Tin mới

Xã An Bình, huyện Phú Giáo: Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo

(Mặt trận) -Là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhiều nhất tỉnh Bình Dương, nhưng có thời điểm toàn xã An Bình chỉ còn hơn 10 hộ nghèo. Để giúp bà con thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, xã đã áp dụng cùng lúc nhiều chương trình như tạo điều kiện vay vốn, xây nhà, hỗ trợ chăn nuôi... 

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Long An thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Quảng Ninh chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Đại hội Mặt trận các cấp

Bình Phước: Những công trình chào mừng Đại hội MTTQ các cấp hướng về người dân, vì nhân dân phục vụ

 Mô hình gia công hạt điều tại nhà giúp gia đình chị Nguyễn Thị Kim Xoan có nguồn thu nhập ổn định

 Ổn định nhờ được chăm lo tốt

Theo chân ông Phạm Văn Kiên, Trưởng ban Điều hành ấp Tân Thịnh, đến thăm nhiều gia đình đồng bào người Khmer trước đây từng là hộ nghèo của xã, cảm nhận của chúng tôi là đời sống của bà con đã thực sự ổn định, ấm no. Hầu hết các hộ đều có nhà xây, đầy đủ phương tiện sinh hoạt, có nguồn thu nhập để nuôi con cái ăn học.

Điển hình như gia đình anh Thạch Xương, từng nhiều năm là hộ nghèo của xã, nhưng nay thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng, có của ăn của để. Các thành viên trong gia đình đều có xe gắn máy, vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Ngôi nhà họ đang sinh sống cũng được cơi nới nhiều phòng, đầy đủ tiện nghi. Chị Nguyễn Thị Kim Xoan, vợ anh Thạch Xương, cho biết trước đây cả hai vợ chồng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, lại phải nuôi hai con nhỏ. Cách đây 6 năm, từ nguồn tiền vận động của xã, gia đình chị được xây tặng căn nhà đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng. Từ ngày có nhà, cuộc sống gia đình chị Xoan dần ổn định hơn.

Chị Xoan còn được cán bộ ấp lập danh sách theo học lớp đào tạo nghề ngắn hạn do xã tổ chức, sau đó được giới thiệu làm việc tại một công ty sản xuất hạt điều trên địa bàn. Sau nhiều năm làm việc và có tay nghề, nay chị không đến nhà máy mỗi ngày mà chỉ nhận hàng về nhà gia công nên rất thuận tiện, thu nhập bảo đảm không dưới 6 triệu đồng/tháng. Qua giới thiệu của địa phương, đứa con gái lớn của chị Xoan xin được việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Chị Xoan chia sẻ: “Nay sướng rồi, trong nhà có 3 thành viên đi làm, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, không còn lo cái ăn, cái mặc như trước. Rất nhiều hộ ở đây cũng được xây tặng nhà, tạo việc làm, nên bà con chúng tôi mới sớm thoát nghèo”.

Theo ông Phạm Văn Kiên, đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình chủ yếu là người Khmer, sinh sống ở ấp Tân Thịnh và Nước Vàng với tổng cộng 266 hộ, 1.037 nhân khẩu. Cách đây 5 năm, 2 ấp này vẫn còn mười mấy hộ đồng bào thiểu số thuộc diện hộ nghèo, nhưng nay chỉ còn duy nhất 2 hộ. Hai hộ này là người trẻ, mới lập gia đình, không có đất canh tác, còn hầu hết các hộ đã ổn định. “Hàng năm, Ban Điều hành ấp rà soát rất kỹ để chăm lo cho bà con. Hộ nghèo có đất thì đề xuất xây nhà, kế đến là đào tạo, giới thiệu việc làm. Trong năm nay, chúng tôi phấn đấu xóa sạch hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Phạm Văn Kiên nói.

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Bà Bùi Thị Thúy Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết cuối năm 2020, xã An Bình chỉ còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, số hộ nghèo tăng lên 42 hộ và không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh có tăng trong 2 năm qua là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đó là sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số hộ giảm thu nhập do ảnh hưởng việc làm. Kế đến là một số hộ từ các tỉnh, thành khác đến định cư, chưa ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, một số gia đình trẻ mới cưới và mới ra riêng, không có đất canh tác, việc làm bấp bênh, không có thu nhập ổn định. Gần đây, một số hộ là công nhân cạo mủ tại một nông trường cao su trên địa bàn bị tinh giảm việc làm, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập...

Trong những năm qua, để giảm hộ nghèo, mỗi năm xã An Bình thực hiện đồng bộ các chính sách, đó là tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trung bình mỗi năm địa phương mở khoảng 5 lớp đào tạo nghề như trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, làm đẹp, cạo mủ... cho khoảng 150 người. Sau khi người dân có nghề, địa phương đứng ra kết nối, tạo việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định. Đặc biệt, công tác rà soát, nắm bắt đời sống sinh hoạt, việc làm của các hộ nghèo, cận nghèo luôn được các ấp quán xuyến rất tốt, kịp thời báo cáo lãnh đạo xã có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp còn thực hiện rất tốt việc vận động xây nhà, tạo nơi ở ổn định cho hộ nghèo. Mỗi năm, địa phương thực hiện vận động xây dựng từ 5 đến 7 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Bà Bùi Thị Thúy Thơm cho biết thêm: “Để thực hiện giảm nghèo trong năm 2023, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ xây dựng nhà ở. Chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu trong năm, chỉ lo bà con không có đất xây nhà. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục vận động các nguồn khác để chăm lo cho con em hộ nghèo trong độ tuổi đến trường, ốm đau, tang khó...”.

 Trong những năm qua, để giảm hộ nghèo, mỗi năm xã An Bình thực hiện đồng bộ các chính sách, đó là tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trung bình mỗi năm địa phương mở khoảng 5 lớp đào tạo nghề như trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, làm đẹp, cạo mủ... cho khoản g 150 người.

 QUANG TÁM

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản