|
Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm và chụp ảnh lưu niện với nhân dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên |
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết để lãnh đạo công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội như: Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 24/5/2021 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 66-NQ/TU ngày 10/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và Nghị quyết số 116-NQ/TU ngày 14/4/2023 về về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Yên Bái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ các văn bản của Trung ương, của tỉnh; tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị hiệp thương, giới thiệu người tham gia ứng cử, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo đúng trình tự. Phối hợp tổ chức trên 1.600 cuộc tiếp xúc với gần 120.000 cử tri để vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Làm tốt công tác nắm tình hình, tư tưởng Nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi cử tri thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử. Vì vậy, kết quả cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ rất cao, toàn tỉnh có 99,96% cử tri đi bỏ phiếu; đã lựa chọn được các đại biểu đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, thành phần có trình độ, chất lượng, năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Đến nay đã gần nửa nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của đại biểu của Nhân dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì thực hiện gần 2.000 cuộc giám sát (1.974 cuộc); tổ chức các hội nghị phản biện và tham gia ý kiến đối với 91 dự án luật, dự thảo văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật. Qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan soạn thảo, xây dựng các đề án cần tiếp thu, điều chỉnh, có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo các chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; dễ tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi ban hành.
|
Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của nhân dân thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn |
Trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành thành tích trong thực hiện chương trình, đặc biệt là các hộ gia đình tự nguyện đóng góp ngày công, dịch rào, hiến đất, cây cối, hoa màu, công trình, tài sản trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, nhất là hạ tầng giao thông.
Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay có gần 13.500 hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật tư, công trình trên đất phục vụ xây dựng nông thôn mới với tổng diện tích hiến đất trên 1,8 triệu mét vuông, trị giá quy đổi trên 623,0 tỷ đồng; tham gia hàng trăm nghìn ngày công cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; nhiều địa phương đã tự nguyện giải phòng mặt bằng chờ Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thay bằng việc chờ hỗ trợ đền bù mới giải phóng mặt bằng như trước đây. Qua đó, góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Công tác an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, với quan điểm cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau. Yên Bái vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy vậy, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, hằng năm đều dành một nguồn kinh phí thích đáng cho chương trình an sinh xã hội. Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh tiếp nhận trên 40,2 tỷ đồng; hàng trăm nghìn xuất quà ủng hộ người nghèo; hàng trăm công trình, phần việc lớn, nhỏ phục vụ cuộc sống của người dân và các em học sinh vùng cao, các cháu mồ côi,... từ nguồn quỹ trên đã kịp thời phân bổ làm mới trên 2.000 căn, sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng và vận động Nhân dân đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà; kịp thời phân phối số quà ủng hộ đến các đối tượng thụ hưởng.
Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cũng là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biễn rất phức tạp. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế; vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia và ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh với phương châm chủ động, thiết thực, hiệu quả và an toàn nhất. Qua đó đã phát hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân từ thành thị đến nông thôn; qua lời kêu gọi ủng hộ, MTTQ đã tiếp nhận và phân bổ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu có giá trị khác khác.
Công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện Kế hoạch số 191 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất, nhập cảnh trái phép tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương, thành lập nhiều đoàn nắm tình hình Nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đặc biệt là các đối tượng, gia đình, người thân, nhà trường nơi có nguy cơ cao dễ sảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cuối năm 2018, đầu năm 2019 toàn tỉnh có 442 trường hợp tảo hôn, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đến cuối năm 2022 chỉ còn 79 trường hợp (giảm 82,13% so với năm 2018). Hôn nhân cận huyết thống năm 2020 có 3 cặp, năm 2022 có 01 cặp và 6 tháng đầu năm 2023 chưa ghi nhận cặp nào.
Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hằng năm. Ngày 18/11 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội đoàn kết của dân tộc, từ thành thị đến nông thôn với nhiều hoạt động diễn ra rất sôi nổi, tinh thần chủ động, tự giác cao. Là ngày hội của toàn dân, vì ngày đó dù là cán bộ, đảng viên, kể cả người có vị trí quan trọng trong hệ thống chính đều dành thời gian đến sinh hoạt, chung vui, động viên với Nhân dân, nhất là các khu dân cư vùng sâu, vùng xa. Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc mang tính vùng miền mà trước đây chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nay cũng đã được tổ chức sôi động ở các khu đô thị như múa xòe, nhảy sạp của người thái,...
Qua việc tổ chức tốt ngày hội Đại đoàn kết tình làng, nghĩa xóm được gắn bó mật thiết hơn, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; là nơi nói lên tâm tư, tình cảm giữa các dân tộc với nhau, là cầu nối, sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể với nhân dân, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh phòng chống các tai, tệ nạn xã hội, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra. Trong thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết đại hội XIX đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra./.
Uỷ ban MTTQ tỉnh Yên Bái