Tin mới

Cờ Đỏ (TP Cần Thơ): Chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Trong Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM), tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân. Các xã của huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, giúp bà con nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Cán bộ, đảng viên nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ

Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

 Ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể xã Ðông Hiệp thường xuyên phát quang bụi rậm, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, tạo cảnh quan môi trường.

Thực hiện mục tiêu bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn, MTTQ và đoàn thể huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ tích cực tuyên truyền, phát động người dân thực hiện nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường… Dọc tuyến đường tỉnh 922, đoạn thuộc xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, đại diện UBND xã cùng ban, ngành, đoàn thể, người dân địa phương thường xuyên phát quang bụi rậm, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm ở xã Ðông Hiệp, kể: “Tôi thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ tuyến đường trước nhà. Ngoài ra, tôi còn trồng và chăm sóc hoa, tạo cảnh quan để tuyến đường thêm đẹp”. Ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Hiệp, cho biết: “Chúng tôi cử lực lượng thường xuyên phát quang, làm cỏ, chặt mé nhánh cây che khuất tầm nhìn trên tỉnh lộ 922 và các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ðồng thời, dọn dẹp vệ sinh khu dân cư, khu vực chợ, quét dọn, thu gom rác ở các ấp. Lực lượng còn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường…”.

Người dân ở các xã, thị trấn của huyện Cờ Ðỏ sống chủ yếu bằng nghề nông. Rác thải nông nghiệp như chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, độc hại cho môi trường... Trước thực trạng trên, một số địa phương đã xây dựng mô hình “Thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật”, giúp nông dân thay đổi dần thói quen vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng, góp phần bảo vệ môi trường.

Ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ có 822 hộ, diện tích sản xuất nông nghiệp 299ha. Năm 2019, Hội Nông dân xã triển khai mô hình “Thu gom chai, vỏ nhựa và bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại ấp. Ông Nguyễn Chí Nghiệm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thạnh, cho biết: “Thực hiện mô hình, chúng tôi trang bị 15 thùng chứa rác làm bằng kẽm,  với tổng chi phí 9 triệu đồng, do các hội viên ấp đóng góp. Thùng rác này có nhiều tiện ích: không tồn ứ nước, không bốc mùi hôi, thối…”.

Mô hình “Hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, huyện Cờ Ðỏ cũng được triển khai từ năm 2019, thu hút 30 hộ tham gia. Mô hình có 7 hố bằng bê tông, quy cách xây dựng ngang 1m, cao 1m. Tổng số tiền xây dựng hố là 7 triệu đồng, do hội viên nông dân đóng góp. Bà Nguyễn Thị Hồng Xương ở xã Trung An, kể: “Trước đây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong, tôi vứt luôn vỏ bao ở ruộng. Từ khi có hố chứa vỏ chai, bao bì, tôi đều bỏ vào hố. Ðược Hội nông dân xã tuyên truyền, chúng tôi nhận thức được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều và bỏ bao bì thuốc bừa bãi là gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho mình và con cháu mình sau này”.

Theo ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường. Qua mô hình này, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Rác thải như vỏ chai, bao bì và các loại rác khác được các thành viên tham gia mô hình bỏ đúng nơi quy định.

Ông Trần Văn Quí, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: “Chúng tôi phối hợp ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường, như: thu gom và bỏ rác thải đúng nơi quy định, phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ để có thể tái sử dụng tùy theo loại. Ðối với các loại rác thải nhựa, rác thải rắn, rác thải y tế… có phương pháp quản lý theo đúng quy định. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao ý thức, chung sức cùng địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường”.

C.H

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản