Tin mới

Vai trò “Pháo đài” và “Chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19

(Mặt trận) - Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, việc thực hiện chủ trương lấy xã, phường, thị trấn là “Pháo đài”, người dân là “Chiến sĩ” là rất chính xác và cần thiết trong cuộc chiến phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ảnh: Phan Hân 

Việc hình tượng hóa “Pháo đài’’ và “Chiến sĩ” trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Trong lịch sử kháng chiến, hình tượng “Pháo đài” và “Chiến sĩ” vô cùng ý nghĩa và hết sức thân thuộc, để lại dấu ấn đẹp không thể nào quên trong ký ức bao thế hệ người Việt Nam. Dân tộc ta đã anh dũng, kiên cường, mưu trí chiến thắng bao kẻ thù xâm lược, dù lực lượng mạnh hơn ta, phương tiện chiến đấu, nguồn lực, vật lực tốt hơn ta. Tuy trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, gian khổ, thiếu phương tiện chiến đấu, nhưng người dân cả nước nói chung, người dân Bến Tre nói riêng đã đoàn kết, tương thân tương ái, kiên định chiến đấu, đã làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954”, phong trào “Đồng khởi 1960” hay “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975”, … long trời lở đất, mang về chiến thắng vẻ vang, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Hiện nay, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, người dân cả nước đang gặp nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm khó lường; có người đã vĩnh viễn ra đi vì mắc bệnh; nhiều chiến sĩ nơi tuyến đầu đã và đang kiên cường chiến đấu chống dịch, vật lộn từng phút, từng giờ. Song, một số địa phương vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, việc thực hiện chủ trương lấy xã, phường, thị trấn là “Pháo đài”, người dân là “Chiến sĩ” là rất chính xác và cần thiết trong cuộc chiến phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân. Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, dù có khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng chúng ta có trang thiết bị y tế, vắc xin, thuốc, nguồn lực, vật lực và có giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Vấn đề cấp thiết và tiên quyết hiện nay là mỗi người dân phải thực sự có ý thức, trách nhiệm, “đồng thuận, đồng loạt và đồng thời” thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là yếu tố then chốt để sớm kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đưa cuộc sống sớm đạt được trạng thái bình thường mới.

Vai trò “Pháo đài” và “Chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Trong chiến tranh, “Pháo đài” và “Chiến sĩ” luôn kề vai sát cánh bên nhau, che chắn cho nhau, cùng nhau chiến đấu, để giữ vững “Pháo đài” và “Chiến sĩ”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID- 19, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Mỗi xã, phường, thị trấn là một “Pháo đài”, Mỗi người dân là một “Chiến sĩ”. Nội dung này được hiểu là các xã, phường, thị trấn phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả để trở thành chỗ dựa vững chắc, che chắn, hỗ trợ bảo vệ, vững chắc người dân chống lại dịch bệnh COVID-19. Xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với Nhân dân, đến với dân nhanh nhất. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Mỗi “Pháo đài” cần phải vận động, kêu gọi người dân hưởng ứng thực hiện nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu, tham gia chống dịch vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi thiết thực của mỗi người dân, bảo vệ sức khỏe của chính mình, của gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. “Pháo đài” phải vững chắc, luôn tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống, phù hợp với thực tiễn địa phương; không để xảy ra tình trạng một người chủ quan, cả “Pháo đài”, hay xã hội phải vất vả.

Người dân là “Chiến sĩ”, có nghĩa người dân vừa là trung tâm, cần phải được chăm lo, phục vụ (các chính sách phải phục vụ cho người dân), người dân vừa là chủ thể, cần phải trực tiếp tham gia vào phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định, sự chủ động, tích cực của người dân đóng vai trò quyết định sự thành công trong phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bảo vệ được xã, phường, thị trấn là bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của Nhân dân trong xã, phường, thị trấn đó; chúng ta chỉ có thể đẩy lùi dịch bệnh khi và chỉ khi người dân thực sự tham gia vào cuộc và tích cực thực hiện một cách chủ động tự giác; do đó Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Phan Hân  

Cụ thể hóa vai trò “Pháo đài” và “Chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch bệnh COVID-19

Chúng ta cần nhận thức, xác định rõ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giảm thiểu tiến tới sớm chặn đứng (không có) số ca mắc mới, cắt đứt sự lây lan, ngăn chặn bùng phát trên diện rộng, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để,… là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và từng người.

Để phát huy tốt vai trò Mỗi xã, phường, thị trấn là một “Pháo đài”, mỗi người dân là một “Chiến sĩ”; bảo đảm hoạt động có hiệu quả, nhịp nhàng với phương châm “đồng thuận, đồng loạt và đồng thời”; phát huy tinh thần “đoàn kết thống nhất”, “tương thân tương ái” chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, cần cụ thể hóa triển khai thực hiện như sau:

Đối với Mỗi xã, phường, thị trấn - “Pháo đài”

Thứ nhất, phương thức trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện “Pháo đài” là cấp ủy lãnh đạo, định hướng (thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ đạo của cấp ủy); chính quyền cụ thể hóa và tổ chức thực hiện (xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện); Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội (xây dựng kế hoạch thực hiện và tuyên tuyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân) hưởng ứng, tham gia thực hiện, đồng thời, giám sát việc tổ chức thực hiện; người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực. Mục tiêu cao nhất và trước nhất là bảo đảm sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân; tập trung ưu tiên phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động tấn công, thực hiện quyết liệt hơn nữa, “thần tốc hơn nữa”, chắc chắn hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. “Pháo đài” là đơn vị điều phối lực lượng kiểm soát chặt chẽ người vào, ra địa phương mình; triển khai các giải pháp quản lý cách ly triệt để giữa người với người; gia đình với gia đình, xã/phường/thị trấn với xã/phường/thị trấn, tỉnh/thành phố với tỉnh/thành phố. Đồng thời, phải quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh an toàn, bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người lao động, kiểm soát kỹ để không xảy ra tình trạng xâm nhập và lây nhiễm dịch bệnh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đã sản xuất thì dứt khoát phải an toàn. Cơ quan quản lý, Nhà nước phải quản lý, kiểm soát được phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng yêu cầu này. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội phải tổ chức tốt việc cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hóa thiết yếu cho người dân, bằng các phương thức cung ứng phù hợp; đồng thời, phải tổ chức tốt, quản lý, giám sát chặt chẽ việc lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu và đội ngũ vận hành như lực lượng tài xế, bốc, xếp hàng; quy định rõ nơi bốc, xếp hàng hóa, bố trí chỗ ăn, ở riêng cho đội ngũ tài xế, bảo đảm thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối nhằm giúp người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản đến thời kỳ thu hoạch, nhất là nông sản có sản lượng lớn.

Thứ hai, các “Pháo đài” phải đặc biệt coi trọng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các Tổ COVID cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản, đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, nắm bắt được tình hình, nhu cầu của người dân, những vấn đề cần phải quan tâm, kiểm soát, giám sát đi lại của người dân, giám sát, phát hiện báo cáo chính quyền địa phương những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đây là lực lượng góp phần rất quan trọng cho thành công trong chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Mỗi Tổ COVID cộng đồng phụ trách từ 20-40 hộ gia đình, mới có thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Các “Pháo đài” phải kiện toàn các Tổ COVID cộng đồng (mỗi tổ 4-5 người); vận động những người có uy tín trong khu vực địa bàn, lực lượng thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, các nhân tố tích cực, có sức khỏe, khả năng xốc vác, có nhiệt huyết tham gia Tổ. Công việc của Tổ COVID cộng đồng là nắm tình hình, thông tin, tuyên truyền, vận động và giám sát người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, kịp thời đúc rút các kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng tiêu cực tới phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, thăm hỏi, động viên không để ai thiếu ăn, thiếu mặc trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; kịp thời báo cáo các trường hợp khó khăn cần giúp đỡ; tiếp tục duy trì mô hình đi chợ thay từ chính người dân, Tổ nhân dân tự quản, Tổ COVID cộng đồng, để hỗ trợ người dân mua hàng hóa trong thời gian thực hiện quy định giãn cách. Triển khai rất khẩn trương các chương trình an sinh xã hội sớm triển khai chi hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình có công với nước, hộ nghèo, neo đơn, lang thang cơ nhỡ, …người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.

Thứ tư, tổ chức hoạt động có hiệu quả hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở, các trạm y tế xã, phường, thị trấn; bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, tiêm vắc xin tại địa phương đạt yêu cầu; nắm bắt kịp thời, linh hoạt giải quyết, hỗ trợ cho người dân; phải bảo đảm để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất, kịp thời nhất các hoạt động y tế trong phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe. Tăng cường lực lượng công an, dân quân để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát; theo dõi chặt, có biện pháp áp chế kịp thời các đối tượng nguy hiểm tại địa phương. Đồng thời, tăng cường giám sát, kịp thời xử lý các vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vận động thành viên Tổ COVID cộng đồng, Tổ Nhân dân tự quản cùng lực lượng dân quân, công an xã và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn thay phiên trực các chốt, hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Thứ năm, Cấp ủy, chi ủy ấp, khu phố trực tiếp lãnh đạo (có thể xây dựng nghị quyết hoặc kế hoạch để lãnh đạo); đề cao vai trò của trưởng ấp, khu phố trong việc phối hợp vàphát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giám sát, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm thiết thực của mỗi người dân. Thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh, thông tin cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch bệnh, các gương điển hình hay, cách làm tốt, các trường hợp xử phạt vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, … Đồng thời, phát động phong trào mỗi người dân là một camera giám sát” trong việc giám sát, thông tin kịp thời cho đơn vị chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thứ sáu, các cơ quan chức năng, các địa phương cung cấp những thông tin, hướng dẫn cần thiết, ứng dụng công nghệ và phương thức thông tin liên lạc thích hợp trong việc chăm sóc sức khỏe, quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, … đến từng hộ gia đình:

- Thiết lập và thông tin số tổng đài của tỉnh, số tổng đài 1900868697: Tiếp nhận phản ánh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tổ chức về các vấn đề khó khăn về lương thực, thực phẩm và nhu cầu hàng hóa thiết yếu; các vấn đề kết nối, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Số tổng đài 1900868698: Tiếp nhận phản ánh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tổ chức về các vấn đề về chăm sóc sức khỏe khi có các biểu hiện của nhiễm bệnh COVID-19 và các vấn đề khác có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Thiết lập và cung cấp số điện thoại của địa phương, xã, phường, thị trấn cho người dân như: Số điện thoại của người điều phối hỗ trợ mua giúp hàng hoá thiết yếu, hỗ trợ khi thiếu lương thực, thực phẩm; Số điện thoại tư vấn chăm sóc sức khỏe; Số điện thoại để người dân báo khi phát hiện vi phạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ...

- Tổ chức ứng dụng các nhóm Zalo hoặc ứng dụng mạng xã hội phù hợp để kịp thời, thuận tiện thông tin liên lạc nhanh, ví dụ: Nhóm Zalo do Bí thư đảng ủy xã/phường/thị trấn làm trưởng nhóm, thành viên là Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn, trưởng các bộ phận trực thuộc xã/phường/thị trấn và trưởng các ấp/khu phố; Nhóm Zalo do Bí thư ấp/khu phố làm trưởng nhóm, thành viên là các trưởng ấp/khu phố, các Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản và thành phần quản lý ấp/khu phố; Nhóm Zalo do Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng làm trưởng nhóm, thành viên bao gồm Tổ nhân dân tự quản và mỗi hộ gia đình trong tổ cử một thành viên tham gia; đối với trường hợp người không sử dụng Zalo thì phải cung cấp số điện thoại bảo đảm thông tin liên lạc được.

Đối với Mỗi người dân - “Chiến sĩ”

Thứ nhất, tự giác chấp hành, nâng cao ý thức, phát huy tinh thần Đồng khởi mới trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19: Mỗi người dân là một “Chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “Lô cốt” đồng lòng, ra sức bảo vệ “Pháo đài” xã, phường, thị trấn của mình; kiên định quyết tâm chống dịch bệnh COVID-19 như chống giặc; tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, đề cao vai trò của cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt, công tác ở cơ sở, cán bộ, đảng viên nghỉ hưu và cán bộ, đảng viên đương chức đang cư trú, sinh sống trên địa bàn tổ nhân dân tự quản, ấp/khu phố, phải thể hiện vai trò nêu gương, tuyên truyền, vận động và thực hiện để Nhân dân noi theo,  “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò xung kích “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Thứ hai, Mỗi người dân - “Chiến sĩ” thường xuyên cập nhật, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối tuân thủ “"5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế". Đặc biệt là khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm ai ở đâu ở yên đó; nhà cách ly với nhà; ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố; xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn; huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố, tỉnh/thành phố cách ly với tỉnh/thành phố.

Thứ ba, Mỗi người dân - “Chiến sĩ” là một chăm sóc viên nâng cao sức đề kháng, ăn, uống, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên, theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình. Chủ động, tích cực nghiên cứu Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28-8-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà (được thông tin, tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi và các hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội,…); ít nhất là cũng phải hiểu rõ triệu chứng, diễn biến để có biện pháp ứng phó phù hợp từng lúc khi không may bản thân, người thân mắc bệnh.

Thứ tư, Mỗi người dân - “Chiến sĩ” chủ động, tiếp cận các kênh thông tin chính thống để cập nhật diễn biến dịch bệnh COVID-19 và các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại xã, phường, thị trấn - “Pháo đài” đang cư trú. Chủ động, tích cực tham gia nhóm Zalo Tổ COVID cộng đồng, cập nhật thông tin kịp thời, đẩy mạnh công tác tự tuyên truyền cho người thân mình cùng nắm và cùng thực hiện có kết quả.

Thứ năm, Mỗi người dân - “Chiến sĩ” là một tuyên truyền viên, giám sát viên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên gia đình thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, “Mỗi người dân là một camera giám sát” kịp thời thông tin cho Tổ COVID cộng đồng, các cơ quan chức năng để phản ánh tình hình và khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng luân phiên canh gác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chốt kiểm soát lối vào, ra khu vực sinh sống, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cảnh giác, giữ an toàn cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn chống dịch bệnh COVID-19 có kết quả.

Thực hiện cam kết trách nhiệm chính trị

Để thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân trong việc lãnh đạo xây dựng thành công “Pháo đài” và “Chiến sĩ”, cần có sự cam kết về trách nhiệm chính trị, cụ thể là: Mỗi hộ gia đình có bản cam kết với Tổ nhân dân tự quản, Tổ COVID cộng đồng; Tổ nhân dân tự quản, Tổ COVID cộng đồng cam kết với ấp/khu phố; ấp/khu phố cam kết với xã/phường/thị trấn; xã/phường/thị trấn cam kết với huyện/thành phố; huyện/thành phố cam kết với tỉnh về việc thiết lập và giữ vững vùng xanh an toàn. Cam kết trách nhiệm chính trị là để nâng cao trách nhiệm của mỗi hộ gia đình và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả xây dựng “Pháo đài” và “Chiến sĩ” bảo vệ vững chắc “Pháo đài” đó trên mặt trận phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Quyết tâm giữ vững những thành quả đã đạt được, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng; đồng thời, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; và trên hết là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Mỗi xã, phường, thị trấn hãy phát huy và làm tốt vai trò “Pháo đài”; mỗi người dân hãy là một “Chiến sĩ” thực hiện “Đồng khởi mới” với ý thức, quyết tâm thực hiện nghiêm các Quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân và gia đình mình, từ đó bảo vệ cộng đồng xã hội, góp phần duy trì và tái lập “vùng xanh”, sớm tạo lập cuộc sống bình thường mới; yên tâm phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trên quê hương xứ Dừa./.

Lê Đức Thọ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản