Tin mới

Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đúng vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận, được xem là một cánh tay nối dài của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mỗi Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có nhiệm vụ quan trọng và mang yếu tố quyết định là tuyên truyền, vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phát động; nắm và phản ánh dư luận xã hội; động viên nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên…

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

ThS.Lê Đức Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh 

Thực trạng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 730 Ban công tác Mặt trận, được thành lập ở 730 thôn, khu phố, các Ban Công tác mặt trận được kiện toàn đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu, thành phần và chât lượng. Thành viên các Ban công tác Mặt trận là những người nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, được nhân dân tín nhiệm. Hoạt động của Ban Công tác mặt trận ngày càng được đánh giá hiệu quả, thiết thực, trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác Mặt trận ở thôn, khu phố, kịp thời chuyển tải các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động đến người dân để thực hiện. Trọng tâm là việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"...

Ban Công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động chung ở khu dân cư, gắn với xây dựng các mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát huy tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước. Điển hình như năm 2022, 2023, trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai sửa đổi, Ban công tác Mặt trận đã tổ chức 237 hội nghị, với trên 3.400 lượt người tham dự và gần 1000 lượt ý kiến đóng góp

Ban công tác Mặt trận vận động nhân dân đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, nếp sống văn hoá. Hiện nay tỉnh Bắc Ninh có 730/730 khu dân cư (tỉ lệ 100%) xây dựng được quy ước, hương ước. Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn (khu phố) tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp tiền, đất xây dựng thiết chế văn hóa cấp thôn. Đến nay, các thôn, khu phố cơ bản xây dựng được nhà văn hóa khang trang, hiện đại. Các quy định trong tổ chức hiếu, hỷ theo Chỉ thị 27 được Ban Công tác Mặt trận vận động cộng đồng dân cư chấp hành khá tốt, đạt tỷ lệ cao nhờ đó đã tạo nên nếp sống văn hoá lành mạnh, giữ gìn và phát huy được các tập quán tốt đẹp, loại trừ các hủ tục lạc hậu.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được Ban Công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với mục tiêu của các phong trào thi đua yêu nước và đặc điểm, điều kiện địa phương với 5 nội dung, đó là: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Hàng năm, 100% khu dân cư triển khai cuộc vận động, phối hợp với trưởng thôn (khu phố) tổ chức cho hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hoá. Kết quả, năm 2022, có 100% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá, trên 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Ban Công tác Mặt trận tham gia vận động các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; động viên nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để phát triển sản xuất, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá giả, hộ giàu. Thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong những năm qua, Ban Công tác Mặt trận đã vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng, công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết, sửa chữa nhà dột nát, góp phần giảm số hộ nghèo trên toàn tỉnh.

Đáng chú ý, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch của tỉnh về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận tổ chức hàng nghìn hội nghị ở khu dân cư để trao đổi, tham gia góp ý kiến về kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân phát huy vai trò chủ động, tích cực hiến kế, hiến công, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Trong công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, các Ban công tác Mặt trận đã thực hiện tốt việc vận động nhân dân lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; góp ý kiến nhận xét đối với các ứng cử viên; trực tiếp đề cử đại biểu để bầu vào HĐND cấp xã; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử; phản ánh, kiến nghị những vấn đề cử tri quan tâm với đại biểu dân cử; tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào báo cáo kiểm điểm của lãnh đạo chủ chốt do HĐND xã bầu; tổ chức cho nhân dân bầu trưởng khu dân cư; giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn những hạn chế, khó khăn đó là:

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở một số khu dân cư hiệu quả chưa cao, chưa có chiều sâu, còn mang tính chung chung, hình thức; công tác nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa sát dân, gần dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận chưa không đồng đều…

 Những Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng, ... chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 

5 giải pháp nhằm phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận khu dân cư cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng chi bộ, Đảng và chính quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Hai là, Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cán bộ Ban công tác Mặt trận. Tiếp tục đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong điều kiện mới, tạo điều kiện để phát huy và nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và nhân dân; tạo điều kiện cho Mặt trận chủ động làm tốt hơn vai trò trung tâm, là cầu nối vững chắc để đưa ý Đảng vào lòng dân, đưa các phong trào thi đua, các hoạt động của Mặt trận tới nhân dân.

Ba là, Củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần, chất lượng các thành viên Ban Công tác Mặt trận theo quy định. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; duy trì họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương để thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia

Chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân”, tăng cường đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân”, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm hành động.

Bốn là, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về công tác Mặt trận; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ, với nhiều nội dung như: các chủ trương, chương trình hành động của Ban Thường trực gắn với các báo cáo chuyên đề thực tế; những mô hình và cách làm hay; các điển hình tiên tiến của địa phương và thông qua rèn luyện từ thực tiễn công tác.

Năm là, Chế độ chính sách đối với Ban công tác Mặt trận và Trưởng ban công tác Mặt trận, theo đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho hoạt động của hệ thống Mặt trận. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến kết quả hoạt động của Mặt trận, nhất là yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Chú trọng công tác khen thưởng, biểu dương kịp thời những gương điển hình và nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt tại địa phương.

ThS.Lê Đức Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản