(Mặt trận) -Những ngày này, đi đâu cũng thấy các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại nhiều con đường dẫn vào khu dân cư ở khu vực Đông Nam bộ và đáng mừng là chốt bảo vệ “vùng xanh” xuất hiện ngày càng nhiều. Những khu vực trước đây thuộc vùng nguy cơ, nay đã tách F0 ra khỏi cộng đồng, người dân tạm thời đặt hàng rào để hợp sức với hệ thống chính trị giữ chặt, mở rộng vùng an toàn.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Phước |
Tổ chức canh gác
Huyện Dầu Tiếng là 1 trong 3 huyện (cùng với Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) của tỉnh Bình Dương được xem là vùng xanh trong trận chiến với dịch Covid-19 đã chủ động triển khai các giải pháp giữ chặt vùng an toàn. Tại các nơi không còn F0, chính quyền cơ sở thiết lập 2 lớp bảo vệ: vòng ngoài là các chốt kiểm soát dịch liên xã, liên huyện, hạn chế tối đa người dân ra ngoài khi không cần thiết, có sự tham gia của lực lượng liên ngành; vòng trong là các Tổ Covid-19 cộng đồng giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch đến từng hộ gia đình.
Tại tỉnh Bình Phước, đến nay huyện Phú Riềng được coi là vùng xanh của tỉnh. Có được kết quả này, huyện Phú Riềng đã lập các chốt cửa ngõ và 126 chốt kiểm soát dịch Covid-19, nhằm kiểm soát lịch trình đi lại của người dân cùng phương tiện khi đến địa phương từ đường tỉnh, đường huyện, đường xã đến khu dân cư. Riêng xã Bình Sơn, tiếp giáp với vùng có dịch nên có tới 11 chốt kiểm soát. Ngoài ra, các Tổ Covid-19 cộng đồng và người dân đã chung tay thiết lập các chốt kiểm soát. Anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi, ngụ xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) chia sẻ, là vùng xanh nên người dân tự giác tuân thủ 5K, chủ động đăng ký tiêm vaccine, cùng nhau ngăn người lạ, thông báo rõ nội quy của khu dân cư gắn ở chốt kiểm soát.
Tại TP Biên Hòa, tuy số ca mắc Covid-19 chiếm 1/2 của tỉnh Đồng Nai, nhưng các vùng xanh hiện nay cũng đã thiết lập ở 30/30 phường xã với 100 chốt bảo vệ vùng xanh chủ yếu theo mô hình tự quản. Tại phường Hiệp Hòa, nơi lập chốt bảo vệ vùng xanh, khi người dân ra vào phải xuất trình phiếu đi chợ, giấy làm việc, khai báo lịch trình, bảo đảm các quy định phòng chống dịch thì mới được bảo vệ chốt ở khu phố cho ra vào.
Tăng tốc xét nghiệm, thu hẹp vùng đỏ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, mô hình bảo vệ vùng xanh của TP Biên Hòa là một mô hình tốt mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Theo ông Dũng, hiện các vùng đỏ, vùng cam thì cơ quan chức năng khó quản lý; các vùng xanh thì dễ quản lý và kiểm soát, do vậy việc bảo vệ các vùng xanh sau một thời gian sẽ giúp tỉnh đánh giá được công tác phòng chống dịch, từ đó điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Cụ thể, sau một thời gian vùng xanh phủ rộng ra thì việc chống dịch có hiệu quả và sẽ phát huy các biện pháp đang triển khai; ngược lại thì chứng tỏ việc chống dịch chưa hiệu quả, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu tất cả huyện, thành phố học tập mô hình bảo vệ vùng xanh của TP Biên Hòa và triển khai ngay ở địa phương.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết, hiện đang triển khai cùng lúc 2 kế hoạch là xét nghiệm diện rộng, phát hiện F0 đưa đi cách ly điều trị, đồng thời tăng tốc triển khai tiêm vaccine cho các nơi đã xóa vùng đỏ (nơi có F0); sau đó bàn giao cho Tổ Covid-19 cộng đồng quản lý, giám sát người ra vào. Hiện trên địa bàn còn 18/89 ấp, khu phố thuộc vùng nguy cơ, đang rà soát kỹ lưỡng, dự kiến đến 15-8 sẽ trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện đã có 90% người từ 18-65 tuổi được tiêm vaccine Covid-19, người trên 65 tuổi có kế hoạch tiêm riêng. Tính đến nay, trên địa bàn có 448 ca mắc Covid-19, số ca xuất viện là 314 người.
Với sự tăng cường hỗ trợ của Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện tỉnh Bình Dương triển khai điều trị theo mô hình tháp 3 tầng với tổng năng lực tiếp nhận hơn 6.000 giường. Đến nay tỷ lệ người được ra viện tăng dần và Bình Dương quyết tâm đến 15-8 sẽ kiểm soát chặt chẽ vùng xanh, khoanh vùng, thu hẹp hiệu quả các vùng đỏ và đến 1-9 Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới.
Tại tỉnh Tây Ninh, từ ngày 15 đến 20-8, toàn tỉnh ra quân thực hiện đợt tổng xét nghiệm sàng lọc F0 trên địa bàn với quy định nghiêm ngặt là trong vòng 36 giờ kể từ khi được lấy mẫu xét nghiệm, người dân không ra khỏi nhà (trừ trường hợp khẩn cấp do hỏa hoạn, cấp cứu, tang chế); trường hợp có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men sẽ được chính quyền, lực lượng chức năng tại chỗ mua giúp. Trường hợp thiếu đói thì báo chính quyền để được xem xét, hỗ trợ ngay.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có phương án phân công trách nhiệm cụ thể, chỉ đạo từng xã, phường, thị trấn công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân biết, gọi khi cần hỗ trợ trong thời gian 36 giờ không ra khỏi nhà; có phương án phân loại, quản lý, xử lý sau xét nghiệm; sàng lọc từng cấp nguy cơ dịch bệnh trên tinh thần bảo vệ, giữ vững và mở rộng vùng xanh; chuyển hóa nhanh vùng cam, vùng vàng; khoanh vùng, phong tỏa chặt vùng đỏ không để dịch bệnh lây lan, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo SGGP