Tin mới

Dấu ấn hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1924 - 1927

(Mặt trận) - Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 11-11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người đã hoạt động không ngừng, chuẩn bị mọi mặt về công tác tổ chức và đào tạo cán bộ, công tác lý luận, tuyên truyền, tạo cơ sở cho việc thành lập một đảng mác-xít ở Việt Nam. Cũng tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Có thể nói, giai đoạn hoạt động cách mạng của Người ở Quảng Châu những năm 1924 - 1927 không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản.

Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW: Nhiệm vụ của các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn

Trong tháng 12 phải trình đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1926 - 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc _Tranh: Tư liệu 

Quảng Châu -  “Căn cứ địa quốc tế” của cách mạng Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp tổ chức, lãnh đạo cách mạng. Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, mang theo khát vọng tìm con đường mới để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giúp đồng bào thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ. Từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã đến các nước Pháp, Mỹ, Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở các châu lục, hòa mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa để khảo sát con đường cứu nước, học tập lý luận và tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trong thời kỳ này, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đã đánh dấu bước ngoặt mới, đưa sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức đi theo con đường cách mạng vô sản; đến năm 1920, sau khi Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lê-nin được công bố, đã đánh dấu bước ngoặt căn bản trong phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, Luận cương “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(1), “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2). Cũng từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ánh sáng chân lý thời đại, tìm được con đường cách mạng Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách hoàn toàn và triệt để nhất.

Sau khi trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, năm 1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Thủ đô Moskva, Liên Xô. Những năm tháng hoạt động trên đất nước của Lê-nin là khoảng thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để đi đến nhận thức rằng, chỉ có thành lập một chính đảng mác-xít ở Việt Nam, tiến hành cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản mới có thể giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Thực hiện mong muốn của mình và được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 11-11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Thủ đô Moskva đến Quảng Châu, Trung Quốc với tên gọi Lý Thụy trên danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch trong Phái bộ của cố vấn Bôrôđin, bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn.

Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn đến Quảng Châu, Trung Quốc là một bước đi quan trọng và nằm trong kế hoạch trở về Tổ quốc của Người, đồng thời cũng xuất phát từ những điều kiện khách quan của tình hình lúc bấy giờ.

Trong bức thư để lại cho những người bạn cùng hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa trước khi Người lên tàu rời Pari (Pháp) qua Đức để tới nước Nga Xô-viết vào tối ngày 13-6-1923, Người nói rõ mục đích với những nội dung kế hoạch của mình: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(3). Trong thời gian ở Moskva, Người đã tiến hành nhiều hoạt động để chuẩn bị cho hành trình đến Trung Quốc. Người đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản về mục đích, nội dung của chuyến đi Trung Quốc, đồng thời đề nghị gặp và trao đổi với những nhà lãnh đạo trong Quốc tế Cộng sản nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với các hoạt động cách mạng ở thuộc địa. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho chuyến đi đến Trung Quốc và những hoạt động sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành tìm hiểu để nắm chắc tình hình cách mạng ở đây, nhất là trước tình hình có sự hợp tác đang tiến triển tốt giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng ở Trung Quốc. Vì thế, trong thời gian ở Moskva, Người đã có những liên hệ với cách mạng Trung Quốc nhằm nắm vững tình hình ở Trung Quốc, tranh thủ mọi liên hệ và giúp đỡ khi Người tới Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ của mình(4).

Những năm 1923 - 1927, Quảng Châu - thủ phủ của tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc) là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn ở miền Nam Trung Quốc. Nơi đây có nhiều khu công nghiệp lớn, bến cảng thông thương quốc tế, đồng thời cũng tập trung số lượng lớn công nhân với bề dày đấu tranh mạnh mẽ chống đế quốc, phong kiến và quân phiệt. Phong trào cách mạng Trung Quốc với Quảng Châu làm trung tâm đã thu được nhiều thắng lợi. Thời kỳ này, Quảng Châu được mệnh danh là “Moskva của phương Đông”, thu hút nhiều nhà cách mạng đến từ những quốc gia bị áp bức.  

Tháng 1-1924, tại Quảng Châu, Đại hội lần thứ I của Quốc dân Đảng được tổ chức và tuyên bố thực hiện chủ nghĩa Tam dân mới của Tôn Trung Sơn với ba chính sách lớn: liên Nga, liên Cộng và giúp đỡ công nông; tiếp nhận sự trợ giúp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, cải tổ Quốc dân Đảng với sự giúp đỡ của đoàn cố vấn do Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cử tới. Nội dung mới của chủ nghĩa Tam dân về cơ bản phù hợp với nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở các nước thuộc địa và phụ thuộc nên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú ý, vì thấy nó “thích hợp với điều kiện của nước ta hiện nay”(5).

Những người cộng sản Trung Quốc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quen biết, như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi,... lúc này cũng đã có mặt tại Quảng Châu, tạo ra cục diện quốc - cộng hợp tác, cùng thúc đẩy cách mạng Trung Quốc. Chính vì vậy, Người tin rằng, ở Quảng Châu lúc này nếu kết hợp tham gia hoạt động thực tiễn trong phong trào cách mạng Trung Quốc với thực hiện mục tiêu vận động cách mạng Việt Nam, nhất định sẽ có hiệu quả(6).

Mặt khác, Quảng Châu cũng là nơi trú chân của những nhà hoạt động yêu nước và cách mạng Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, hoặc xuất dương tìm đường cứu nước, hoặc thất bại phải lánh nạn ra nước ngoài. Ðầu những năm 20 của thế kỷ XX, một lớp thanh niên mới đầy nhiệt huyết đã cùng nhau tìm đến Quảng Châu. Lúc này Việt Nam Quang phục hội đang tan rã. Họ cảm thấy thất vọng trước khuynh hướng cách mạng bảo thủ, cũ kỹ của lớp tiền bối và muốn tìm một con đường đi mới. Vì vậy, năm 1922, họ đã lập ra nhóm Tâm Tâm xã, gồm những thanh niên đầy nhiệt huyết và chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào, song vì chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Ðông Dương Méc-lanh ngày 19-6-1924 tại Quảng Châu. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang ở Liên Xô dự Ðại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Người đã thấy “cánh én báo hiệu mùa xuân”, vì vậy, càng nóng lòng trở về Tổ quốc để dẫn dắt và chỉ đạo cách mạng Việt Nam (sau này, những thành viên ưu tú của Tâm Tâm xã đã trở thành hạt nhân của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu năm 1925).

Bên cạnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng, tìm đến Quảng Châu, một địa điểm gần với Việt Nam, sẽ có điều kiện tương đối thuận lợi cho việc triển khai những công việc cần thiết để sớm thực hiện mục tiêu về nước phát triển phong trào cách mạng(7).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 18-8-2024 _Ảnh: TTXVN 

Hoạt động không mệt mỏi để đặt cơ sở cho việc thành lập một chính đảng mác-xít ở Việt Nam

Chuẩn bị về tổ chức và đào tạo cán bộ

Với tầm nhìn chiến lược, với vị thế cán bộ của Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản, tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn một số thanh niên ưu tú yêu nước trong các tổ chức cách mạng, như Tâm Tâm xã, Việt Nam Quốc dân Đảng... và một số thanh niên yêu nước khác ở trong nước nhằm đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng để đưa về nước hoạt động trong phong trào công nhân, trong đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý tới các thành viên trong tổ chức Tâm Tâm xã. Tháng 6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lấy tổ chức “Cộng sản đoàn”(8) làm nòng cốt cho Hội, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Đại hội lần thứ I Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 5-1929) khẳng định: “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là đội tiền phong cách mạng của dân chúng Việt Nam hết sức tổ chức dân chúng lại cho thành một đội quân tranh đấu rất có lực lượng; hết sức hy sinh đi trước để lĩnh đạo dân chúng quyết liệt tranh đấu với tụi bóc lột, đè nén, để lấy lại quyền lợi, để đoạt thủ chính quyền”(9); “để phá tan cái xã hội bất bình hiện tại mà lập ra xã hội ai cũng phải làm, ai cũng đủ dùng, ai cũng tự do, bình đẳng, tức là xã hội cộng sản”(10).

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức có tính chất quá độ, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc đó, giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các tầng lớp dễ tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng tên hội mà chưa dùng tên đảng là do muốn đưa tổ chức cách mạng đó vào quần chúng một cách thuận lợi, để quần chúng dễ tiếp thu cả về tổ chức, tôn chỉ, mục đích của Hội, từ đó sẽ phát triển lên ở mức cao hơn, như Người giải thích: “Trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”(11). Được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, lấy tự phê bình và phê bình làm phương châm phát triển, trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tất cả các hội viên phải hoạt động trong quần chúng, tuyệt đối giữ bí mật hoạt động của Hội. Hội được tổ chức thành 5 cấp: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Thông qua những hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua phong trào “vô sản hóa”, luồng tư tưởng mới của thời đại đã xâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, làm thay đổi tính chất, chiều hướng của phong trào đấu tranh cách mạng, không chỉ thu hút đông đảo các lực lượng vào tổ chức cách mạng của mình, mà còn ảnh hưởng tích cực đến các tổ chức chính trị cùng thời khác.

Có được tổ chức cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đào tạo một đội ngũ cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng bằng việc mở các lớp huấn luyện chính trị. Để thực hiện mục đích này, từ đầu năm 1926 đến tháng 4-1927, được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, tại trụ sở số nhà 13 và 13B đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250) đối diện với Trường Đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng Cách mạng Quảng Châu), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, với tổng số 75 người. Lớp đầu tiên được khai mạc vào khoảng đầu năm 1926. Theo Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3-6-1926, Người cho biết: “Tổ chức một trường tuyên truyền. Các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập, họ trở về nước. Khóa thứ nhất được mười học viên, khóa thứ hai sẽ mở vào tháng bảy tới, sẽ có khoảng 30 người”. Từ giữa năm 1926 đến đầu năm 1927, Người mở thêm hai lớp nữa, mỗi lớp hơn 30 người. Trong Báo cáo gửi Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và An Nam, chúng tôi đã có thể: 1) Đưa 75 thanh niên An Nam đến học ở Trường Tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản 3 tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một ủy ban gồm 5 ủy viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó”(12).

Tại các lớp huấn luyện chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách lớp và là giảng viên chính. Thông qua lớp huấn luyện, học viên được trang bị những vấn đề sơ giản về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về những nguyên tắc hoạt động bí mật, về kỹ năng thực hành các công tác vận động quần chúng... Nội dung học tập mới mẻ và phong phú, đã lôi cuốn sự say mê của các học viên, nhưng sức hút mạnh mẽ nhất đối với họ lại chính là những bài giảng sinh động, hấp dẫn và thiết thực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau giờ học trên lớp, các học viên được đi tham quan thực tế các cơ sở cách mạng ở Quảng Châu, để học từ thực tiễn những kinh nghiệm quý giá, giúp ích cho bước đường hoạt động cách mạng của mình. Thông qua các tuyến đưa đón thanh niên ra dự lớp huấn luyện(13) (Băng Cốc - Quảng Châu; Móng Cái - Quảng Châu; Lạng Sơn - Nam Ninh - Quảng Châu; giao thông trên các tàu buôn), với ba khóa huấn luyện (từ đầu năm 1926 đến tháng 4-1927) đã có 75 người được đào tạo. Khi học xong, có người ở lại nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, xây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng.

Đặc biệt, từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cho cách mạng một đội ngũ cán bộ quân sự, bởi Người hiểu rằng, để lật đổ bộ máy thống trị thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân thì sớm hay muộn phải cần tới bạo lực vũ trang. Vì thế, ở một hướng khác, Người đã gửi nhiều thanh niên Việt Nam theo học Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn, dưới sự huấn luyện của các chuyên gia quân sự Xô-viết, trong số đó có một số thanh niên ưu tú, như Lê Thiết Hùng, Trương Vân Lĩnh, Phùng Chí Kiên… Những học viên sau khi tốt nghiệp trường này đã trở thành những cán bộ quân sự cốt cán của cách mạng, hăng say hoạt động trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập quân cách mạng và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu(14).

Có thể thấy, 75 học viên của buổi đầu mới nhen nhóm trong ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng tại Quảng Châu trong hai năm (1926 - 1927) là một con số đầy ý nghĩa. Đó là “75 hạt giống đỏ” được đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, đào tạo đã trưởng thành, cứng cáp, trở thành những cán bộ nòng cốt và từ những hạt giống này, tiếp tục nhân lên lớp lớp thanh niên cách mạng kế tiếp trên toàn đất nước Việt Nam. Như vậy, bằng sự nỗ lực vượt bậc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về gần Tổ quốc, “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết kết họ, huấn luyện họ”, để chuẩn bị đưa họ ra đấu tranh, giành độc lập, tự do(15).

Chuẩn bị về mặt lý luận, tuyên truyền

Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản sách và báo chí làm phương tiện tuyên truyền. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt (số đầu tiên ra ngày 21-6-1926(16)). Thông qua Báo Thanh niên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thống nhất về phương hướng và nội dung tuyên truyền, giáo dục ở trong và ngoài Hội. Báo Thanh niên ra hằng tuần bằng tiếng Việt. Từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927, báo ra được 88 số. Báo có các chuyên mục: xã hội, bình luận, tin tức, diễn đàn, vấn đáp, phê bình, trả lời bạn đọc,... Các bài đăng trên báo đều nhằm phục vụ đối tượng chủ yếu là công nhân và nhân dân lao động nước ta. Với nội dung dễ đọc, dễ hiểu, Báo Thanh niên đã kêu gọi tinh thần yêu nước, khơi dậy truyền thống và ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc, từ đó mong mọi người hãy xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy số lượng phát hành không nhiều (100 bản), nhưng với hình thức nhỏ, gọn, được truyền tay nhau đọc, ghi chép lại rồi cho người khác đọc, nhờ có hệ thống giao thông cách mạng hoạt động tốt, Báo Thanh niên đã đến được khắp đất nước, sang cả Lào và Campuchia. Mật thám Pháp điên cuồng lùng sục, bắt bớ những người cộng sản, hủy gần hết những tờ báo mà chúng bắt được, song Báo Thanh niên vẫn đến được với đông đảo quần chúng, đến được với những chiến sĩ cách mạng và những nội dung tư tưởng của báo đã đem đến cho những người dân Việt Nam yêu nước một đường lối cứu nước mới, một phương pháp cách mạng mới. Có thể thấy, sự ra đời, những đóng góp của Báo Thanh niên đối với phong trào cách mạng Việt Nam ở những năm 20 của thế kỷ XX đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta, Báo Thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam(17). Tiếp theo Báo Thanh niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các bạn chiến đấu của mình còn xuất bản ba tờ báo định kỳ khác là: Công nông (từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928), Lính cách mệnh (từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928) và Việt Nam tiền phong cho những đối tượng hẹp hơn.

Cùng với việc xuất bản báo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn biên soạn cuốn sách Đường cách mệnh, gồm những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản lần đầu tiên năm 1927 để làm tài liệu học tập và tuyên truyền. Đường cách mệnh được bí mật đưa về trong nước theo nhiều ngả đường khác nhau trong những năm 1927 - 1930. Trong bối cảnh Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng về đường lối cách mạng, phương pháp và tổ chức cách mạng, cùng với chính sách đàn áp hà khắc của thực dân Pháp, dư luận bị bưng bít thông tin, nhân dân bị đầu độc bởi văn hoá thực dân, thì cuốn sách Đường cách mệnh đã góp phần trang bị cho nhân dân hệ tư tưởng mới của thời đại và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Có thể thẳng định, cuốn sách Đường cách mệnh ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, là nền tảng cho đường lối của cách mạng Việt Nam sau đó(18).

Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Trong thời kỳ ở Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn tham gia những hoạt động giúp đỡ phong trào cách mạng Trung Quốc, phong trào cách mạng của các nước trong khu vực. Cùng với các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện, Người đã tích cực vận động thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quốc tế, đó là Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức(ngày 9-7-1925) nhằm đoàn kết các dân tộc nhỏ yếu, bị áp bức, liên lạc với các dân tộc cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc.

Nhìn nhận về cách mạng Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn xuất phát từ những nét tương đồng trong lịch sử văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa cách mạng Trung Quốc với cách mạng vô sản thế giới. Người đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Trung Quốc. Từ khi còn hoạt động ở Pháp và Nga, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài về Trung Quốc đăng trên các báo, như: Chủ nghĩa cộng sản và thanh niên Trung Quốc, đăng trên Báo L’Humanitté (Nhân đạo) ngày 19-8-1922; Tình hình ở Trung Quốc đăng trên Báo L’Humanitténgày 4-12-1923; Tình cảnh nông dân Trung Quốc đăng trên Báo La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân) ngày 1-4-1924,... Đầu năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với một nhóm sinh viên Trung Quốc học tại Trường Đại học Phương Đông biên soạn cuốn sách “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc”(19).

Tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ bày tỏ thiện cảm, sự quan tâm và ủng hộ đối với phong trào cách mạng đang sục sôi, mà còn tham gia trực tiếp như một chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã tham gia Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đầu tháng 5-1925, Người tham dự Hội nghị lần thứ hai đại biểu công nhân Trung Quốc. Ngày 19-6-1925, cuộc tổng bãi công của công nhân Hương Cảng, Quảng Châu bùng nổ nhằm ủng hộ “Phong trào 30 tháng 5”(20). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị được tham gia đội diễn thuyết với danh nghĩa là hội viên Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức và được ghi tên với bí danh Lý Thụy. Trước đó, Người được Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân của Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và một số nước khác; tháng 7-1925, Người đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông nhằm đoàn kết các dân tộc bị áp bức ở châu Á trong một mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc. Người đã đặt cơ sở cho việc xây dựng tình đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước.

Tại Quảng Châu, theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở Trung Quốc và Đông Nam Á, tìm hiểu thực tiễn cách mạng Trung Quốc, tình hình các nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, các dân tộc bị áp bức..., lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giúp Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông; phân tích, đánh giá để báo cáo với Quốc tế Cộng sản, hoặc viết bài đăng trên Tạp chí Thông tin quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Điều đó góp phần làm gia tăng ảnh hưởng, tăng cường mối liên hệ giữa Quốc tế Cộng sản và phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới.

***

Trở về giúp đồng bào mình là trăn trở, mong muốn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đã chọn được con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Gây dựng phong trào cách mạng Việt Nam từ Quảng Châu, Trung Quốc là một sự lựa chọn đúng đắn của Người nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Có thể nói, những năm tháng hoạt động cách mạng ở Quảng Châu đã giúp Người thực hiện được những công việc hết sức trọng đại, cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam cũng như sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới./.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.11, tr.173
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.12, tr.30
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.209
(4) Xem Nguyễn Văn Công: “Hành trình của Nguyễn Ái Quốc từ Pari đến Quảng Châu”, Trang Thông tin điện tử Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 27-5-2015, https://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/hanh-trinh-cua-nguyen-ai-quoc-tu-pari-den-quang-chau-2344#:~:text=Ng%C3%A0y%203%2D10%2D1921%2C,hi%E1%BB%87n%20nhi%E1%BB%87m%20v%E1%BB%A5%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh.
(5) Xem: GS Song Thành (Chủ biên): Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924 - 1927), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 50
(6) Xem: Đỗ Đức Huỳnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Châu, Trung Quốc”, Trang Thông tin điện tử Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 23-5-2000, https://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-quang-chau-trung-quoc-2832
(7) Xem: Đỗ Đức Huỳnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Châu, Trung Quốc”, Trang Thông tin điện tử Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Tlđd
(8) Gồm 5 người đầu tiên là: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt và Lâm Đức Thụ
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.98
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.107
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.41
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.261
(13) Xem: GS Song Thành (Chủ biên): Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (1924 - 1927), Sđd, tr. 59 - 60
(14) Tài liệu của Viện Bảo tàng lịch sử Quảng Châu ghi: “Ngày 11-12-1927, có mặt mấy chục người Việt Nam tham gia, như Hồ Tùng Mậu, Lê Quốc Vọng, Phùng Chí Kiên, Vũ Hồng Thủy, Vũ Hồng Anh đã lãnh đạo công nhân đào chiến hào, dựng chiến lũy trên đường phố”
(15) Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.47
(16) Từ đây, ngày 21-6 hằng năm được chọn là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
(17) Xem: Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.46
(18) Cuốn sách Đường Cách mệnh được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426-QĐ/TTg, ngày 1-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ
(19) Xem: Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Sđd, tr.48
(20) Một phong trào đấu tranh của công nhân, sinh viên và trí thức tiến bộ của Trung Quốc thời kỳ này

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản