Tin mới

Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tố cáo sai sự thật của một số cán bộ, đảng viên hiện nay

(Mặt trận) - Tố cáo sai sự thật gây ra những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị tố cáo, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự và gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Bởi vậy, việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên cần được nhận diện, nghiên cứu một cách cẩn trọng, thấu đáo, để tìm ra giải pháp xử lý thực sự hiệu quả, đồng bộ và khả thi.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025)_Ảnh: TTXVN 

Một số vấn đề chủ yếu về tố cáo sai sự thật

Luật Tố cáo năm 2018 giải thích: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”(1).

Hiến pháp năm 2013, quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”(2).

Như vậy, tố cáo là quyền của công dân do Hiến pháp, pháp luật quy định. Cán bộ, đảng viên cũng là công dân và họ cũng có quyền tố cáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Từ những điều nêu trên, có thể hiểu: Tố cáo là quyền của công dân Việt Nam do Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định; đó là việc người dân theo quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; để cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành giải quyết, nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Nội dung tố cáo: Một là, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; hoặc của người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người không còn là cán bộ, công chức, viên chức, nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Hai là, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Hình thức tố cáo: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Luật Tố cáo giải thích: Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Do vậy, có thể hiểu: Giải quyết tố cáo là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền làm cho các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị ngăn chặn, loại trừ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Luật Tố cáo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo, bao gồm cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Cùng với quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, người cán bộ còn phải chấp hành nghiêm quy định về tố cáo trong Luật Cán bộ, công chức. Luật này quy định cán bộ không được làm những việc khác với quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, cán bộ phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh những điều nghiêm cấm về tố cáo, theo Luật Tố cáo và Luật Cán bộ, công chức,

Đảng viên có quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, gương mẫu chấp hành những điều nghiêm cấm trong tố cáo theo Luật Tố cáo nêu trên; đồng thời, còn phải chấp hành những quy định của Đảng về tố cáo. Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” chỉ rõ: “Những người lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”(3); “Không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, giấu tên,... đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên”(4); “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp giải quyết tố cáo phải xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp... lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo mang tính bịa đặt, đả kích, gây dư luận xấu đối với người khác”(5).

Điều 6, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Quy định về những điều đảng viên không được làm”, chỉ rõ những hành vi cụ thể, không được làm là: “Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Gửi hoặc phát tán đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến nơi không có thẩm quyền giải quyết...; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo”(6).

Tố cáo đúng đắn, nghiêm túc và việc giải quyết tố cáo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả sẽ có tác dụng to lớn về nhiều mặt: Góp phần thực hiện nghiêm pháp luật, trước hết là Luật Tố cáo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xử lý kịp thời cá nhân, tập thể sai phạm, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, góp phần giữ nghiêm kỷ luật đảng, kỷ cương phép nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của địa phương và đất nước; thông qua giải quyết tố cáo, Đảng và Nhà nước tiến hành xem xét lại tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật với thực tiễn, để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hơn và ban hành những văn bản mới để ngăn chặn, hạn chế việc tố cáo sai sự thật, giải quyết kịp thời, hiệu quả tố cáo.

Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Sự thật là cái có thật, có xảy ra”(7), “Sai sự thật” được hiểu là cái không có thật, không xảy ra. Như vậy, có thể hiểu: Tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên được hiểu là việc cán bộ, đảng viên bịa ra sự việc, hành vi không có thật, không xảy ra của cá nhân, tổ chức và báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về sự việc, hành vi đó nhằm mục đích đả kích, chia rẽ, bè phái, gây dư luận xấu, gây rối nội bộ.

Tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên - những dấu hiệu chính và hậu quả

Một số dấu hiệu về tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên

Một là, tố cáo sai sự thật thường xuất hiện cùng với sự xuất hiện của những tố cáo của công dân và tập trung nhiều hơn vào thời điểm chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; đại hội đảng bộ các cấp, bầu cấp ủy khóa mới; quy hoạch, luân chuyển cán bộ; bổ nhiệm cán bộ; cử cán bộ đi học...

Số lượng tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên gia tăng, nhiều khi tăng nhanh trong những thời điểm diễn ra những hoạt động nêu trên, nhất là khi thực hiện quy trình nhân sự lãnh đạo, quản lý. Ở một số nơi, khi cấp ủy có thẩm quyền cử cán bộ đi học, nhất là học chương trình cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì tố cáo sai sự thật cũng xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với việc làm cho cán bộ bị tố cáo đó sẽ không được đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cấp ủy cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Hai là, đối tượng của tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Thực tế cho thấy, tố cáo sai sự thật thường tập trung vào những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; có ít và rất ít tố cáo sai sự thật đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân là do việc tố cáo sai sự thật đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị thường không dễ được nhiều người, nhất là cán bộ, đảng viên chấp nhận và tin theo; đồng thời, việc xử lý khi có thông tin tố cáo (dù sau này được xác định là bịa đặt) với cá nhân sẽ đem lại kết quả nhanh chóng và trực tiếp hơn (dừng quy hoạch, bổ nhiệm...), đúng với ý đồ, “mục tiêu” của những đơn, thư loại này.

Ba là, những tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên thường chỉ do một cán bộ (cán bộ này là đảng viên), đảng viên ký tên vào đơn thư tố cáo.

Việc này chủ yếu để đối phó với quy định của Đảng là cấm từ hai đảng viên trở lên cùng ký tên vào đơn tố cáo, và không giải quyết đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên vào đơn tố cáo. Song, trên thực tế, vẫn có một số đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên vào đơn (những người này không là đảng viên); họ tố cáo do bị kích động, xúi giục, mua chuộc, thậm chí bị cưỡng ép từ phía cán bộ, đảng viên. Về thực chất, đây cũng có thể coi là tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên thường do một số cán bộ đã được miễn nhiệm chức vụ, hoặc do cán bộ, đảng viên nghỉ hưu tiến hành.

Thực tế cho thấy, cán bộ, đảng viên đương chức hầu như không tố cáo sai sự thật đối với cán bộ, tổ chức đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Bởi vì, họ nhận thức rõ rằng, khi còn đang làm việc trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nếu tiến hành tố cáo sai sự thật, qua kết quả xác minh, giải quyết tố cáo, chắc chắn họ sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo kỷ luật đảng và pháp luật. Khi nghỉ hưu, một số người mới tiến hành tố cáo sai sự thật đối với cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng đang thực hiện nhiệm vụ được giao; một số tố cáo loại này, đối với cán bộ nghỉ hưu, là về sự việc diễn ra trong thời gian họ còn đương chức. Song, họ thường dùng chiêu bài là tiến hành tố cáo để “góp phần chống tiêu cực, suy thoái”; đến khi kết quả giải quyết tố cáo kết luận đó là tố cáo sai sự thật, họ mới nhận sai phạm và phải chịu kỷ luật đảng, xử lý theo quy định của pháp luật.       

Hậu quả của việc cán bộ, đảng viên tố cáo sai sự thật

Thứ nhất, gây phức tạp, rối ren, thậm chí mất đoàn kết trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên ở những mức độ khác nhau đều gây nên những phức tạp, sự rối ren trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Nguy hại hơn, nếu cán bộ, đảng viên tố cáo sai sự thật là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thì sẽ gây mất đoàn kết nội bộ nặng nề, gây hậu quả lớn đến mọi hoạt động, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức này, ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Nếu tố cáo đó không được giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm minh, cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó kém vững vàng, không kiên quyết, hạn chế về năng lực trong giải quyết và xử lý, thì tình trạng rối ren, mất đoàn kết sẽ ngày càng nghiêm trọng, kéo dài, gây nên những hậu quả khó lường.

Thứ hai, gây ra sự lãng phí thời gian, công sức, tài sản của cá nhân, cơ quan liên quan.

Ở các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên tố cáo sai sự thật, cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị thường phải dành thời gian chuẩn bị thông tin cần thiết để cung cấp cho cán bộ, tổ giải quyết tố cáo và phải họp nhiều lần, kể cả họp bất thường, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức. Trong khá nhiều trường hợp, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cũng phải họp nhiều lần và không khí khá căng thẳng, làm lãng phí thời gian, gây nên những phức tạp trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập trung lãnh đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tác động tiêu cực đến hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, khiến kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

Cán bộ, tổ giải quyết tố cáo phải tiến hành những công việc cần thiết để giải quyết việc tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên; thậm chí, có những tố cáo phức tạp, kéo dài, cán bộ, tổ giải quyết tố cáo phải thực hiện nhiều công việc và tiến hành nhiều lần để giải quyết dứt điểm. Điều này gây lãng phí lớn về thời gian, công sức, trí tuệ của cán bộ giải quyết tố cáo, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và tiến độ của việc giải quyết các tố cáo đúng đắn khác.

Thứ ba, gây hậu quả cho người, cơ quan, tổ chức bị tố cáo và công tác tổ chức, cán bộ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị bị cán bộ, đảng viên tố cáo sai sự thật là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả, thậm chí là rất nghiêm trọng. Họ phải chuẩn bị những nội dung cần thiết để giải trình và trực tiếp giải trình với cán bộ, tổ giải quyết tố cáo, gây lãng phí thời gian, công sức, ảnh hưởng đến chất lượng việc lãnh đạo, điều hành, tổ chức mọi hoạt động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Nguy hiểm hơn là, những tố cáo đó nhằm mục đích vu khống, hạ bệ, làm mất uy tín của cán bộ và khi lan truyền trong xã hội, mặc dù đã được cơ quan chức năng xác minh, kết luận là không đúng, nhưng nó cũng làm cho người bị tố cáo phải chịu sức ép rất lớn về tâm lý trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, kể cả trong quan hệ gia đình, đồng chí, bạn bè.

Người bị tố cáo sai sự thật chịu thiệt thòi lớn trong công tác cán bộ, nhất là khi quy hoạch, luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu bầu cử vào cấp ủy trong các đại hội tổ chức đảng nhiệm kỳ tiếp theo. Bởi vì, về nguyên tắc, những người đang có đơn tố cáo sẽ bị tạm dừng việc đề bạt, bổ nhiệm vào chức vụ đã định; không được giới thiệu bầu vào cấp ủy trong đại hội tổ chức đảng nhiệm kỳ tiếp theo. Đặc biệt, tố cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể khi các thông tin bịa đặt, sai sự thật được phát tán trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội.

Thứ tư, gây phức tạp trong xã hội và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở địa phương đều gây phức tạp trong xã hội, bất ổn về an ninh, trật tự, kìm hãm sự phát triển mọi mặt của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mức độ nghiêm trọng và phức tạp trong xã hội và với an ninh, trật tự sẽ lớn hơn, khi tố cáo sai sự thật nhằm vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị ở các cấp.

Vì vậy, có thể khẳng định, tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên là hành vi gây rối, nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ và cần được kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, thỏa đáng.

Nguyên nhân của tình trạng tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên và giải pháp chủ yếu để ngăn chặn, đẩy lùi

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có khá nhiều chủ trương, quyết định, quy định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, từng bước hạn chế, loại trừ tình trạng tố cáo sai sự thật của người dân và của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và xử lý nghiêm minh những người tố cáo sai sự thật, nhất là cán bộ, đảng viên; song, tình trạng này vẫn tồn tại ở nhiều nơi; vẫn còn trên 50% tố cáo loại này. Đơn cử, qua kết quả thực hiện chỉ thị, quy định của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2022 của tỉnh Nghệ An, cho thấy tố cáo sai chiếm tỷ lệ 59,2%(8), trong đó có một số tố cáo của cán bộ, đảng viên. Ở khá nhiều nơi, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng.

Tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên thường do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về vai trò, tác dụng của việc tố cáo, nhất là tố cáo trong Đảng; về những điều nghiêm cấm trong Luật Tố cáo và những quy định của Đảng về những vấn đề, hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc tố cáo.

Thứ hai, bản lĩnh chính trị của một số cán bộ, đảng viên không vững vàng, còn nhẹ dạ, cả tin vào những lời bịa đặt của một số người khác, trong đó có một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất chưa bị phát hiện và xử lý; do đó, đã tiến hành tố cáo không đúng sự thật đối với cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, một số cán bộ, đảng viên có mục đích, động cơ không trong sáng, không muốn người khác hơn mình, kèn cựa địa vị, tranh giành quyền lực... nên đã trực tiếp hoặc xúi giục, dụ dỗ, thậm chí khống chế người khác tiến hành tố cáo sai sự thật.

Thứ tư, trình độ, năng lực, kinh nghiệm giải quyết tố cáo và nhận diện tố cáo sai sự thật của nhiều cơ quan, cán bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo của công dân và giải quyết tố cáo trong Đảng còn hạn chế; có lúc, có nơi chưa thật sự coi trọng thỏa đáng việc xử lý người, cán bộ, đảng viên có hành vi tố cáo sai sự thật; chưa xử lý nghiêm, kịp thời theo kỷ luật đảng và pháp luật nên chưa đủ sức răn đe.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc cho cán bộ, đảng viên với những quy định về tố cáo trong Đảng, nhất là Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Luật Tố cáo, Luật Cán bộ, công chức; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, và từ đó, nêu cao tinh thần gương mẫu trong thực hiện các quy định này.

Hai là, tiếp tụchoàn thiện các văn bản của Nhà nước về tố cáo và các quy định của Đảng về tố cáo, giải quyết tố cáo trong Đảng.

Cần quan tâm hơn đến việc cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện những nội dung về tố cáo, giải quyết tố cáo trong các văn bản nêu trên, nhất là những điều nghiêm cấm khi tiến hành tố cáo; bổ sung quy định về xử lý hành vi tố cáo sai sự thật, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế và đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên tố cáo sai sự thật.

Cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trực thuộc, ủy ban kiểm tra cùng cấp và cấp dưới về tố cáo, giải quyết tố cáo; đồng thời, chú trọng việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy về tố cáo, giải quyết tố cáo. Ủy ban kiểm tra các cấp coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra về tố cáo và giải quyết tố cáo của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và việc tố cáo của đảng viên. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm những quy định về tố cáo, nhất là vi phạm những điều nghiêm cấm về tố cáo; tăng cường giám sát về vấn đề này để phòng ngừa, ngăn chặn việc tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới manh nha; qua đó, thiết thực góp phần hạn chế, loại trừ tố cáo loại này.

Bốn là, nâng cao chất lượng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo của Nhà nước và của Đảng; nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ các cơ quan này, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nâng cao chất lượng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo của Nhà nước và của Đảng theo các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; coi trọng xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc và chọn, bố trí đúng người đứng đầu. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan này, đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết đúng đắn, nghiêm minh, hiệu quả, kịp thời đơn tố cáo, nhất là tố cáo của cán bộ, đảng viên; kết luận chính xác, kịp thời tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên; xử lý theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, thỏa đáng theo pháp luật và kỷ luật đảng. Coi trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm nhận diện, phát hiện những tố cáo của cán bộ, đảng viên có khả năng là tố cáo sai sự thật; giải quyết kịp thời, hiệu quả, chính xác các tố cáo, nhất là tố cáo của cán bộ, đảng viên.

Năm là, cấp ủy tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, chú trọng việc quản lý của chi ủy, chi bộ; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tố cáo sai sự thật của cán bộ, đảng viên.

Chi ủy, chi bộ cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ cấp trên, về thực hiện Điều lệ Đảng, những quy định của Đảng, Nhà nước về tố cáo; chủ động phát hiện sớm và ngăn chặn từ xa đảng viên có ý định tố cáo sai sự thật.  

Cấp ủy các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nắm rõ những vấn đề chủ yếu về tố cáo, về giải quyết tố cáo trong Đảng; về giám sát hoạt động tố cáo của cán bộ, đảng viên, phát hiện và báo cáo cấp ủy về những đảng viên có khả năng tiến hành tố cáo sai sự thật để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả; coi trọng việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội(9)./.

---------------------------

(1) Luật Tố cáo (Luật số: 25/2018/QH14), Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Namhttps://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-quy-pham-phap-luat/luat-to-cao-so-252018qh14-ngay-1262018-hieu-luc-thi-hanh-tu-ngay-01012019-4475
(2) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 19
(3), (4), (5) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 214 - 215, 215, 216
(6) Quy định về những điều đảng viên không được làm, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 7 - 8
(7), Nguyễn Như Ý (Chủ biên): Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 1.472
(8) Xem: Cao Nguyên Hùng: “Nghệ An: Kết quả thực hiện chỉ thị, quy định của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2022”, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 15-3-2023, https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/nghe-an--ket-qua-thuc-hien-chi-thi--quy-dinh-cua-dang-doi-voi-cong-tac-tiep-cong-dan-va-giai-quyet-khieu-nai--to-cao-cua-cong-dan-trong-nam-2022/405132-738680-883829
(9) Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018, của Ban Bí thư, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản