Tin mới

Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò của MTTQ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

(Mặt trận) -Để góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố tích cực, chủ động tìm kiếm, huy động nguồn lực xã hội để cùng đồng hành, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Mô hình nuôi cá của gia đình bà Đặng Thị Diệp, thôn Thụ Ích 3, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Tam Đảo đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa rộng; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống của người dân được nâng cao, cơ sở vật chất và môi trường được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến nay, 100% số xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, có 2 thôn đạt NTM kiểu mẫu là thôn Tân Long, xã Hồ Sơn; thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang và tới đây là 2 thôn Cầu Chang, xã Bồ Lý; thôn Đồng Thành, xã Yên Dương.

Công tác an sinh xã hội, vận động, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, nhân đạo, từ thiện được MTTQ huyện triển khai tích cực, huy động được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Năm 2022, huyện Tam Đảo đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 28 nhà đại đoàn kết trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

MTTQ và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như mô hình trồng trà hoa vàng của ông Nguyễn Đức Độ, xã Tam Quan; mô hình trồng rau su su của ông Bùi Văn Cường, xã Hồ Sơn; mô hình chăn nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Thúy, xã Minh Quang; mô hình chăn nuôi hươu của ông Nguyễn Văn Tân; mô hình trồng ổi chất lượng cao trái mùa của ông Nguyễn Khắc Kỷ, thị trấn Hợp Châu; HTX Nấm Tam Đảo của ông Nguyễn Quốc Huy và mô hình HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo của bà Kim Thị Tân, xã Bồ Lý...

Năm 2022, MTTQ huyện Yên Lạc đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công, hàng nghìn m2 đất xây dựng 5 xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gồm Đồng Cương, Bình Định, Đại Tự, Trung Kiên, Văn Tiến và 14 thôn NTM kiểu mẫu; vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả hoặc chăn nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa.

MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong huyện xây dựng được 181 tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp với tổng chiều dài hơn 58 km; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 34 nhà đại đoàn kết, trị giá gần 2 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo an cư, vươn lên thoát nghèo. Có 453 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã được giúp đỡ.

Hội LHPN huyện đã xây tặng hội viên 5 ngôi nhà mái ấm tình thương trị giá 270 triệu đồng; đỡ đầu 20 trẻ em mồ côi. Hội CCB duy trì 763 mô hình kinh tế do CCB làm chủ, 18 câu lạc bộ CCB-CQN làm kinh tế giỏi, thu hút gần 4.000 lao động, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều con em hội viên CCB; nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH cho 986 hộ CCB vay vốn phát triển kinh tế.

Đến nay, toàn huyện có 92,2% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93% thôn, tổ dân phố văn hóa; 100% khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước; thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 166 tổ hòa giải.

Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là điều kiện cơ bản để ổn định và phát triển toàn diện, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh xây dựng kế hoạch vận động, quyên góp ủng hộ quỹ, có thư kêu gọi gửi tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhân tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17/10 - 18/11).

Năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc phân bổ, hỗ trợ xây dựng 363 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trị giá hơn 25,5 tỷ đồng; phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn xây dựng và sửa chữa 174 nhà đại đoàn kết, tặng 13 sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và Quỹ Vì người nghèo thăm hỏi, trao 18.187 suất quà trị giá hơn 10,6 tỷ đồng tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hữu Hưng cho biết: "Việc thực hiện tốt cuộc vận động đoàn kết phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững đã phát huy nguồn lực vật chất chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, đồng thời khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao MTTQ vận động xây dựng ít nhất 200 nhà đại đoàn kết. Đến ngày 20/3/2023, MTTQ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 30 nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Hoạt động tạo nguồn vốn vay cho hội viên, đoàn viên ủy thác qua Ngân hàng CSXH và từ nguồn quỹ hội được duy trì; tiếp tục nhân rộng 1.341 mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Lao động giỏi” , “Lao động sáng tạo”, “Tổ tự quản”, “Tổ hòa giải”, “Khu dân cư 3 không”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ an ninh nhân dân”…

Hoàng Hà

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản