Tin mới

Gia Lai: Phụ nữ dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2021 diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn có nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp điều kiện thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường.

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

Nói không với rác thải nhựa

Phong trào chống rác thải nhựa từ khi được phát động trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong đó, các hội viên phụ nữ có một vai trò nhất định, nhờ việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông khi đi chợ và trong sinh hoạt hàng ngày. 

Từ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã thông qua các cấp hội ở địa phương, tổ chức các buổi truyền thông về phòng, chống rác thải nhựa cho các hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường, các địa phương trên toàn tỉnh đã thành lập mới 09 câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” với 255 thành viên, nâng tổng số lên 169 câu lạc bộ với 5.267 thành viên, trong đó có trên 3.000 hội viên là người dân tộc thiểu số.

 Ra mắt CLB “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” và tặng gùi cho phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh)

Tại huyện Chư Păh (Gia Lai), Phòng TN&MT đã phối hợp với Hội LHPN tổ chức truyền thông về chống rác thải nhựa; treo băng rôn với thông điệp bảo vệ môi trường ở các làng người đồng bào dân tộc thiểu số; cấp chai thủy tinh đựng nước; tặng sọt đựng rác; vận động các hộ dân ở các làng đào hố rác tự hoại; ra quân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, trồng dặm hoa…

Ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Păh cho biết: “Các hoạt động tuyên truyền trên đã tác động tích cực đến ý thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng cần có thời gian lâu hơn để người dân nhận thức tốt hơn, tiến đến thay đổi hẳn thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Gia Lai hiện có 233.323 hội viên phụ nữ, trong đó, hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46%. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đầu năm 2021 đến nay các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập nhiều câu lạc bộ, mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của 865 thành viên, trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số có 357 hội viên.

 Phụ nữ làng Chưp và làng Roh (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) tham gia trồng rừng

Hưởng ứng Tháng hàng động vì môi trường năm 2021 cùng với Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức 3 buổi truyền thông và ra quân trồng rừng năm 2021 với 400 hội viên, tham gia trồng 15.400 cây keo, 5.200 cây bạch đàn, 650 cây sao xanh trên tổng diện tích đất 11,26 ha. Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức phát động trồng 135 cây hoa giấy, tặng 650 cây macca,…

Ngoài ra, thực hiện cuộc vận động “5 không 3 sạch”, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số cũng hình thành thói quen trong gìn giữ không gian sống sạch sẽ, thường xuyên thu gon, dọn dẹp rác thải ở đường làng, ngõ xóm, xử lý rác thải ở các khu trọng điểm và các đoạn đường phụ nữ tự quản.

Bà Oeh (làng Mrah, xã Kdang, huyện Đăk Đoa) cho hay: “Từ khi tham gia mô hình, tôi được các hội viên hỗ trợ đào hố rác, di dời chuồng trại ra xa khu dân cư. Từ đó, việc thu gom, xử lý rác thải thuận lợi hơn. Làng cũng hay tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh các khu vực công cộng nên môi trường sống sạch sẽ hơn hẳn”.

 Phụ nữ dân tộc thiểu số ra quân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, khơi thông dòng rãnh.

Nói về phong trào tham gia bảo vệ môi trường ở các cấp hội phụ nữ, bà Rơ Châm H’Hồng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, ngoài tuyên truyền cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện cuộc vận động 5 không 3 sạch, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, thì các cấp hội cũng vận động hội viên tham gia công tác trồng rừng, chăm sóc con đường hoa, hàng rào xanh và thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh, mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh” để hội viên hiểu rõ hơn về giá trị của cây xanh trong bảo vệ môi trường.

“Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ nói chung, hội viên đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng”, bà H’Hồng khẳng định.

Quế Mai 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản