Tin mới

Khi người dân đồng thuận

(Mặt trận) -Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công nhiều phong trào thi đua yêu nước xuất phát từ việc chung tay đóng góp tích cực của người dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu 4 giải pháp trọng tâm phòng, chống lãng phí

Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới

Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

 Người dân nhận nhu yếu phẩm từ một cửa hàng 0 đồng tại phường 5, quận 6 (TP Hồ Chí Minh).

Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố mang tên Bác.

Dân làm, dân thụ hưởng

Tại hầu hết các tuyến hẻm của quận 3 hôm nay, người dân dù đi bộ hay xe máy không còn phải chịu cảnh "người lùi người tiến" để tránh nhau như trước đây. Thay vào đó là các tuyến hẻm thông thoáng, khang trang, sạch đẹp phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đó là kết quả của nhiều năm quận 3 thực hiện cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 3 Nguyễn Ngọc Thanh Trang cho biết: Từ khoảng năm 2004, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã thực hiện vận động hiến đất mở rộng hẻm, song kết quả không được như ý muốn vì không có “tiếng nói chung” với người dân.

Sau đó, để thực hiện các kế hoạch đã đề ra, các đơn vị thay đổi “chiến thuật”, trực tiếp đến từng hộ dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa của việc mở rộng hẻm.

Là một trong những hộ đồng thuận chủ trương này, bà Nguyễn Thị Đông, ngụ hẻm 62 Lý Chính Thắng, nói: “Tôi nói với bà con, cứ xem diện tích đất mình hiến là đất công, nay Nhà nước xin lại để chỉnh trang đô thị cho “đỡ tiếc”, thế là nhiều bà con vui vẻ đồng ý ngay”. Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, tại quận trung tâm có giá đất đắt đỏ này đã có 3.713 hộ dân hiến đất cho 95 dự án mở rộng hẻm với tổng diện tích 18.258 m2, tương ứng số tiền hơn 846 tỷ đồng.

Với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, bảo vệ môi trường là vấn đề luôn được người dân quan tâm. Năm 2016, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường và 32 tổ chức tôn giáo đã phối hợp thực hiện chương trình về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Các kế hoạch về bảo vệ môi trường được các tổ chức tôn giáo chủ động đưa vào chương trình hoạt động hằng năm. Từ sự phối hợp này, các mô hình thiết thực, gần gũi đời sống người dân đã ra đời tại nhiều quận, huyện. Quận Phú Nhuận có mô hình “Thiết kế các chai nhựa thành các thùng rác” trang bị ở dọc kênh Nhiêu Lộc; TP Thủ Đức với “Thiết kế vỏ xe cũ thành thùng rác” góp phần nâng cao ý thức của người dân trong phân loại rác thải.

Từ năm 2016 đến nay, khoảng 200 mô hình, cách làm bảo vệ môi trường ra đời và duy trì hiệu quả. Ngoài ra, thực hiện cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, sau gần ba năm, người dân thành phố đã tạo dựng gần 2.000 điểm “xanh - sạch - đẹp”; 159 điểm ô nhiễm được biến thành các sân chơi, khu sinh hoạt cộng đồng; có 825 điểm gây ô nhiễm môi trường đã được xóa, đạt tỷ lệ 100%.

Cũng trong thời gian này, hơn 50.000 cây xanh được trồng để nâng cao độ phủ xanh cho thành phố;...

Từ tháng 2/2020 đến nay, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong muôn vàn khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội, tinh thần vì thành phố, vì đồng bào càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Tại khắp các quận, huyện, một thế trận lòng dân luôn hừng hực khí thế, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ bất cứ nhu cầu nào để cùng chính quyền thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh.

 Nhiều lần chứng kiến những hình ảnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu xúc động cho biết: “Thành phố luôn trân trọng tình cảm của người dân, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành, chung tay với thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và mua vắc-xin. Sức dân trong cuộc chiến này là nội lực, nguồn động viên rất lớn để tất cả cùng tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi”.

Theo Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, đến nay, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã tiếp nhận số tiền gần 859 tỷ đồng; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 tiếp nhận hơn 2.293 tỷ đồng. Những ngày qua, hàng chục cửa hàng 0 đồng, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng, suất ăn miễn phí vẫn không ngừng được chuyển đến những khu vực bị phong tỏa, nơi có nhiều người dân cần hỗ trợ. Hàng trăm chủ nhà trọ cũng đã chủ động giảm giá tiền (trung bình 50%) cho người thuê phòng.

Làm tốt hơn vai trò cầu nối

Có thể khẳng định, quá trình xây dựng và phát triển thành phố, vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước là rất quan trọng. Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là mục tiêu của các phong trào. Thực tế cho thấy, các phong trào như: xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường,... người dân đều trực tiếp chung tay cùng chính quyền thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội kiên trì thực hiện. Với vai trò cầu nối, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, dân vận, tuyên giáo,... cũng góp phần giúp người dân trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhấn mạnh về công tác dân vận, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Công tác dân vận và phong trào thi đua của thành phố trong những năm qua đạt được kết quả rất đáng tự hào, trân trọng.

Các nội dung, hình thức tổ chức sát với nhu cầu thực tiễn nên thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Điều đó cũng thể hiện sức sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đông đảo người dân đối với quá trình phát triển đi lên của thành phố. Thực tiễn chỉ rõ, các phong trào muốn đạt kết quả cao cần gắn sát với nhu cầu cuộc sống của người dân.

Như cuộc vận động hiến đất mở hẻm tại quận 3, cán bộ tuyên truyền cần giải thích cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất mở rộng hẻm.

Ngoài ra, sự gương mẫu của cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội cũng là yếu tố "thay ngàn lời nói" để người dân noi theo thực hiện. Tương tự, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, để người dân tin và đồng hành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho rằng: Trong đại dịch Covid-19, truyền thống đoàn kết, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn của người dân lại càng được phát huy khi Mặt trận và các đoàn thể xác định được các khu vực cần kịp thời hỗ trợ, đồng thời triển khai các mô hình, giải pháp phù hợp tình hình thực tế.

Ngoài ra, việc tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ (tài chính và hàng hóa) phải luôn bảo đảm công khai minh bạch. Chỉ khi người dân tin tưởng thì các nguồn lực mới được phát huy một cách mạnh mẽ nhất.

Nhằm giữ vững và phát huy truyền thống tương thân tương ái, sự đóng góp quý báu của nhân dân, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị hệ thống dân vận của thành phố tiếp tục phát động phong trào thi đua "dân vận khéo", với trọng tâm là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc kéo dài.

Các cấp ủy đảng, chính quyển, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân thành phố tiếp tục chú trọng xây dựng, tính gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền; tổ chức các hoạt động thiết thực, hướng về người dân, thật sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, các đơn vị tăng cường nắm bắt tình hình trong nhân dân, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời hỗ trợ, xử lý;...

Theo Quang Quý – Báo Nhân Dân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản