Tin mới

Kinh nghiệm của MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị (Khoá VII) và Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX)

(Mặt trận) - Đã 30 năm đi qua kể từ khi ra đời Nghị quyết 07- NQ/TW ngày 17-11-1993 của Bộ chính trị BCH TW Đảng khóa VII và 20 năm kể từ khi ra đời Nghị quyết 23 - NQ/TW của BCHTW khóa IX, đó là thời kỳ đổi mới công tác mặt trận theo trào lưu đổi mới toàn diện đất nước. Nghiên cứu kinh nghiệm của MTTQ triển khai hai Nghị quyết quan trọng nói trên là một việc có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn nhưng cũng đầy khó khăn, đòi hỏi một quá trình tổng kết công phu và có thể có những cách tiếp cận khác nhau để đi đến những kinh nghiệm khác nhau.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 

Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước với yêu càu đổi mới tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Tư tưởng đó của Đại hội đã được cụ thể hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất và phản ánh trong nội dung của hai Nghị quyết, nhằm tạo nên bước phát triển mới cho công tác mặt trận, đáp ứng yêu cầu giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Đó là một quá trình lâu dài với khối lượng công việc không nhỏ, đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực, vững chắc, phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta. Những vấn đề bước đầu rút ra từ thực tế với mong muốn đóng góp khiêm tốn vào quá trình phát triển tiếp theo của MTTQVN trong thời gian tới, thực chất mới chỉ là những điểm nhấn, những điều tâm đắc trong quá trình triển khai thực hiện hai Nghị quyết quan trọng của Đảng, phản ánh sự đổi mới tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ của Đảng trong lãnh đạo MTTQVN. Theo cách tiếp cận đó, có thể nêu lên một số vấn đề sau đây:

1. Quá trình triển khai thực hiện hai Nghị quyết 07 và 23 của Đảng là quá trình kiên trì bám sát, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, trung thành với những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất để làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho việc xác định phương hướng, đường lối xây dựng Mặt trận về tư tưởng, về phong trào, về tổ chức nhằm thực hiện hai Nghị quyết. Đó là những quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, về quan hệ dân tộc và giai cấp, về CNXH và con đường đi lên CNXH gắn liền với vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất ở Việt Nam.

Tư duy đổi mới của hai Nghị quyết đã định hướng cho đổi mới tư duy, đổi mới hành động trong việc đề ra các chủ trương, các chương trình phối hợp với thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đúng hướng, giữ vững được nguyên tắc nhưng không ngừng đổi mới, đáp ứng được những vấn đề đặt ra từ công cuộc đổi mới đất nước. Nhờ bám sát được định hướng đó, MTTQVN đã dần dần vượt qua được những thử thách, bỡ ngỡ ban đầu khi đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, từ thời kỳ bao cấp theo nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, baocaaps sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy lại được vị thế của MTTQVN là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị XHCN của nước ta. Đó là sự chuyển biến có ý nghĩa lịch sử lớn lao mà điều rút ra có tầm chiến lược chính là phải kiên trì bám sát nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam đó là chủ nghĩa Mác - Lê nin và tưởng Hồ Chí Minh.

PGS.TS Trần Hậu - Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

2. Quá trình triển khai thực hiện 2 Nghị quyết của Đảng là quá trình luôn luôn kiên trì đặt MTTQVN và mọi hoạt động của Mặt trận nằm trong tổng thể công cuộc đổi mới, đồng hành cùng toàn dân tộc, từ dân tộc, vì dân tộc, do dân tộc và cho dân tộc. Các chương trình hành động, các cuộc vận động được Mặt trận kiên trì phát động đều bám sát công cuộc đổi mới toàn diện của cả nước va mang lại lợi ích cho dân chứ không chỉ động viên sức dân đóng góp cho xã hội và cao hơn nữa Mặt trận còn xác định tư cách là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của dân. Làm được như vậy, Mặt trận sẽ thực hiện được vai trò là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, cùng với Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

3. Để thực hiện những tư tưởng đổi mới nêu trong 2 Nghị quyết, cần phải tạo cơ sở pháp lý cần và đủ để thực hiện những tư tưởng đó trong cuộc sống. Mặt trận đã đề xuất và cùng tham gia xây dựng Luật MTTQVN (năm 1999) và sửa đổi (năm 2015), sửa đổi Hiến pháp (năm 2013), tạo điều kiện pháp lý cơ bản cho việc thực hiện 2 Nghị quyết của Đảng. Tuy chưa có bộ luật đầy đủ và đồng bộ, nhưng việc tạo tiền đề pháp lý ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền tảng pháp lý lâu dài sau này khi việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng phát triển ở nước ta. Vấn đề còn lại là cần xây dựng một hệ thống luật pháp đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, nếu không sẽ hạn chế tính khả thi của cơ sở luật và Hiến pháp đã có.

4. Để tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết, MTTQVN cần tự đổi mới về tư duy, phong cách và tổ chức cán bộ, vượt qua những lực cản và truyền thống của lịch sử khi Mặt trận còn hoạt động với mục tiêu dành độc lập, tự do. Cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố mới tác động đến đại đoàn kết dân tộc và mặt trận dân tộc thống nhất. Lịch sử đã sang trang, mục đích của MTTQ có nhiều thay đổi dẫn dến những thay đổi về cơ cấu xã hội gắn liền với những thay đổi về quan hệ lợi ích, sự sụp đổ của Liên Xô và giải thể phe XHCN, sự thay đổi chính sách của các nước lớn trong khu vực và toàn cầu là những yếu tố trong nước và quốc tế tác động đến khối đại đoàn kết dân tộc và MTTQVN. Những tư tưởng đổi mới trong 2 NQ chỉ có thể đi vào cuộc sống khi MTTQVN tự đổi mới tư duy, phong cách và tổ chức cán bộ.

Những kinh nghiệm hay trong qúa khứ là rất đáng trân trọng kế thừa, nhưng  nó không phải giải đáp được những vấn đề mới đang đặt ra từ cuộc sống nếu như bản thân Mặt trận không đổi mới. Việc đổi mới MT không thể tiến hành một cách chủ quan mà phải xuất phát từ thực tế. Các hoạt động tổng kết lịch sử, nghiên cứu lý luận, đổi mới tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ và cơ chế vận hành, đổi mới phương thức hoạt động đa dạng, phong phú... đã tạo diện mạo mới cho MTTQVN, trong đó phải kể đến những điểm nhấn có ý nghĩa sau đây:

- MTTQVN đã chuyển từ chỗ là tổ chức hiệu triệu, huy động xã hội, động viên phong trào nay đã tăng thêm chức năng tham gia vào quá trình chính sách của Nhà nước, chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

- Phương thức hoạt đông cơ bản lâu nay của MTTQVN là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, nay đã bổ sung hoạt động giám sát và phản biện xã hội và đã được bước đầu thực hiện.

- Nhận thức về tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức Mặt trận được nâng lên rõ rệt, ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn, được thể hiện trong thực tế bằng việc ngày càng mở rộng các thành viên (tổ chức và cá nhân tiêu biểu) của Ủy ban mặt trận các cấp, bằng việc vừa tôn trọng vai trò độc lập của các thành viên, vừa xác lập cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thành viên.

- Đa dạng hóa các hình thức tập hợp mọi tầng lớp nhân dân có thể tập hợp ở trong nước và ngoài nước thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp với tổ chức các phong trào, các cuộc vận động của Ủy ban mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến tận cơ sở và khu dân cư.

- Trong thời kỳ đổi mới, hoạt động hội nhập quốc tế được mở rộng, trong đó hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ đã đóng góp phần tích cực cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước tranh thủ được sự ủng hộ và hợp tác quốc tế đối với công cuộc phát triển đất nước ta.

5. Phát huy dân chủ XHCN là một điều kiện quan trọng để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng phải có cơ chế cụ thể để nhân dân thực sự được làm chủ xã hội. MTTQVN đã có nhiều hoạt động nhằm tạo lập nền dân chủ cho nhân dân, như: làm tốt công tác bầu cử các cơ quan dân cử, công tác thanh tra nhân dân, công tác hòa giải, công tác giám sát và phản biện xã hội, vận động nhân dân góp ý xây dựng Đảng... Thực tế cho thấy ở đâu làm tốt các hoạt động dân chủ, nơi ấy sẽ củng cố được đoàn kết thực sự. Đặc biệt nơi nào thực hiện tốt phương thức hiệp thương dân chủ, nơi ấy sẽ tạo được sự đồng thuận và đoàn kết thực chất.

Điều đáng nhấn mạnh là MTTQVN giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ cho các thành viên tổ chức khi tham gia Mặt trận, trong đó có nhiều tổ chức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, như vậy đã hình thành sự kết hợp giữa chế độ hiệp thương dân chủ với chế độ tập trung dân chủ trong một tổ chức, làm phong phú thêm sinh hoạt dân chủ của Mặt trận. Chính là do Mặt trận đã kiên trì giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện nhất quán tính độc lập, tự chủ, bình đẳng giữa các thành viên của Mặt trận trong môi trường sinh hoạt dân chủ đa dạng và phong phú nên đã mở ra một không gian thông thoáng và rộng rãi, hấp dẫn và thiết thực cho việc thu hút ngày càng nhiều tổ chức thành viên vào hàng ngũ Mặt trận. Thực tế cho thấy ở đâu có dân chủ đích thực theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" thì ở đó ngăn chặn và đẩy lùi được mâu thuẫn và tiêu cực, đoàn kết được củng cố và tăng cường, nhân dân thừa nhận vai trò của Mặt trận. Những nơi không bảo đảm được sinh hoạt dân chủ có phần do nguyên nhân thiếu gương mẫu của cán bộ và thiếu cơ chế kết hợp hài hòa giữa tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ, dẫn đến tính hình thức trong sinh hoạt dân chủ của Mặt trận, lòng tin đối với Mặt trận và khối đại đoàn kết phần nào chịu ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra và yêu cầu đòi hỏi của thực tế vẫn là cần có cơ chế pháp lý cụ thể và đồng bộ để mặt trận phát huy được vai trò làm nòng cốt để nhân dân thực hiện được quyền làm chủ đích thực của minh trong đời sống hàng ngày, từ việc cụ thể trong sinh hoạt cho đến những vấn đề quốc kế dân sinh mang tính chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước mắt và lâu dài. Không có điều kiện ấy sẽ không thể biến những quan điểm đổi mới nêu trong 2 Nghị quyết quan trọng của Đảng vào cuộc sống.

Trên đây là năm vấn đề căn bản rút ra một cách khái quát qua quá trình thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng của Đảng từ 3 thập kỷ qua. Những nội dung của 2 Nghị quyết mang ý nghĩa lâu dài, có nhiều điểm đã và đang thực hiện, có nhiều điểm cần bổ sung và phát triển, cũng có điểm chưa đủ điều kiện để thực hiện mặc dù rất đúng đắn và cần thiết. Ở thời điểm hiện nay chỉ có thể tổng kết một chặng đường thực hiện 2 Nghị quyết, đó là việc làm cần thiết để tiến tới tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị quyết và ra Nghị quyết mới thay thế. Bài  viết này chỉ có thể góp phần nhỏ bé cho việc nhìn nhận một chặng đường đã qua thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng của Đảng trong thời điểm hiện nay.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản