Tin mới

Đưa vào hoạt động nhiều “ATM gạo” hỗ trợ người nghèo

(Mặt trận) -Trong những ngày qua các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Bên Tre, Kiên Giang, Long An đã đưa vào hoạt động nhiều “ATM gạo” hỗ trợ người nghèo do ảnh hưởng dịch Covid-19.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Tại tại thành phố Vị Thanh và các huyện Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang) cùng lúc đưa vào 4 máy ATM gạo hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Các máy ATM gạo này do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ cùng 1.000 phần quà, với tổng trị giá trên 230 triệu đồng. Các tổ chức, đoàn thể còn đóng góp tổng cộng 20 tấn gạo cho các điểm đặt ATM gạo. Người nghèo gặp khó khăn ngoài việc được nhận 2kg gạo/lần rút còn nhận thêm 1 chai dầu ăn và 1kg đường.  

Người nghèo Hậu Giang đến nhận gạo ở máy ATM.

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang, cho biết: “MTTQ tỉnh cũng vừa tiếp nhận 8 căn nhà đại đoàn kết do Công ty XSKT Hậu Giang ủng hộ (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng). Tính đến nay, Hậu Giang đã tiếp nhận tiền mặt, quà, trị giá gần 9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19”.

Cùng thời gian này, máy “ATM gạo” đầu tiên phát gạo miễn phí được đặt tại số 527 đường 3 Tháng 2, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá (Kiên Giang) cũng bắt đầu hoạt động. Tại đây, không phân biệt, không từ chối một ai đến nhận gạo nếu có nhu cầu. Lượng gạo phát cho mỗi người 2kg/lần nhận/ngày, đủ cho một gia đình 4 người ăn trong ngày. Khi hết gạo, bà con đến nhận tiếp vào hôm sau. Máy hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, không chỉ giúp người nghèo ở địa bàn TP Rạch Giá mà bà con nghèo trong tỉnh khi có nhu cầu đều có thể đến nhận.

Tại Đồng Tháp, với khẩu hiệu "Nếu khó khăn cứ lấy 01 phần; nếu bạn ổn xin nhường cho người khác; nếu bạn có, hãy chung sức đóng góp thêm". 02 thùng ATM gạo được lắp đặt tại thị xã Hồng Ngự, trị giá 84 triệu đồng, trong đó có 2 tấn gạo, mỗi người nhận 2kg gạo/ngày; thành phố Sa Đéc đặt thùng ATM gạo tại chùa Hải Huệ (đường Lý Thường Kiệt) và thành phố Cao Lãnh cũng đã lắp đặt thùng ATM gạo, hai địa phương này đã vận động được trên 15 tấn gạo đưa vào vận hành. Sắp tới, các địa phương sẽ tiếp tục vận động tạo nguồn gạo cấp phát miễn phí cho người nghèo đến hết mùa dịch bệnh Covid-19.

Tại Bến Tre, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức khánh thành máy ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo tại phường 4, TP Bến Tre; dự kiến sắp tới sẽ lắp đặt thêm máy ATM gạo tại huyện Mỏ Cày Nam. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 5.000 người bán vé số dạo, gần 40.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Để giúp bà con vượt qua khó khăn trong tình cảnh hiện nay, Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh đã tặng 2 máy ATM phát gạo miễn phí và 25 tấn gạo. Các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng hỗ trợ hàng chục tấn gạo, 10.000 quả trứng gà… nhằm giảm bớt một phần gánh nặng về chi tiêu cho bà con nghèo trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh.

Tại Long An: Sau hơn một ngày đi vào hoạt động, đến trưa 17-4, cây "ATM gạo" tại huyện Đức Hòa, Long An, đã tiếp nhận gần 30 tấn gạo và khoảng 15 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Cây “ATM gạo” được đặt trên vỉa hè phía gần cổng công viên Võ Văn Tần, thị trấn Đức Hòa, gần đường, đủ chỗ để mọi người dựng xe và xếp hàng.

Khoảng 7-8 giờ và 10-11 giờ 30 là thời gian nhiều người đến lấy gạo, đa số là người nghèo. Họ lần lượt rửa tay, xếp hàng, giãn cách 2m để đảm bảo an toàn. Mỗi người lấy gạo chỉ mất khoảng 30 giây, nên không ai phải chờ lâu.

Người dân tự nguyện đến hỗ trợ tiền, gạo.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đức Hòa Lê Thành Phong cho biết từ lúc dịch COVID-19 gây khó khăn cho cuộc sống nhiều người dân nghèo, Ủy ban Nhân dân thị trấn cùng các mạnh thường quân đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ những người dân gặp khó khăn. Chính quyền đã nghĩ làm sao sự hỗ trợ đến với người nghèo rộng rãi và đều đặn hơn. Doanh nghiệp của anh Châu Ngọc cùng những người bạn đã quyết định mua công nghệ cây “ATM gạo” từ Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng chi phí là 30 triệu đồng.

“Từ lúc hoạt động, người dân tự nguyện đến hỗ trợ tiền, gạo rất nhiều, lượng gạo ngày càng tăng lên. Chúng tôi dự kiến gạo có thể đủ phát cho người dân hơn 30 ngày và sẽ phát đến khi hết gạo sẽ thông báo cho người dân trước 3 ngày," ông Phong cho hay.

Ông Lê Thành Phong cho biết thêm địa bàn thị trấn Đức Hòa chỉ có 15 hộ nghèo và 54 hộ cận nghèo, nhưng dân tạm trú để làm ăn ở thị trấn và các xã lân cận rất đông.

Cây “ATM gạo” này không phân biệt người trên địa bàn hay không, bất kỳ người khó khăn nào có nhu cầu đều được “ATM gạo” tặng mỗi người 2kg/ngày nếu họ đến lấy. Những công nhân còn khó khăn, đi làm về cũng có thể ghé lấy gạo.

"Ban đầu, chúng tôi cài đặt máy 2 phút nhả gạo 1 lần, nhưng sau đó cài đặt máy nhả gạo ngay khi bấm nút, để bà con không phải chờ lâu," theo ông Phong.

Bắt đầu hoạt động từ ngày 16-4, sau một ngày, “ATM gạo” ở thị trấn Đức Hòa đã phát hơn 600 phần cho người dân, tổng cộng hơn 1,2 tấn gạo.

Máy hoạt động mỗi ngày từ 7 giờ, với sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên, dân quân, người dân đến nhận gạo trật tự và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Người đến nhận gạo nhiều, người đến góp gạo, tiền cũng không ít.

Anh Châu Ngọc, 38 tuổi, người lắp máy “ATM gạo” và tổ chức kêu gọi anh em, bạn bè cùng hỗ trợ cho biết: “Chúng tôi rất vui vì được sự đón nhận của bà con, cũng như sự chia sẻ tiền và gạo một cách tự nguyện của người có cho người khó. Chúng tôi đang xem xét để lắp đặt thêm hai cây 'ATM gạo' tại các xã Mỹ Hạnh và Hòa Khánh, huyện Đức Hòa, giúp bà con khó khăn các nơi dễ dàng nhận được sự hỗ trợ."

Chị Nguyễn Thị Đẹp (thị trấn Đức Hòa) cho biết nhà chị có 4 người (chị với mẹ già và hai đứa con nhỏ đi học lớp 6 và học lớp 8). Bình thường, thu nhập chính do chị đi bán vé số, khi mọi việc ngưng hoạt động, gia đình không có thu nhập.

Được hỗ trợ gạo, chị Đẹp cảm thấy rất vui và cảm động vì gia đình chị từ nay không phải ăn mỳ sợi qua ngày nữa.

Cùng hoàn cảnh bán vé số nay bị thất nghiệp không đủ ăn, bà Thi Thị Mến cho biết dù thiếu ăn nhưng bà cũng chỉ lấy đủ cho gia đình dùng, còn để phần cho những người khó khăn khác.

Cây “ATM gạo” cho người nghèo đầu tiên của Long An đang giúp hàng ngàn người nghèo vượt qua khó khăn mùa dịch COVID-19, góp phần lan tỏa yêu thương đến tất cả vùng miền trong cả nước, cho thấy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam.

P.V

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản