(Mặt trận) - Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) đang bước vào chặng đường bứt tốc về đích. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: xây dựng nông thôn mới phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa của các làng quê, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị |
Hơn 1,7 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 ngày 17.7, Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, qua 3 năm triển khai, tổng nguồn vốn huy động trong cả nước khoảng 1.752.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, còn lại chủ yếu là vốn huy động tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng.
Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 73,65%, tăng 11,3% so với cuối năm 2020); trong đó có 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; 263 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành xây dựng NTM; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, đến tháng 7.2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm; nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.
Nêu rõ khó khăn của địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc trăn trở, hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn còn nhiều bất cập; việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư thực hiện 156 nhà máy xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do thủ tục vướng mắc, chính sách hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, chưa thực sự bền vững. Giao thông nông thôn, vùng có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tập trung yếu nhất hạ tầng, hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, khâu tổ chức, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị còn hạn chế…
Ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, chương trình xây dựng NTM không chỉ là câu chuyện xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là Chương trình đa mục tiêu như phát triển du lịch nông thôn, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM; Chương trình OCOP. Ngoài ra, còn có các vấn đề bình đẳng giới, dinh dưỡng cho cư dân nông thôn, khuyến nông...
Hiện, nhiều quốc gia, điển hình như Hàn Quốc cũng đang thực hiện chương trình quy nông, quy hương. Không phải tất cả đều về nông thôn, nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, là di sản, là tài sản và họ làm nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn để chấn hưng nông thôn. Chúng ta cũng phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về.
Bộ trưởng cũng đề cập đến việc mỗi địa phương, đơn cử như Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm OCOP, nhưng khi ra siêu thị không có sản phẩm OCOP nào. Vậy đầu ra sản phẩm đi đâu? Vấn đề cần làm là kích hoạt sự tham gia của cộng đồng, để các chủ thể chăm chút sản phẩm OCOP của mình và để sản phẩm đi xa. Chính bản thân chúng ta chưa trân quý sản phẩm của mình thì đừng mong rằng thị trường chấp nhận.
Ông Ngô Trường Sơn thông tin, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM. Có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trước những trăn trở của Bộ trưởng, những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải, để thực hiện hiệu quả chương trình NTM giai đoạn 2023 - 2025, ông Sơn cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho địa phương; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương, các vùng, miền.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp. Tiếp tục có các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình theo kế hoạch được giao năm 2022 và 2023. Ngoài ra, sẽ tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các Tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ nguồn lực.
Hạnh Nhung