Tin mới

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng tiếp sức để hộ nghèo vươn lên

(Mặt trận) -Từ chương trình hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện những mô hình sinh kế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, đến nay, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Năm 2023, 167 hộ nghèo ở các xã vùng khó khăn của huyện Đam Rông được hỗ trợ các mô hình sinh kế 

Năm 2022, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông được hỗ trợ kinh phí hàng chục tỷ đồng để thực hiện các chương trình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn ưu đãi… Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở các xã vùng khó khăn còn được hỗ trợ các mô hình sinh kế, giúp đồng bào từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Chỉ tính riêng từ nguồn vốn cấp tỉnh, huyện Đam Rông đã thực hiện hỗ trợ sinh kế cho 455 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí trên 7,9 tỷ đồng. 

Cùng với các sở, ngành của tỉnh, trong năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ cho huyện Đam Rông được 4 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ các mô hình sinh kế cho 268 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 4 xã vùng khó khăn: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng S'rônh. Các mô hình sinh kế được hỗ trợ cho đồng bào rất cụ thể, thiết thực như: hỗ trợ nông cụ sản xuất, máy nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, kiến thức khoa học - kỹ thuật…; trong đó có 38 mô hình hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm, 44 mô hình xây dựng chuồng trại (chuồng lợn), còn lại là các mô hình hỗ trợ giống lợn đen địa phương với 546 con lợn giống cho 91 hộ và mô hình hỗ trợ cây sầu riêng giống, phân bón cho 95 hộ…

Chúng tôi đến thăm hộ ông Tre K’Xuyên ở thôn Liêng Krắc 2, xã Đạ M’rông. Là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, năm 2022, gia đình ông Tre K’ Xuyên là một trong những hộ nghèo của xã được huyện Đam Rông hỗ trợ dụng cụ, giàn nong né, tiền tằm giống để nuôi tằm… Do diện tích dâu còn hạn chế (1,5 sào dâu) nên gia đình chỉ nuôi 2,5 g tằm giống/lứa, thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Sau hơn 2 năm làm quen với nghề trồng dâu, nuôi tằm, đến nay, kinh tế gia đình ông đã có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Tương tự, trước đây hoàn cảnh gia đình vợ chồng ông Rơ Yam Ha Đôl ở thôn Đạ Nhinh 2, xã Đạ Tông vốn là hộ nghèo, cận nghèo của xã, bởi cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào vài sào đất trồng lúa và bắp. Vả lại, do gia đình đông con (9 người con), nên cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, năm 2019, gia đình ông Ha Đôl đã mạnh dạn chuyển đổi từ 5 sào lúa nước sang trồng dâu, nuôi tằm; đến năm 2020, gia đình tiếp tục chuyển toàn bộ số diện tích đất canh tác bắp sang trồng cây cà phê, niên vụ này đã cho thu hoạch năm đầu tiên. “Với 5 sào dâu, gia đình tôi nuôi 1 hộp tằm giống, thu nhập từ 9 - 14 triệu đồng/tháng. Từ những kết quả bước đầu, được các cấp chính quyền trao thêm tư liệu sản xuất dụng cụ nuôi tằm và hỗ trợ thêm về kiến thức, kinh nghiệm nuôi, nên đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác của xã dần thoát khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ nuôi tằm, đến nay, gia đình có kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều, chẳng những có điều kiện chăm lo cho các con ăn học, mà còn trang bị các vật dụng sinh hoạt trong gia đình như: Mua sắm giường ngủ, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lắp đặt wifi và hiện tại đang sửa chữa 40 m2 nhà cửa để mở rộng diện tích nhà nuôi tằm. Ngoài ra, gia đình tôi còn vận động và chia sẻ kinh nghiệm nuôi tằm cho gần 10 hộ khác trong thôn cùng làm theo”, vợ chồng ông Rơ Yam Ha Đôl cho biết. 

Không những hỗ trợ các nông cụ phục vụ sản xuất, các loại cây, con giống, bà con trên địa bàn các xã trong huyện còn được hỗ trợ thêm về kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi. Theo thống kê, chỉ tính riêng 268 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế của MTTQ tỉnh thì đến nay đã có 145 hộ thoát nghèo. Trong năm 2023, huyện Đam Rông tiếp tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phân bổ kinh phí trên 3,3 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ cho 167 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các xã vùng khó khăn có các phương án sinh kế, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông Nguyễn Quốc Hương cho biết: “Hưởng ứng Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, MTTQ các cấp huyện Đam Rông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, hỗ trợ và giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao phương tiện sản xuất, mô hình sinh kế, kiến thức khoa học - kỹ thuật, cây con giống cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững. Trong năm 2023, từ nguồn "Quỹ Vì người nghèo", chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa, MTTQ các cấp trong huyện đã hỗ trợ làm mới 259 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 12,8 tỷ đồng, giúp đồng bào nghèo yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Theo N.B - Báo Lâm Đồng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản