thị xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giá trị ngành nông nghiệp năm 2022 ước đạt 219,8 tỷ đồng, tăng 100,8 tỷ đồng so với năm 2012. Tính đến hết tháng 10-2022, trên địa bàn thị xã có 13 HTX, trong đó có 5 HTX dịch vụ nông nghiệp. Toàn thị xã cũng đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hơn 80 ha cây trồng các loại được liên kết theo chuỗi.

Những năm gần đây, thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư trên địa bàn. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực, các ngành công nghiệp chủ lực của thị xã, như công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, lắp ráp ô tô... tiếp tục phát triển. Đến nay, thị xã đã có gần 200 doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích; cửa hàng bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu giao thương giữa thị xã với các địa phương lân cận và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân.

Xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do đó thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động, như tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động. Kết quả từ năm 2012 đến tháng 10-2022, thị xã giải quyết việc làm mới cho 19.067 lao động, trong đó, 1.187 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ trong GRDP tăng từ 97,03% năm 2012 lên 99,15% năm 2022, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 2,97% năm 2012 xuống còn 0,85% năm 2022, tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,6% năm 2012 lên 41,8% năm 2022, lao động ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 32,4% năm 2012 lên 47% năm 2022, lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 11,2% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã năm 2022 đạt 65,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2012). Đối với xã Quang Trung, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 55,53 triệu đồng, tăng 37,53 triệu đồng so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo 1,14%, giảm 9,06% so với năm 2012. Đến nay, xã Quang Trung đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6/6 phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, thị xã nói chung và xã Quang Trung nói riêng có điều kiện huy động nguồn lực cho XDNTM. Ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thị xã đã chỉ đạo việc chủ động vận động các nguồn lực của cộng đồng dân cư, con em xa quê thành đạt. Bên cạnh đó, Bỉm Sơn xác định mục tiêu kết hợp XDNTM với từng bước đô thị hóa các xã, tập trung lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án để xây dựng xã NTM, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với các tiêu chí lên phường nhằm tránh lãng phí trong đầu tư... Kết quả huy động XDNTM giai đoạn 2012-2022 hơn 332 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 6,9 tỷ đồng, chiếm 2,08%; ngân sách tỉnh 17,977 tỷ đồng, chiếm 5,41%; ngân sách thị xã 30,957 tỷ đồng, chiếm 9,32%; ngân sách xã 30,477 tỷ đồng, chiếm 9,17%; nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp 18,364 tỷ đồng, chiếm 5,53%; nguồn đầu tư từ Nhân dân (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp...) 227,572 tỷ đồng, chiếm 68,49%.

Để bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, UBND thị xã Bỉm Sơn đã quản lý, sử dụng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng và nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện XDNTM. Ngân sách thị xã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, hệ thống điện nông thôn, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn, vệ sinh môi trường và đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, thị xã đã chỉ đạo chủ đầu tư tập trung, triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Nguồn vốn Nhân dân đóng góp và nguồn vốn huy động khác được thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định, thực hiện đúng quy chế dân chủ, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo đúng các hạng mục trong đề án XDNTM đã được phê duyệt.

Quy mô chất lượng giáo dục - đào tạo được duy trì, giữ vững, không ngừng nâng cao, chất lượng giáo dục đại trà luôn nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân luôn được thị xã quan tâm thực hiện tốt. Các công trình hạ tầng xã hội, như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, sinh hoạt, học tập của người dân. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đánh giá, quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ luôn được thị xã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả; kiểm tra, giám sát trong Đảng được duy trì. Quốc phòng - an ninh thường xuyên được tăng cường và củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định.

Đồng chí Trịnh Tuấn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết: Thị xã Bỉm Sơn phấn đấu xây dựng xã Quang Trung lên phường trước năm 2025, do đó trong các năm tiếp theo xác định duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từng bước đô thị hóa. Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn thị xã bình quân đạt 15%, trong đó, nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025 tăng 1,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,2%, dịch vụ tăng 14,7%... Để đạt mục tiêu đề ra, thị xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã đến năm 2035, định hướng đến năm 2050. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng thị xã, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch khu vực phát triển đô thị, tụ điểm kinh tế, lập quy hoạch bổ sung các cụm công nghiệp, cụm nghề bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ giữa các quy hoạch và nhu cầu thực tế địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền XDNTM nâng cao bền vững tới cấp ủy, chính quyền, người dân. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình XDNTM nâng cao theo hướng xã hội hóa, để đầu tư xử lý môi trường, xây dựng giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao...

Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, hình thành các vùng sản xuất tập trung, trong đó ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và theo hướng hữu cơ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương. Đi đôi với đó, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xuân Hùng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản