Tin mới

Các cá nhân tiêu biểu thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Các cá nhân tiêu biểu là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có nhiều hình thức tôn vinh nhằm phát huy tính tích cực của các cá nhân tiêu biểu. Xây dựng các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải bảo đảm ba tiêu chí “tiêu biểu, đại diện, thiết thực”, trong đó đề cao hơn nữa tính “thiết thực” nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Quang cảnh Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 7, khoá IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra vào tháng 12.2022 

THỰC TRẠNG CÁC CÁ NHÂN TIÊU BIỂU THỰC HIỆN QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Cơ cấu, số lượng và trình độ của các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024)

Cơ cấu của các cá nhân tiêu biểu được phân tích theo các nội dung: Lĩnh vực, độ tuổi của các cá nhân tiêu biểu, vùng, miền nơi các cá nhân tiêu biểu sinh sống và làm việc và khu vực nước ngoài.

Tổng số cơ cấu cá nhân tiểu biểu của Ủy ban Trung ương là 252 vị, trong đó nam là 197 vị chiếm 72.8%; nữ là 55 vị chiếm 21.8%. Các cá nhân tiêu biểu được cơ cấu thành 6 nhóm như sau:

(1) Cá nhân tiêu biểu là nhân sĩ, trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực là 71 vị chiếm 28.4%. Trong đó, nam 56 vị, nữ 15 vị. Đây là lực lượng chiếm số lượng đông nhất trong cơ cấu cá nhân tiêu biểu và chủ yếu là nam giới;

(2) Cá nhân tiêu biểu là công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, huyện đảo là 18 vị chiếm 7.1%. Đây là lực lượng chiếm số ít trong cơ cấu cá nhân tiêu biểu;

(3) Cá nhân tiêu biểu là đại diện các dân tộc thiểu số: 53 người, chiếm 21%, có đại diện đầy đủ các dân tộc thiểu số, trong đó cơ cấu nam nhiều hơn;

(4) Cá nhân tiêu biểu là chức sắc tôn giáo: 51 người, chiếm 20.2%, đa số là nam giới, có đại diện đầy đủ các tôn giáo chính thức được công nhận ở Việt Nam. Trong đó các tôn giáo có số lượng chức sắc và tín đồ đông hơn thì có nhiều đại diện tham gia như: Phật giáo, Công giáo, Cao đài...;

(5) Cá nhân tiêu biểu trong các thành phần kinh tế: 43 vị, chiếm 17%, có đại diện của các thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Trong đó, nam giới chiếm đại đa số (37 vị);

(6) Cá nhân tiêu biểu là người Việt Nam ở nước ngoài: 16 vị, chiếm số lượng ít nhất (6.3%), trong đó chủ yếu là nam giới (15 vị).

Các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX được phân bố ở 4 độ tuổi khá đồng đều nhau. Trong đó, từ 60 đến dưới 70 tuổi là nhiều nhất và từ 50 đến 60 tuổi là ít nhất; các vị có tuổi cao trên 70 tuổi còn khá nhiều.

Đây là những đặc điểm cần thiết để đổi mới cơ cấu cá nhân tiêu biểu nhiệm kỳ tới và phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Mặt trận.

Trình độ học vấn các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo các mức cụ thể, như: Các cá nhân tiêu biểu có trình độ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ là 63 người, chiếm 25.2%. Đây là lực lượng rất quan trọng để phát huy trong hoạt động của Mặt trận, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội hiện nay; Các cá nhân tiêu biểu có trình độ là thạc sỹ là 15 người, chiếm 5.9%; Các cá nhân tiêu biểu có trình độ là đại học, cao đẳng là 112 người, chiếm 44.3%; Các cá nhân tiêu biểu có trình độ từ trung cấp trở xuống là 62 người, chiếm 24.6%.

Như vậy, cá nhân tiêu biểu có cơ cấu đông nhất là nhóm có trình độ học vấn đại học và cao đẳng, tiếp theo là các cá nhân tiêu biểu có trình độ học vấn cao là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ. Số cá nhân tiêu biểu có trình độ từ trung cấp trở xuống còn nhiều (24.6%), trong đó nhiều người còn có trình độ phổ thông, chủ yếu là người dân tộc thiểu số và một số vị của tôn giáo. Vì vậy, khi giao nhiệm vụ cho các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chú ý đến đặc điểm trình độ này.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tặng hoa chúc mừng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 3.2023

Thực trạng thực hiện quyền và trách nhiệm của cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024)

Các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà các cá nhân tiêu biểu thường xuyên tham gia.

Các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà các cá nhân tiêu biểu thường xuyên tham gia nhất, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Có nhận được thông tin về hoạt động của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (60.5%); Tham gia thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến lĩnh vực công tác, hoạt động của mình (50%); Thảo luận, kiến nghị, chất vấn về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (36.8%);

Đề xuất các nội dung về chương trình công tác và chính sách cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (28.9%); Thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các hoạt động liên quan đến công tác Mặt trận khi được phân công (21.1%); Dự hội nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi cư trú (15.8%); Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình (13.2%).

Đánh giá sự đóng góp của các cá nhân tiêu biểu đối với hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kết quả số liệu khảo sát phản ánh một thực tế thời gian qua, các cá nhân tiêu biểu đã có đóng góp với hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ đóng góp vào các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là không nhiều (63.2 %). Mức đóng góp nhiều chỉ chiếm 26.3%; trong đó vẫn còn 10.5% trả lời là không có đóng góp gì hoặc khó trả lời.

Đánh giá cụ thể về việc thực hiện của các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được các cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt là: Tham gia các hoạt động khi được mời và góp ý các văn bản khi được yêu cầu; Thực hiện Điều lệ, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được thực hiện tốt là: Phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, động viên, đoàn kết Nhân dân ở nơi cư trú và trong lĩnh vực hoạt động, công tác để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động; Tập hợp và phản ánh tình hình về lĩnh vực mình đại diện, hoạt động với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm của thành viên với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định.

Qua khảo sát, các cá nhân tiêu biểu và nghiên cứu qua tài liệu, báo cáo và quan sát thực tế ở các hoạt động của Mặt trận thời gian qua cho thấy, vai trò của nhiều cá nhân tiêu biểu chưa được thể hiện rõ nét trong các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua quan sát tại các kỳ họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số người tham gia ý kiến tại hội nghị không nhiều (khoảng 15-20 ý kiến phát biểu, trong đó thường chỉ tập trung vào một số đại biểu, còn hầu hết các đại biểu, nhất là các đại biểu ở địa phương ít tham gia ý kiến).

Đây vừa là hạn chế của các cá nhân tiêu biểu, vừa là hạn chế trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc tham gia thực hiện các nội dung hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn hạn chế.

Đổi mới cơ chế hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tạo điều kiện cho việc phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu trong hoạt động còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động công tác của các cá nhân tiêu biểu.

Các quy chế quy định về hoạt động, chế độ cung cấp thông tin, cơ chế đặt hàng các cá nhân tiêu biểu còn chưa kịp thời. Việc xây dựng và phát huy đóng góp của các cá nhân tiêu biểu trong các Hội đồng tư vấn còn hạn chế, chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên. Cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách là điều kiện để phát huy tốt vai trò của các thành viên, tuy nhiên hiện nay chưa xây dựng được cơ chế cụ thể để các cá nhân tiêu biểu hoạt động, đóng góp công sức trí tuệ ở nơi cư trú thế nào, nơi mình đại diện lĩnh vực công tác thế nào...

Khi xây dựng đội ngũ cá nhân tiêu biểu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm ba tiêu chí đối với Ủy viên Ủy ban là “Tiêu biểu, đại diện, thiết thực”. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng cần phải có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội đã được quy định tại các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới khi xây dựng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đề cao hơn nữa tiêu chí “thiết thực”, nhằm tập hợp được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và những người có trình độ chuyên môn cao tham gia tích cực vào các hoạt động của Mặt trận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 3.2023 

GIẢI PHÁP PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC CỦA CÁC CÁ NHÂN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Nhóm giải pháp đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Xác định rõ tiêu chí của cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Qua khảo sát cho thấy đa số người được hỏi (60.5%) cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất của mỗi cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: Bảo đảm tính đại diện cho giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc, tôn giáo; Bảo đảm tính tiêu biểu của giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc, tôn giáo; Bảo đảm tính thiết thực đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, tính “thiết thực” là yêu cầu cần và đủ để thực hiện vai trò, vị trí của các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian tới cần đề cao hơn nữa tiêu chí này.

Nâng cao vị trí, vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một là, coi trọng tính “tiêu biểu” và “thiết thực” khi cơ cấu cá nhân tiêu biểu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, cần tăng cường cơ cấu thành phần các cá nhân tiêu biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và những người có chuyên môn nghiệp vụ trong các lĩnh vực công tác liên quan đến công tác Mặt trận; chú ý tăng cường hơn nữa đối tượng cá nhân tiêu biểu có độ tuổi dưới 60.

Hai là, giao cho cá nhân tiêu biểu những nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, nơi cư trú; Giới thiệu các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ; Cho phép cá nhân tiêu biểu tiếp nhận ý kiến người dân, đơn thư, có cơ chế chuyển đơn thư cho cơ quan chức năng.

Ba là, có hình thức tôn vinh Ủy viên Ủy ban (khen thưởng, kỷ niệm chương, in sách, mở chuyên mục tôn vinh trên Báo Đại đoàn kết, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…).

Bốn là, cung cấp báo cáo hàng tháng hoặc quý cho các cá nhân tiêu biểu; Chú ý xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các cá nhân tiêu biểu; Sắp xếp, tạo điều kiện các cá nhân tiêu biểu tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương.

Đổi mới cơ chế hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một là, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân tiêu biểu. Đồng thời, quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban nói chung và các cá nhân tiêu biểu nói riêng trong việc tham gia các hoạt động của Mặt trận; tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận cơ sở để vừa hỗ trợ các hoạt động ở cơ sở, vừa tranh thủ lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận cơ sở và Nhân dân để phản ánh với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các cuộc họp, hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là:

+ Tăng thời gian họp để các đại biểu tham gia bàn bạc thấu đáo các nội dung của Hội nghị đặt ra, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới;

+ Chia tổ thảo luận theo từ nhóm đối tượng và từng chuyên đề nội dung cho phù hợp để tranh thủ được nhiều ý kiến của các cá nhân tiêu biểu; có thể đặt các bài tham luận để các đại biểu chuẩn bị trước và trình bày tại hội nghị thảo luận;

+ Ngoài ra có thể chuẩn bị các mẫu phiếu để xin ý kiến của các đại biểu góp ý, sau đó tổng hợp báo cáo tại hội nghị; mẫu phiếu cần thiết kế đơn giản, dễ trả lời, theo từng nhóm các nội dung của chương trình phối hợp và thống nhất hành động để phù hợp với đa dạng các thành phần cá nhân tiêu biểu hiện nay;

+ Có thể họp trực tuyến; họp theo nhóm đối tượng cụ thể; họp theo nhóm nội dung phù hợp với đối tượng dự họp.

Ba là, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể như: Họp trực tuyến, gửi, nhận thông tin qua mạng…; lập nhóm zalo; ứng dụng phần mềm trong việc tiếp nhận và tự động tổng hợp thông tin.

Bốn là, tăng cường tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học tập kinh nghiệm về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của cá nhân tiêu biểu giữa các nhóm cá nhân tiêu biểu ở Trung ương; giữa các cá nhân tiêu biểu ở Trung ương và địa phương.

Năm là, tăng cường cơ cấu cá nhân tiêu biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý (đã nghỉ hưu) vào Hội đồng tư vấn; đề nghị các cá nhân tiêu biểu mỗi năm giới thiệu từ 1-3 việc làm tiêu biểu (mỗi kỳ họp tập hợp in thành sách để giới thiệu cho hệ thống Mặt trận và đăng trên báo Đại đoàn kết…).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt các chính sách về cá nhân tiêu biểu.

Một là, có chế độ cung cấp thông tin kịp thời cho cá nhân tiêu biểu thông qua gửi các báo cáo sơ, tổng kết, các báo cáo chuyên đề của Mặt trận; các báo cáo của các bộ, ngành, Chính phủ liên quan đến công tác Mặt trận và các tầng lớp nhân dân; cung cấp thông tin thông qua việc cấp phát báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận cho các cá nhân tiêu biểu.

Hai là, thực hiện kịp thời các chế độ chính sách động viên các cá nhân tiêu biểu thông qua việc thanh toán đầy đủ, kịp thời sinh hoạt phí, tiền tàu, xe, tiền xây dựng báo cáo.

Ba là, thực hiện tốt công tác khen thưởng đối với cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thực hiện tốt chế độ thăm hỏi động viên cá nhân tiêu biểu (nhân ngày lễ, tết, ốm đau…).

Tăng cường công tác tập huấn, cung cấp thông tin cho cá nhân tiêu biểu.

Về nội dung: Sau mỗi kỳ Đại hội cần tập huấn, triển khai kỹ và cụ thể về Chương trình hành động do Đại hội đề ra. Trong đó, tập trung vào các giải pháp thực hiện; Tổ chức tập huấn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tập trung vào việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các nội dung liên quan đến công tác Mặt trận và liên quan đến đại đa số các tầng lớp nhân dân; Tập huấn chuyên đề theo các lĩnh vực công tác: Dân tộc, tôn giáo, kiều bào; công tác tuyên truyền vận động; công tác giám sát, phản biện xã hội; công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Về hình thức: Tổ chức tập huấn chung; tổ chức tập huấn theo các nhóm đối tượng cụ thể; tập huấn theo các chuyên đề; tổ chức tập huấn trực tiếp; tổ chức tập huấn trực tuyến qua internet; tổ chức tọa đàm; tham quan trao đổi trực tiếp…

Về tổ chức thực hiện: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham mưu giúp Ban Thường trực tổ chức thực hiện.

Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 diễn ra vào tháng 6.2023 

Các cá nhân tiêu biểu cần tăng cường thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, các cá nhân tiêu biểu gương mẫu trong công việc và rèn luyện đạo đức, lối sống tại địa phương nơi mình cư trú, công tác hoặc làm việc.

Hai là, tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay từ các hoạt động của Mặt trận ở địa phương, cơ sở; Tích cực tập hợp ý kiến, phản ánh kiến nghị của Nhân dân; Tích cực tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội; Tăng cường tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong ngành mình và địa phương nơi cư trú.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bốn là, hưởng ứng phát động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cá nhân tiêu biểu mỗi năm có từ 1 đến 3 đóng góp tiêu biểu cho Mặt trận, xã hội, cộng đồng.

Năm là, mỗi cá nhân tiêu biểu cần thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo hàng tháng hoặc quý hoặc đột xuất cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau.

Hoàn thiện chủ trương, chính sách để phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện cho các cá nhân tiêu biểu phát huy vai trò của mình. Trong đó có các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, hướng dẫn cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của các cá nhân tiêu biểu để tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Ba là, rà soát để đề xuất bổ sung chế độ, chính sách cho cá nhân tiêu biểu như: Điều chỉnh mức chi chế độ sinh hoạt phí, chi hoạt động của Hội đồng tư vấn, cộng tác viên, kinh phí cho các hoạt động giám sát, phản biện, tham quan, khảo sát thực tiễn.

Bốn là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có quy định cụ thể hơn hình thức biểu dương khen thưởng cho cá nhân tiêu biểu có thành tích trong hoạt động của mình; đồng thời quan tâm xem xét đề nghị Nhà nước có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên, khuyến khích các cá nhân tiêu biểu tích cực tham gia công tác Mặt trận.

Cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một nhân tố quan trọng trong hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nói chung và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng.

Phát huy vai trò, vị trí của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và trên các lĩnh vực xã hội trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là một trong những giải pháp rất quan trọng để thực hiện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Tạ Văn Sỹ - Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và

Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản