Tin mới

TP Mỹ Tho: Truyền thông tạo đồng thuận và quy tụ nguồn lực giảm nghèo

(Mặt trận) -Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đặc biệt chú trọng công tác truyền thông. Chính công tác này đã giúp nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị cũng như cộng đồng, từ đó tạo nên sức mạnh chung tay “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Châu Phú hỗ trợ mái ấm giúp người dân an cư

Long An: Lo an cư cho người nghèo, cận nghèo

Sáng tạo những mô hình bảo vệ môi trường

THỐNG NHẤT CHỦ TRƯƠNG

Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững TP. Mỹ Tho xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ban Chỉ đạo đã triển khai, quán triệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố và các phường, xã nhằm mục đích tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thông - chị Nguyễn Thị Thái, ở xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, khởi nghiệp từ trồng cây si rô. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo bằng nhiều hình thức da dạng, phong phú. Đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội.

Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

Qua đó nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Nội dung truyền thông của TP. Mỹ Tho là việc đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.

Truyền thông nhằm trang bị cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh; thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới.

Truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG

Hiệu quả rõ rệt của công tác truyền thông giảm nghèo bền vững của TP. Mỹ Tho chính là tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

Lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để hỗ trợ hộ nghèo có việc làm với thu nhập ngày càng tăng và thoát nghèo.

Qua công tác tuyên truyền, vận động về giảm nghèo, nhận thức của nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp. Từ đó giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên các hộ nghèo vươn lên để xóa khó, giảm nghèo, một số hộ nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu.

Qua hội nghị đối thoại với người nghèo tại các phường, xã cho thấy, người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm vững được những chính sách ưu đãi hộ nghèo của Nhà nước. Tận dụng những chính sách ưu đãi đó, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có được trợ lực vươn lên thoát nghèo.

Phong trào ủng hộ giúp đỡ người nghèo lan tỏa trong cộng đồng ở TP. Mỹ Tho với nhiều hoạt động phong phú như hỗ trợ ngày công lao động, hỗ trợ vốn và kinh nghiệm làm ăn, giúp người nghèo học nghề và tìm việc làm; tặng quà cho hộ nghèo trong dịp lễ, tết và tặng quà cho học sinh khó khăn vào dịp đầu năm học…

Hằng năm, Ủy ban MTTQ TP. Mỹ Tho đã huy động hàng tỷ đồng cho các hoạt động vì người nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn. Các hội, đoàn thể và xã, phường cũng nhận được nhiều sự đóng góp của cộng đồng nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Trúc Phương, Ủy viên Văn hóa xã hội, UBND xã Mỹ Phong chia sẻ: “Nhờ truyền thông tốt nên việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại xã Mỹ Phong nhận được sự đồng thuận rất lớn. Đảng ủy, UBND xã quan tâm sâu sát công tác giảm nghèo.

Người dân hưởng ứng và bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng nỗ lực, nên việc triển khai và thực hiện chương trình giảm nghèo rất thuận lợi. Đặc biệt công tác bình xét hộ nghèo hằng năm luôn có sự tham gia góp ý kiến của người dân khu dân cư nơi hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú. Kết quả rà soát hộ nghèo vì thế chính xác và đảm bảo không bỏ sót đối tượng; việc xét duyệt đối tượng tham gia Dự án Đa sinh kế cho hộ nghèo cũng phù hợp”.

Còn tại phường 9, TP. Mỹ Tho, đơn vị nhiều năm không còn hộ nghèo. Đồng chí Hồ Thị Xuyên, Ủy viên Văn hóa xã hội, UBND phường 9, là người đã có thâm niên hằng chục năm gắn bó với công tác giảm nghèo ở địa phương.

Đồng chí Xuyên sâu sát cơ sở và nắm bắt thông tin đời sống kinh tế của từng hộ gia đình, biết nguyên nhân nghèo của từng hộ, từ đó đề xuất phương án thoát nghèo phù hợp. “Giảm nghèo là cả một quá trình chứ không phải là chuyện của một vài tháng hay 1 năm. Chúng tôi phải xác định hộ nghèo làm ăn có căn cơ bền vững thì mới đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Các hộ thoát nghèo đều được tiếp tục nhận hỗ trợ trong thời gian sau đó. Việc thoát nghèo phải bền vững, không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Cùng với chăm lo hộ nghèo, phường 9 luôn quan tâm tạo điều kiện mọi mặt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn vươn lên.

Phường 9 vẫn còn 3 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,08%) và không giảm đi vì cả 3 hộ này đều thuộc diện già yếu, neo đơn, không có điều kiện để vươn lên thoát nghèo và phải thường xuyên nhận trợ cấp, cứu trợ. Hộ cận nghèo của phường hiện còn 13 hộ, chiếm tỷ lệ 0,37% so với tổng số hộ dân của phường”, đồng chí Xuyên chia sẻ.

Tại TP. Mỹ Tho, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội đều được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước giải quyết tốt các chế độ cho đối tượng thụ hưởng, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn.

Thu Hà

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản