Tin mới

Xây dựng nông thôn mới ở xã vùng Đồng Tháp Mười

(Mặt trận) - Có dịp về thăm lại Phú Nhuận - xã nông thôn mới của huyện Cai Lậy (Tiền Giang), trong không khí cả nước sôi nổi kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ai cũng nhận thấy xóm làng nơi đây đang khởi sắc, đổi thịt thay da khi chủ trương xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào đời sống, có sức lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ.

Chung tay xóa nhà dột nát ở Phú Lương

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Vĩnh Long phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới

Đà Nẵng: Điểm nhấn Mặt trận cơ sở nhiệm kỳ 2019-2024

Nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khởi sắc từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: tiengiang.gov.vn 

Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Phạm Công Trung vui mừng cho biết, Phú Nhuận ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm 2020, đến nay mới gần tròn một năm. Thời gian không dài nhưng đã mang lại cho miền quê nghèo khó biết bao nhiêu thay đổi cùng những bài học thực tiễn đúc kết để địa phương hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 và xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa.

Chủ trương đi vào đời sống

Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, Phú Nhuận là xã thuần nông điển hình với trên 80% hộ dân sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có diện tích tự nhiên trên 1.360 ha, trong đó có gần 1.000 ha đất trồng trọt, chủ yếu trồng lúa mỗi năm ba vụ.

Từng là căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bị bom đạn quân thù tàn phá nặng nề, địa hình của Phú Nhuận bị chia cắt bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hạ tầng giao thông thiếu và yếu, trong khi sản xuất nông nghiệp đầu ra luôn bấp bênh, đời sống nhân dân khó khăn… Đó những thách thức lớn đòi hỏi địa phương phải nỗ lực chung sức vượt qua nhằm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu ra mắt xã nông thôn mới, Phú Nhuận tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân nhằm đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo gắn với huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia.

Xã tích cực vận động bà con chuyển đổi sản xuất theo hướng hình thành vùng lúa chất lượng cao, liên kết giải quyết đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, đưa cây màu xuống chân ruộng tạo ra cơ cấu luân canh lúa + màu hiệu quả, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ trong quá trình thâm canh…

Địa phương đã hình thành “cánh đồng lớn" ở hai ấp Phú Lợi và Phú Tiểu quy mô 220 ha, sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 4900, Đài Thơm 8,…được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Nhuận bao tiêu. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất địa bàn khó khăn, thích ứng biến đổi khí hậu, nông dân Phú Nhuận còn chuyển gần 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản. Ngành chăn nuôi phát đạt với tổng đàn lợn 3.124 con, đàn bò hàng trăm con, đàn gia cầm trên 46.000 con.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển với 12 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 2 doanh nghiệp may mặc đầu tư trên địa bàn giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Xã có ba chợ với gần 500 hộ kinh doanh thương mại lớn nhỏ góp phần thúc đẩy giao thương, tiêu thụ nông sản, lưu chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân các vùng nông thôn sâu, xa trước đây. Nhờ vậy, năm 2020, xã đã nâng thu nhập bình quân đầu người lên gần 50,5 triệu đồng và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,93%.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thu nhập và giảm nghèo nông thôn coi như tạm ổn. Thế nhưng, nhiều tiêu chí còn lại đối với Phú Nhuận rất khó, khó nhất là kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng giao thông - thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống theo chuẩn quốc gia. Đặc thù của xã có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chia cắt, đường sá chủ yếu đường đất, cầu tre, cầu khỉ cản trở giao thương, đi lại và sự phát triển chung.

Phú Nhuận kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển nông thôn các cấp, tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương và lợi ích từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà nhân dân là chủ thể, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, gắn với huy động các nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, xã phát huy vai trò các tầng lớp nhân dân hưởng ứng chung sức xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm thiết thực như: hiến quỹ đất phát triển giao thông nông thôn, đóng góp công của xây dựng nông thôn mới, trồng cây xanh tạo cảnh quan, thu gom rác thải giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn,…

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Phạm Công Trung, địa phương huy động gần 288 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp lên đến 135,5 tỷ đồng, chiếm đến trên 47% tổng nguồn vốn. Cấp ủy, chính quyền xã vận dụng tốt bài học từ lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, dựa vào các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Nông dân địa phương tuyên truyền, động viên các cấp hội và hội viên hiến đất phát triển giao thông nông thôn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nhuận Võ Văn Châu cho biết, khi triển khai thi công mạng lưới đường giao thông từ xã về các ấp và ngõ xóm xa xôi theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, 100% hộ hội viên đều vui vẻ hiến quỹ đất để mở rộng đường sá, đồng thời đóng góp thêm công sức để sớm thi công hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ giao thương.

Ông Trương Văn Mận, xã Phú Nhuận là một tấm gương điển hình về chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Không những vận động hàng chục hộ dân cặp theo đường Tây Rạch Muồng hiến đất để mở rộng và nâng cấp con đường mà ông còn hiến thửa đất 50 m2. Với sự chung sức của bà con, kẻ công người của, con đường Tây Rạch Muồng hoàn thành theo chuẩn quốc gia, rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu đã đổi thay hẳn diện mạo nông thôn nơi đây, đồng thời đóng vai trò rất lớn trong giao thương, đi lại, học hành của con em địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Phạm Công Trung cho biết, xây dựng và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2020 là bước thành công lớn của Phú Nhuận vốn xuất phát điểm thấp, là nền tảng vững chắc để địa phương hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm tới 2022. Để đạt mục tiêu trên, trong năm 2021, xã tiếp tục đầu tư trên 6 tỷ đồng thi công con đường Phóng Tuyến dài 3.700 m kết nối giao thương các ấp Phú Bình - Phú Lợi cũng như với các xã lân cận, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, xã vận động nhân dân góp thêm hàng trăm triệu đồng trồng hoa, trồng cây xanh cải thiện cảnh quan, môi trường, tạo diện mạo cho xã nông thôn mới Phú Nhuận mỗi ngày thêm xanh - sạch - đẹp.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản