(Mặt trận) -Đi qua chặng đường cuối nhiệm kỳ 2019 - 2024, dấu ấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được thể hiện rất rõ ở tinh thần gắn kết cộng đồng. Những người con Cơ Tu, Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số khác cùng góp sức tạo dựng nên những ngôi làng mới, bình yên giữa đại ngàn.
|
Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang trao biển bàn giao nhà cho 5 hộ dân tại thôn A Rầng (xã A Xan). Ảnh: Đ.N |
Dấu ấn A Xan
Kết thúc nhiệm kỳ 2019 - 2024, người dân xã A Xan (Tây Giang) đóng góp cho Mặt trận Tổ quốc xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khoảng 4 tỷ đồng, cùng hơn 40.000 ngày công lao động, 13.216ha đất được hiến và gần 458m2 đất làm đường giao thông nông thôn... Ở vùng cao, con số này được xem như dấu ấn giúp thay đổi diện mạo, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân biên giới.
Ông Pơloong Anhiết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã A Xan nói, những con số nổi bật trên là nhờ tinh thần đoàn kết thống nhất giữa đồng bào địa phương, thông qua các phong trào, hoạt động được triển khai rộng khắp, từ giúp đỡ người nghèo, chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống, cho đến triển khai xây dựng mô hình sinh kế, nông thôn mới…
“Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hiến đất, góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tự nguyện chỉnh trang mặt bằng tái định cư, đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Pơloong Anhiết chia sẻ.
Đáng chú ý, câu chuyện hiến đất, giúp các hộ dân ở thôn A Rầng dựng lại nhà cửa sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào đầu năm 2023 vẫn còn đọng lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Ông Pơloong Anhiết nói, những năm qua, tinh thần đoàn kết luôn được nêu cao, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.
Phát huy truyền thống tốt đẹp, bên cạnh chia sẻ với người khó khăn, thông qua sự kết nối của Mặt trận, đoàn thể và chính quyền địa phương, đồng bào Cơ Tu ở xã A Xan đã không ngại khó, ngại khổ góp sức hỗ trợ ngày công dựng lại những căn nhà mới trong niềm vui chung của cộng đồng.
Ông Tơ Ngôl Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan cho hay, từ vai trò đoàn kết người dân, thời gian qua, địa phương triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, duy trì 6 tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản biên giới.
“Chúng tôi vận động hơn 240 triệu đồng quỹ vì người nghèo, hỗ trợ làm mới 44 ngôi nhà đại đoàn kết trị giá 1,4 tỷ đồng và kết nối với đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 5 ngôi nhà cho người dân bị hỏa hoạn với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi cho 534 hộ, giúp người dân có thêm điều kiện mở rộng sinh kết, vươn lên trong cuộc sống” - ông Thiếu cho biết.
“Tiếp lửa” cho nhiệm kỳ mới
Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang nói, dấu ấn từ công tác mặt trận cơ sở thời gian qua, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng địa phương, qua đó “tiếp lửa” cho nhiệm kỳ tiếp theo được thành công hơn.
Đây được xem là mục tiêu kép, được xác định ngay từ khi bước đầu diễn ra Đại hội Mặt trận huyện nhiệm kỳ 2019 - 2024, với các chỉ tiêu nghị quyết “không thể cụ thể hơn”.
Theo ông Briu Quân, đến thời điểm hiện tại, Tây Giang đã hoàn thành việc tổ chức đại hội điểm Mặt trận cơ sở cho 2/10 xã. Qua đánh giá và rút kinh nghiệm, các địa phương cơ bản hoàn thiện các bước tổ chức, nhất là trong công tác nhân sự; các chỉ tiêu nghị quyết mang tính sáng tạo, phù hợp với đời sống thực tiễn của người dân miền núi.
“Để chuẩn bị tốt nhất cho đại hội mặt trận cấp huyện, thời gian qua, chúng tôi tập trung triển khai thực hiện tốt công tác đại hội cấp xã, xem đó là cơ hội để đánh giá và rút kinh nghiệm. Đặc biệt là công tác chủ động triển khai thực hiện các nội dung văn kiện đại hội, đồng thời đánh giá và kiểm điểm nghiêm túc công tác mặt trận nhiệm kỳ 2019 - 2024” - ông Briu Quân nói.
Đi qua chặng đường cuối nhiệm kỳ, những đánh giá của tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện không nằm ngoài những con số về tinh thần hiến góp, sự đồng lòng của cộng đồng và mục tiêu tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của người dân miền núi.
Các chỉ tiêu liên quan sẽ tiếp tục được so sánh, đánh giá mức độ hoàn thành để cùng tìm ra hướng giải quyết, giúp địa phương đạt được kết quả khả quan.
Song, với điều kiện đặc thù của miền núi, chắc chắc sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, đòi hỏi có thêm những quyết sách mới phù hợp trong công tác điều hành, chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc huyện Tây Giang thời gian tới…
Theo Báo Quảng Nam