Tin mới

Vĩnh Phúc: Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy

(Mặt trận) -Sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Vĩnh Phúc không ngừng được củng cố, phát huy, từ đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của địa phương.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

“Lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân”

Theo MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, sau 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. MTTQ các cấp đã quan tâm phối hợp triển khai tổ chức Ngày hội, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo trong lựa chọn chủ đề của Ngày hội bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu đời sống của Nhân dân theo phương châm “Lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân”.

Việc tổ chức Ngày hội hàng năm được các tổ chức, cá nhân, con em quê hương đang sinh sống, công tác, làm ăn ở ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hướng về Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội rộng rãi, tạo không khí vui tươi phấn khởi và thực sự là một Ngày hội ở từng khu dân cư, “Ngày hội của Nhân dân” trong toàn tỉnh.

Trong những năm qua, thông qua tổ chức Ngày hội, các Phong trào, các Cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả. Trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng cao.

 Nô nức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tổ dân phố Tiên Sơn, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Dương Hà.

Tính gắn kết cộng đồng là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. Tình làng, nghĩa xóm trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn.

Phát huy tình thần đó tính từ năm 2003 đến 2022, Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội các cấp đã vận động được trên 165,3 tỷ đồng, qua nguồn quỹ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 18.171 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trị giá gần 301,6 tỷ đồng, trong đó có 130,5 tỷ đồng hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp.

Đặc biệt, trong năm 2023 nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện hỗ trợ tổng số 147.130 phần quà với tổng số tiền 58.528.174.000 đồng cho các hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, tham gia giữ gìn môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ họ, đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”… đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mỗi xã 10 tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Phong trào đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng góp phần không nhỏ cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022 toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được 1.536 tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” với tổng kinh phí 11.848.308 tỷ đồng do nhân dân đóng góp và 47.437 ngày công; 1.942.579 tỷ đồng do ngân sách hỗ trợ.

Chú trọng phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng thông qua gần 2.000 Mô hình tự quản, tính đến nay có nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có mô hình hoạt động độc lập, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, đường dây nóng... từ đó các huyện, thành phố trong tỉnh đã nhân rộng mô hình, các câu lạc bộ đến 100% thôn, tổ dân phố; có trên 2.000 câu lạc bộ thể thao; trên 2.656 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng...

Quy tụ sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong giai đoạn 2003-2023, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội, góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh đạt nhiều kết quả.

Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng và chính quyền với nhân dân. Tạo đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chương trình mục tiêu phát triển của địa phương.

Theo MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò giám sát, làm chủ từ cơ sở. Chú trọng vai trò giám sát của Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng, trong những năm qua đã tham gia giám sát hàng ngàn công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin, đồng thuận trong nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp tổng hợp đầy đủ các ý kiến của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng theo luật định. Thường xuyên phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Đảng, tạo sự đồng thuận, gần gũi giữa Đảng với dân. Khơi dậy ý chí và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 4 huyện, thành phố về đích và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 102/102 xã nông thôn mới, 13 xã nông thôn mới nâng cao, 61 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

ĐỨC SƠN - TUẤN MINH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản