Tin mới

Để báo, tạp chí của Đảng là ngọn cờ tư tưởng, là cầu nối tin cậy giữa Đảng với nhân dân

(Mặt trận) - Bài viết “Cần phải xem báo Đảng” ngắn gọn nhưng súc tích, khái quát cao như phong cách viết vốn có của Bác. Đến nay, sau 68 năm bài báo ra đời, câu chuyện Bác nêu vẫn còn tính thời sự và có giá trị gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về 2 vấn đề: một là, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của báo Đảng; hai là, về “bệnh lười” đọc báo Đảng của cán bộ, đảng viên.

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP: Từ 1/1/2025, chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Internet 

“MỘT KHUYẾT ĐIỂM TO” CẦN PHẢI “SỬA CHỮA NGAY”

Ngày 22/6/1954, Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên Báo Nhân dân số 179. Ngay phần mở đầu Bác đã chỉ ra: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất… Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết, cần làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.”. Bác cho rằng, “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc…”(1)

Bác phê bình: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa  ngay”(2). Bác cũng “mách” cho cách để chữa bệnh lười: "...Vô luận công việc bận thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời gian xem báo”. Vậy những ai cần “chăm” xem báo Đảng nhất? Bác cũng nêu: “Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng(3).

Bài viết “Cần phải xem báo Đảng” ngắn gọn nhưng súc tích, khái quát cao như phong cách viết vốn có của Bác. Đến nay, sau 68 năm bài báo ra đời, câu chuyện Bác nêu vẫn còn tính thời sự và có giá trị gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về 2 vấn đề: một là, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của báo Đảng; hai là, về “bệnh lười” đọc báo Đảng của cán bộ, đảng viên. Từ đó, suy nghĩ về mối quan hệ giữa cơ quan báo Đảng với bạn đọc, công chúng của mình. Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo Đảng là những báo nào, như thế nào thì gọi là báo Đảng và báo Đảng thời công nghệ 4.0 hôm nay khác gì và cần những điều kiện gì so với báo Đảng khi Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng”?

Nếu mỗi chủ thể không nhìn nhận đúng việc cần làm, phải làm, sẽ có thể dẫn đến làm suy yếu tiếng nói của Đảng, ngọn cờ tư tưởng của Đảng, diễn đàn của nhân dân cũng là làm suy yếu đi một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng ta.

NGỌN CỜ TƯ TƯỞNG, TIÊN PHONG, CHỦ LỰC, NÒNG CỐT, TIN CẬY

Nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời đến nay là 97 năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ Thanh Niên ngày 21/6/1925. Kể từ đó, báo chí nước nhà là lực lượng tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể việc thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực sự phụng sự Đảng, Tổ quốc và dân tộc. Tính Đảng là một thuộc tính căn bản, tiên quyết của nền báo chí cách mạng và của bất cứ tờ báo nào. Trong một phạm vi hẹp, có tờ báo, tạp chí được quen gọi là “báo Đảng” bởi tính chất đặc thù về cơ quan chủ quản, nhiệm vụ tiên phong trong tuyên truyền, là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. 

Những tờ báo Đảng, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng đã định vị và khẳng định bề dày “thương hiệu” qua quá trình lịch sử cách mạng như báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản,… Báo Nhân dân ra đời 11/3/1951, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo Thanh Niên, Tranh Đấu, Cờ Giải Phóng, Sự Thật là “ngọn cờ trên mặt trận báo chí của Đảng, là tờ báo được quần chúng rất tin cậy”(4). Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kế tục vai trò huấn luyện công tác và lý luận của những tạp chí buổi đầu cách mạng như Tạp chí Đỏ (1930), Tạp chí Cộng sản (1931, 1934, 1943, 1954), Tạp chí Bôn-sơ-vích (1934)… Từ buổi đầu lịch sử cách mạng, các tờ báo Đảng này và những tờ báo của các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và xây dựng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động; tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ  nghĩa dân tộc tư sản. Từ đó, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên những cao trào mới mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng XHCN ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng hành cùng dân tộc trong giai đoạn phát triển và đổi mới.

Bên cạnh đó, hệ thống các báo Đảng, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, lực lượng vũ trang, báo, tạp chí của các ban Đảng Trung ương và tạp chí lý luận của hệ thống các trường Đảng,... Mỗi tờ báo, tạp chí đều có bề dầy lịch sử, đều phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng về tư tưởng, hành động của xã hội trong triển khai các nghị quyết của Đảng; đáp ứng nhu cầu hiểu rõ quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đi đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch…

Sau 97 năm ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đổi thay trên nhiều phương diện, phát triển nhanh chóng về số lượng, số đầu báo, tạp chí; xuất hiện thêm nhiều loại hình báo chí điện tử, báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, tích hợp, hội tụ… Nhiều cải tiến về nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, phương thức thông tin, nền tảng công nghệ, kéo theo đó là sự thay đổi về phương thức tiếp nhận thông tin, thói quen và nhu cầu tiếp cận. Trong bối cảnh đó, các báo, tạp chí Đảng với tư cách là cơ quan ngôn luận, cơ quan lý luận chính trị của các cấp ủy Đảng cũng đã thường xuyên đổi mới, cải tiến. Bài toán đổi mới đặt ra cho báo và tạp chí Đảng hiện nay là phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa tính đảng, tính định hướng, tính chiến đấu, tính khoa học, tính chuyên ngành, tính dự báo, tính nhân dân, tính chính thống, chính xác, chuẩn mực với tính hấp dẫn, tính thuyết phục, hiện đại và chuyên nghiệp…

NHẬN DIỆN MỘT SỐ BIỂU HIỆN CHƯA ĐÚNG

Thứ nhất, là tư duy “xem nhẹ” việc mua và đọc báo, tạp chí lý luận chính trị ở một bộ phận cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Có những cấp ủy không sử dụng kinh phí được quy định để mua báo, tạp chí Đảng mà dùng vào việc việc khác, hoặc có mua nhưng không đọc, nghiên cứu. Đương nhiên, báo, tạp chí chính trị không phải là loại hình báo giải trí, nên khó hấp dẫn, thu hút người đọc. Nhưng đối với cán bộ, đảng viên, độ hấp dẫn của báo, tạp chí Đảng trước tiên đến từ sự cần thiết, tính định hướng, tính chính thống. Có đọc, có nghiền ngẫm thì mới trang bị được “phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức, phương pháp tư tưởng, có phương pháp đúng thì sẽ có nhận thức đúng, đánh giá đúng vấn đề và giải quyết đúng vấn đề”(5). Đúng như Bác đã chỉ ra, các đồng chí “mượn cớ”, hoặc cớ này, cớ khác, thực chất là “che giấu bệnh lười”. Nguy hiểm hơn, với nhận thức và ứng xử “xem nhẹ” đó có thể vô hình trung làm đánh mất vai trò, suy yếu sức mạnh tiếng nói của Đảng, triệt tiêu một công cụ quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, một số tờ báo, tạp chí trong tư duy đổi mới, chưa đồng bộ giữa đổi mới công nghệ và đổi mới đội ngũ, nâng cao chất lượng thông tin. Đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp công nghệ phải bắt đầu từ con người, từ đổi mới tư duy và năng lực tiếp nhận cái mới, làm chủ công nghệ, tổ chức thông tin “đúng” và “trúng” với yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của bạn đọc.

Thứ ba, trong sự hào hứng với sự phát triển của công nghệ, đón bắt xu hướng, chuyển đổi số, xuất hiện khuynh hướng chạy theo sự phát triển của các loại hình báo chí mới mà chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và những thế mạnh đặc thù của các loại hình báo chí truyền thống như báo, tạp chí in, mà các kênh thông tin khác, nhất là báo mạng không thể thay thế được(6).

Thứ tư, trong triển khai quy hoạch báo chí một số nơi có biểu hiện lắp ghép cơ học, chưa tính toán kỹ giải pháp để thực hiện mục tiêu quy hoạch là để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ NÒNG CỐT, CHỦ LỰC TRONG XÂY DỰNG ĐẢNG

Trước những yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức càng quan tâm đến củng cố và phát triển báo, tạp chí Đảng, người viết xin góp bàn một số vấn đề sau:

Một là, nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của báo, tạp chí Đảng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, ngọn cờ đầu trong công tác tư tưởng, lý luận, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các cấp ủy Đảng là cơ quan chủ quản phải luôn quan tâm, theo dõi sát sao, tạo điều kiện, nguồn lực về mọi mặt để tờ báo phát triển xứng tầm, có vị thế xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ.

Hai là, các cơ quan báo chí phải thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo, đổi mới nội dung, hình thức, có chiến lược phát triển theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại; xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng nắm bắt và hành nghề trong hệ sinh thái công nghệ số.

Ba là, trong đổi mới, phục vụ Đảng, phục vụ công chúng phải luôn “lắng nghe” để “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(7). Lắng nghe bạn đọc là cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiểu rõ tâm lý, hành vi, nhu cầu của công chúng báo chí trong thời kỳ hiện nay.

Bốn là, thực hiện quy hoạch báo chí, tinh gọn để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Kết luận 26-KL/TW ngày 29/12/2017 của Ban Bí thư về “Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạp chí các ban đảng Trung ương hiện nay”. Nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước, quy hoạch là để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng, nâng cao chất lượng, tránh “nặng về sắp xếp mà chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động”(8).

Năm là, phát triển “hệ sinh thái” các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, phát huy vai trò của sản phẩm báo in truyền thống với sản phẩm báo chí công nghệ hiện đại. “Báo giấy còn cần phải song hành dài lâu cùng báo, tạp chí điện tử, không phải ở thói quen hay sự luyến tiếc bởi những thứ có tính chất cảm tính ấy sẽ phai nhạt dần và biến mất theo thời gian mà nó nằm ở nhu cầu mang tính chuyên môn, phục vụ cho các mục đích khoa học, lưu trữ đặc thù”(9). Theo phản ánh từ thực tiễn, “nhiều cán bộ chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cấp xã, phường, cán bộ trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố phần lớn là những người lớn tuổi, có hạn chế đối với báo điện tử, rất cần có tờ báo, tạp chí Đảng hằng ngày để vừa cập nhật thông tin thời sự chính trị - xã hội, vừa làm tư liệu tuyên truyền trong nhân dân(10). Xu hướng “mobile first” (ưu tiên đọc trên điện thoại) sẽ thích hợp với độc giả có nhu cầu cập nhật tin tức thời sự hơn là đọc những bài chuyên sâu, những bài có tính tư liệu trên báo, tạp chí in của Đảng.

Việc Trung ương nhấn mạnh và yêu cầu “mua và đọc” báo và tạp chí Đảng(11) và những ý kiến từ bạn đọc các lứa tuổi, các vùng miền cho thấy ấn phẩm in vẫn giữ một vai trò quan trọng trong thói quen, tình cảm, nhận thức, quan điểm và trong thực tiễn đời sống báo chí.

Học lời Bác dạy: “Vô luận công việc bận thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo”(12). Bên cạnh những thiết chế, quy định ràng buộc và tạo điều kiện Đảng về việc mua và đọc báo Đảng, chắc chắn rằng, báo, tạp chí Đảng phải vươn lên mạnh mẽ, khẳng định năng lực “xương sống” của nền báo chí quốc gia, chiếm lĩnh được công chúng, thực hiện tốt sứ mệnh là “ngọn cờ tư tưởng”, “lực lượng xung kích”, “cầu nối tin cậy” giữa Đảng với nhân dân./.

Bùi Thị Thu Thanh
Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo

------------

(1) (2) (3) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr. 298-299.

(4) Chỉ thị số 113-CT/TW ngày 15/11/1965 của Ban Bí thư về nhiệm vụ của Báo Nhân dân trước tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng.

(5) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức đối với các Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, ngày 7/3/2014.

(6) Tạp chí Cộng sản: Đề tài nghiên cứu “Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền của Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở”.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.307, tr. 345. 

(8) Phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

(9) GS.TS. Tạ Ngọc Tấn: Báo chí truyền thông hiện đại: Thực tiễn, vấn đề, nhận định, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr. 178.

(10) Đàm Thanh: Mua và đọc báo Đảng: Cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng; https://baobinhduong.vn/mua-va-doc-bao-dang-can-nhan-thuc-ro-vai-tro-tam-quan-trong-a149085.html.

(11) Thông báo kết luận 173-TB/TW của Ban Bí thư ngày 6/4/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản