(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Hằng năm, qua khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, các ngành, đoàn thể phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ vốn gắn với phương án thoát nghèo cụ thể, phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn... UBND 16 xã, thị trấn, các đoàn thể phối hợp giải ngân vốn vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Hơn 10 năm qua, huyện Cai Lậy tổ chức 101 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 17.000 lao động.
|
Bàn giao nhà đại đoàn kết cho anh Lê Văn Vũ, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long. |
Từ sự hỗ trợ và ý thức vươn lên, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định. Trước đây, hoàn cảnh ông Nguyễn Văn Hùng (ấp 1, xã Phú An) hết sức khó khăn. Ít đất canh tác, ông Hùng làm thuê đủ nghề để nuôi 2 con ăn học. Được hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Hùng nuôi bò sinh sản, cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả hơn khi có nguồn thu nhập bán bê con. “Quá trình nuôi bò, tôi cũng được địa phương quan tâm, tư vấn về cách chăm sóc và tận dụng đất trống quanh nhà trồng cỏ, giảm chi phí thức ăn. Khi bò sinh sản được bê cái, tôi giữ lại để nhân giống, kinh tế gia đình từ đó đỡ vất vả hơn”, ông Hùng cho biết.
Để đảm bảo an sinh xã hội, huyện Cai Lậy giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và huy động nguồn lực hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Nguồn Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội đã vận động 117 tỷ đồng xây dựng nhà ở, tặng quà, trợ giúp đột xuất các hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật hiểm nghèo... 16 xã, thị trấn chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng, tiếp thêm động lực để các hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Trải qua khó khăn, vất vả, cuộc sống gia đình ông Lê Văn Vũ (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long) đã ổn định hơn trong căn nhà mới. Mất sức lao động, với nguồn thu nhập bấp bênh từ nghề đương đệm, vợ chồng ông Vũ không có điều kiện sửa sang lại căn nhà đã xuống cấp. Trong căn nhà đại đoàn kết được trao tặng năm 2022, ông Vũ bày tỏ: “Tôi cảm ơn địa phương hỗ trợ căn nhà mới và trao tặng thêm vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Từ nay, vợ chồng tôi đã an tâm làm việc, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
TẬP TRUNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Qua rà soát năm 2011, huyện Cai Lậy có 4.324 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,78%), 2.800 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,33%). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy tập trung tuyên truyền, giúp hộ nghèo tiếp cận thông tin, nắm rõ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách giảm nghèo để có phương án, giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn 16 xã, thị trấn, huy động nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả… Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Cai Lậy được kéo giảm 1,18%, hộ cận nghèo 2,32%.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,05% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cai Lậy lần thứ XII, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm, điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chính quyền, các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, khích lệ ý thức vươn lên của từng gia đình, chú trọng tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở, huy động tốt nguồn lực cho công tác an sinh xã hội…
TRƯỜNG GIANG