Tin mới

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng; đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ nét. Đóng góp vào thành công này phải kể tới vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào khuyến khích người dân chung tay xây dựng NTM.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình của từng xã gắn liền với lợi ích của nhân dân, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Tiền Giang đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào.

 Nhiều công trình, phần việc của MTTQ các cấp góp phần xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải cho biết: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, những năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM để thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Qua đó, chủ động tham gia, không “trông chờ, ỷ lại” trong xây dựng NTM. Đây cũng là cơ hội làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới cho nông thôn với mong muốn không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại địa phương. 

Xuyên suốt quá trình thực hiện, Ủy ban MTTQ các cấp đã hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM bằng việc làm cụ thể như mở rộng đường giao thông nông thôn, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường vận động người dân tham gia hiến đất, ủng hộ ngày công lao động, vật liệu xây dựng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống, sản xuất, đường điện thắp sáng.

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 463.609/487.287 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 95,14%); 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa (100%); 172/172 xã văn hóa NTM và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 69 chợ văn hóa; 882 con đường văn hóa, 557 cơ sở thờ tự văn hóa; 17 công viên văn hóa; 308.476 gia đình học tập; 1.591 dòng họ học tập.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công và kinh phí hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã, các công trình thủy lợi, nạo vét kinh, mương nội đồng, xây dựng khu vui chơi văn hóa, thể thao.

Theo đó, 5 năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân đóng góp trên 100 ngàn ngày công, trị giá hàng chục tỷ đồng, tổ chức nạo vét được trên 912 tuyến kinh, mương tưới tiêu; vận động nhân dân đóng góp trên 894 tỷ đồng để làm đường giao thông, công trình công cộng; hiến gần 2,823 triệu m2 đất xây dựng hạ tầng NTM; xây dựng và nhân rộng được 241 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; 1.750 tổ tự quản môi trường; 158 mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ; 37 mô hình an ninh trật tự ở cơ sở...

Nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống, thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp trong tỉnh đã vận động được trên 113 tỷ đồng.

Từ nguồn quỹ này, MTTQ các cấp trong tỉnh đã kịp thời hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.391 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 275 hộ nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ 829 người khám, chữa bệnh; 1.879 học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Ngoài ra, MTTQ các cấp trong tỉnh vận động chương trình an sinh xã hội trên 1.300 tỷ đồng, qua đó xây mới và sửa chữa 1.907 căn nhà đại đoàn kết; giúp đỡ, hỗ trợ hàng trăm ngàn người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Kết quả trên góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,69% (cuối năm 2018) xuống còn trên 0,97% (theo chuẩn đa chiều năm 2023). Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án...

NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI, NÔNG DÂN VĂN MINH

Cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 5 km, xã NTM kiểu mẫu Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) đã đổi thay rõ rệt; bởi từng trục đường dẫn vào các khu dân cư đã được nhựa hóa, hai bên đường những khóm hoa đua nhau khoe sắc, hay những ngôi nhà xây kiên cố, bề thế xen giữa khu vườn mẫu do chính người dân tôn tạo. Đây là “trái ngọt” từ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó MTTQ đóng vai trò hết sức quan trọng.

 Nhiều công trình, phần việc của MTTQ các cấp góp phần xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đồng chí Lê Thị Thùy Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho cho biết: Với quyết tâm và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, kết quả xã Tân Mỹ Chánh được UBND tỉnh công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao năm 2020, xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh vào năm 2022.

Để có được kết quả như hôm nay, MTTQ xã đã đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với đẩy mạnh công tác dân vận. Đồng thời, MTTQ xã Tân Mỹ Chánh cũng tổ chức đa dạng các mô hình thực tế gắn 5 nội dung cuộc vận động tại các khu dân cư.

Trở lại xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), chỉ sau hơn 1 năm về đích NTM nâng cao, được đi trên những tuyến đường bê rộng mở, trải dài đến từng xóm, ấp ngắm những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp; nhìn trẻ em được học tập, vui chơi trong những ngôi trường đạt chuẩn giáo dục…, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng quê này.

Chính Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khoác lên Đăng Hưng Phước một bức tranh làng quê nhiều sắc màu, trong đó nổi bật là những gam màu sáng. Bà Lê Thị Nhành (ấp Vĩnh Phước, xã Đăng Hưng Phước) phấn khởi chia sẻ: Nhân dân rất phấn khởi, tự hào khi chứng kiến quê mình đổi thay từng ngày.

Thông qua công tác tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể, bà con đã biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, nhất là những phần việc nào dân tham gia thực hiện, công trình nào do Nhà nước đầu tư. Từ đó, người dân đã tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường, nhà văn hóa, công trình công cộng.

Về các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận được những đổi thay về diện mạo nông thôn. Bởi ngoài thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển kinh tế, giảm nghèo, các xã còn đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, hình thành nên những tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho vùng nông thôn.

Đặc biệt, cùng với xây dựng các tuyến đường hoa, chính quyền các xã còn kiên quyết xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây được xem là cách làm hay nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong bảo vệ môi trường.

Đều đặng vào thứ bảy hằng tuần, không ai bảo ai, chị em phụ nữ và nhân dân xã NTM Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước lại cùng nhau dọn cỏ, thu gom rác thải, trồng hoa trên các tuyến đường trên địa bàn xã. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể thực hiện nhiều mô hình vệ sinh môi trường.

Nhận thấy việc thực hiện các tiêu chí trong mô hình giúp cho xóm, ấp thêm khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch - đẹp, người dân đã chủ động trồng cây kiểng để làm hàng rào cây xanh trước nhà, không vứt rác bừa bãi, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định.

Đồng thời, người dân còn tích cực cải tạo vườn tạp, đất trống xung quanh nhà trồng rau màu, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Từ thực tiễn trên cho thấy, vai trò to lớn của MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên trong xây dựng NTM, nâng cao diện mạo nông thôn. Đó là bài học về tích cực vận động nhân dân để nhân dân nhận thức, thấy rõ và chủ động tự nguyện phát huy tinh thần, vật chất với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”.

LÊ PHƯƠNG - T.T

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản