|
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: Quang Khánh |
Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết số 35/2012/QH13, ngày 21.11.2012). Theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này, “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ”. Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần: lần thứ nhất vào ngày 10 và 11.6.2013, lần thứ hai vào ngày 15.11.2014.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất
Trong lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm, trong số 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước có 47 chức danh tham gia lấy phiếu tín nhiệm, còn 2 chức danh khác chưa được lấy phiếu do thời gian thực thi nhiệm vụ, quyền hạn chưa đủ (mới dưới một năm). 47 chức danh bao gồm: Khối Chủ tịch nước 2, khối Quốc hội 17 (lãnh đạo Quốc hội 5, thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12), khối Chính phủ 26 (gồm 5 lãnh đạo Chính phủ, 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành), khối Tư pháp 2. Kết quả của từng chức danh (từng người) đã được công bố tại phiên họp toàn thể sáng 11.6, sau đó được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, về định tính, kết quả phản ảnh khá phù hợp với tình hình thực tiễn về mức độ tín nhiệm của từng chức danh. Không phải cứ “quyền cao, chức trọng”, có điều kiện “vận động hành lang” là được nhiều phiếu tín nhiệm cao và ngược lại. Thực tế, ĐBQH rất khách quan, chân thành, đầy đủ trách nhiệm, có bản lĩnh, độc lập suy nghĩ và quyết định. Về định lượng, Phiếu có 3 mức: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, thì tất cả 47 chức danh (người) đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên, người cao nhất tới 97,59%, người đạt thấp nhất cũng được 56,63%, không có chức danh nào đạt bằng hoặc dưới 50% so với tổng số ĐBQH. Song giữa người đạt cao nhất và người đạt thấp nhất cách nhau tới 40,96%, nghĩa là cùng đạt mức độ tín nhiệm trở lên nhưng khá chênh lệch. Có 43/47 chức danh đạt từ 70% trở lên, trong đó: khối Chủ tịch nước 2/2, khối Quốc hội 17/17, khối Chính phủ 22/26, khối Tư pháp 2/2. Còn 4 chức danh đạt dưới 70% (trong đó có lãnh đạo chủ chốt cơ quan hành pháp) là điều rất đáng suy nghĩ.
Chỉ tính riêng mức “tín nhiệm cao”, các chức danh đạt từ 50% (250 phiếu) trở lên chỉ có 18/47 (38,3%) chức danh, trong đó: khối Chủ tịch nước có 2/2, khối Quốc hội 14/17, khối Chính phủ 2/26, khối Tư pháp không. Các số liệu này nói lên rằng, để đạt được mức “tín nhiệm cao” thì còn nhiều gian nan, đòi hỏi các chức danh (nhất là các chức danh hành pháp) phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, phải có sự nỗ lực phấn đấu, bứt phá vượt bậc đem lại những kết quả thiết thực “trông thấy” mới có hy vọng đạt đến “tín nhiệm cao”. Đáng lưu ý là, có 10 chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” quá nhiều, từ 99 phiếu (20%) trở lên, tất cả đều thuộc khối Chính phủ, gồm người đứng đầu và 9 Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Thời gian 10 năm qua đi, nhìn lại càng thấy mức độ đáng tin cậy của việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. Nhiều chức danh có số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” chiếm tỷ lệ lớn, sau lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất vẫn tiếp tục phát huy, phát triển tốt. Một số chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” quá nhiều thì “dừng bước” hoặc bị kỷ luật, thậm chí có những trường hợp rơi vào vòng lao lý (phải xử lý hình sự)...
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai
Là lần thứ hai nên công tác chuẩn bị tốt hơn, chu đáo hơn. Từng chức danh được lấy phiếu, ngoài bản báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, còn có bản kê khai tài sản và thu nhập cá nhân để các đại biểu xem xét, đánh giá. Đây là tài liệu khá quan trọng, là một trong những căn cứ để xem xét mức độ tín nhiệm của mỗi chức danh.
Sáng 15.11.2014, theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 đối với 50 chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương. Chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả. Sau đó các phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đăng tải kết quả đã được công bố tại phiên họp Quốc hội. Trong 50 chức danh gồm có: Khối Chủ tịch nước 2, khối Quốc hội 18, khối Chính phủ 26, khối Tư pháp 2 và Kiểm toán Nhà nước 1.
Khoảng cách thời gian giữa hai lần lấy phiếu tín nhiệm, kể từ tháng 6.2013 đến tháng 11.2014, chỉ gần một năm rưỡi, song tinh thần trách nhiệm của phần lớn những người nắm giữ các chức danh trong bộ máy các cơ quan nhà nước được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có sự chuyển biến khá tích cực, bứt phá vươn lên rõ ràng.
Cộng 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì tất cả 50 chức danh đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên; chức danh đạt cao nhất tới 98,19%, chức danh thấp nhất cũng đạt 61,37% (khoảng cách giữa 2 chức danh đạt cao nhất và thấp nhất được thu hẹp, lần thứ nhất là 40,96%, lần thứ hai còn 36,82%).
Tất cả 47 chức danh lấy phiếu lần thứ nhất, lần này mức độ tín nhiệm đều tăng khá. Có 33/50 chức danh đạt từ 90% trở lên ở hai mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, trong đó: khối Chủ tịch nước 2/2, khối Quốc hội 17/18, khối Chính phủ 13/26, khối Tư pháp 1/2, Kiểm toán Nhà nước: không.
Nhìn chung, mức độ tín nhiệm được nâng lên một cấp độ mới. Các chức danh đạt “tín nhiệm cao” (từ 300 phiếu trở lên) lần đầu có 7 người, lần này tới 19 người, gấp hơn 2,7 lần (các chức danh lần đầu vẫn giữ vững, số phiếu lần này còn cao hơn lần trước nhiều, người đứng đầu lần thứ nhất đạt 95,6%, lần thứ hai lên tới 98,2%); còn người xếp cuối cùng, lần thứ nhất chỉ gần 58%, thì lần thứ 2 lên 61,4%.
Tác động tích cực của lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 được nâng cao rõ rệt: lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất đã phản ánh sáng rõ hiện trạng của sự tín nhiệm trong các khối chức danh, trong đó không ít người băn khoăn, lo lắng về sự tín nhiệm còn thấp đối với nhiều chức danh thuộc lĩnh vực hành pháp, nhất là đối với người đứng đầu... Đúng là “con số nói lên tất cả”. Các chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” (từ 300 phiếu trở lên) thuộc Chính phủ, lần trước chỉ có 1 người, lần này lên tới 7 người (trong đó có cả chức danh người đứng đầu cơ quan hành pháp với mức phiếu “tín nhiệm cao” gấp 1,52 lần so với lần đầu, còn phiếu “tín nhiệm thấp” đã giảm từ 160 phiếu xuống còn 68 phiếu). Lần đầu chỉ có 6/26 (23%) chức danh của Chính phủ đạt từ 90% mức phiếu “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm”, lần này tới 13/26 (50%).
Đặc biệt với một chức danh trưởng ngành, lần trước là người xếp cuối cùng trong các chức danh thuộc Chính phủ (thứ 26) và cũng là người cuối cùng trong số 47 chức danh về mức độ tín nhiệm, thì lần thứ 2 chức danh này thuộc nhóm đạt từ 90% trở lên với hai mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”; cũng là chức danh xếp thứ 2 trong 26 chức danh thuộc Chính phủ có mức “tín nhiệm cao”... Mặc dù vẫn còn 7 chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” từ 100 phiếu trở lên, song kết quả này phản ánh bước tiến bộ khá dài trong thời gian ngắn của lĩnh vực hành pháp.
Chuyển biến tích cực của tất cả các chức danh trong bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan hành pháp nói riêng hoàn toàn sát đúng với mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội đã chỉ rõ, “giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ ba
Ngày 25.11.2014, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015 và có nhiều điểm mới so với Nghị quyết số 35/2012/QH12. Trong đó, có điểm mới khá quan trọng, đó là: “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ” (Điều 7), thay vì... “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm” như Nghị quyết 35/2012/QH12.
Tại Kỳ họp thứ Sáu, ngày 25.10.2018, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần thứ ba. Số lượng chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 50 người, nhưng tham gia lấy phiếu lần này chỉ có 48 người (2 chức danh là Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới được bầu, phê chuẩn nên chưa được lấy phiếu tín nhiệm lần này). Trong số 48 chức danh được lấy phiếu gồm: Khối Chủ tịch nước 1 người, khối Quốc hội 18 người, khối Chính phủ 26 người, khối Tư pháp 2 người và Kiểm toán Nhà nước 1 người. Tổng số ĐBQH cho đến ngày lấy phiếu là 485 người, số phiếu phát ra 475, số phiếu thu về 475. Ngay trong ngày, kết quả lấy phiếu đã được công bố và được các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải sau đó. Nghị quyết của Quốc hội xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm “bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Như 2 lần trước, cộng cả 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”, thì tất cả 48 chức danh đều đạt quá bán từ “tín nhiệm” trở lên, không có chức danh nào bằng hoặc dưới 50% so với tổng số đại biểu. Chức danh đạt cao nhất tới 97,32%, chức danh đạt thấp nhất cũng được 68,87% (đây cũng là chức danh duy nhất đạt dưới 70%); khoảng cách giữa chức danh đạt cao nhất và thấp nhất chỉ còn 28,45% (lần đầu tới 40,96%, lần thứ hai 36,82%). Với con số 47/48 chức danh đạt mức “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm” từ 70% trở lên, thì tuyệt đại đa số các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương về cơ bản là bảo đảm chất lượng.
Chỉ tính riêng mức “tín nhiệm cao”, các chức danh đạt từ 50% trở lên thì có 34/48 chức danh, chiếm gần 71% tổng số chức danh được lấy phiếu tín nhiệm (trong đó: khối Chủ tịch nước có 1, khối Quốc hội có 17, khối Chính phủ 14, khối Tư pháp 1 và Kiểm toán Nhà nước 1). Con số gần 71% chỉ ra rằng, đến thời điểm cuối tháng 11.2018, về cơ bản các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương không những được bảo đảm chất lượng mà còn được tín nhiệm cao. Tuy vậy, chức danh có số phiếu “tín nhiệm thấp” (từ 100 phiếu trở lên), lần này cũng còn 1 người...
Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, ở hầu hết các chức danh, lần lấy phiếu sau có bước tiến hơn lần trước. Kết quả này đúng với cả trường hợp người đã trải qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp và đúng với cả trường hợp người được kế nhiệm chức danh nhiệm kỳ trước.
Trở lại con số 34/48 chức danh đạt trên 50% phiếu “tín nhiệm cao” nói trên, khối Chủ tịch nước có 1, khối Quốc hội 17, khối Chính phủ 14, khối Tư pháp 1, Kiểm toán Nhà nước 1. Trong đó, khối Chính phủ có sự bứt phá ngoạn mục: lần đầu chỉ có 2 chức danh, lần thứ 2 lên 9 và lần thứ ba lên tới 14 chức danh đạt trên 50% trở lên đối với mức “tín nhiệm cao”.
Kết quả này một lần nữa cho thấy tác dụng lớn lao của việc lấy phiếu tín nhiệm tuân thủ nguyên tắc, “Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” mà Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội đã chỉ dẫn.
Dư âm của việc lấy phiếu tín nhiệm duy nhất một lần của Quốc hội khóa XIV cũng gợi mở một số suy nghĩ đáng quan tâm. Đó là, rất cần nghiên cứu, xem xét kinh nghiệm của Quốc hội khóa XIII, theo đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Kỳ họp thứ Năm đã như một “báo động đỏ” đối với cơ quan hành pháp (trong 26 chức danh chỉ có 2 Bộ trưởng có số phiếu “tín nhiệm cao” đạt trên 50%, người đứng đầu chỉ được 42,17%...).
Nhưng cũng từ kết quả đó, với sự phấn đấu, nỗ lực vượt bậc, chỉ một năm rưỡi sau đó, trong lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai tại Kỳ họp thứ Tám, tất cả các chức danh thuộc Chính phủ đều tăng nhiều số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” so với lần thứ nhất, người đứng đầu tăng từ 67,87% lên 86,32%. Riêng một chức danh trưởng ngành ở lần thứ nhất xếp cuối cùng trong 26 chức danh thuộc Chính phủ, thì lần thứ hai đã vượt lên ngoạn mục, xếp thứ 2 trên 26 chức danh đó... Từ thực tiễn này, nhiều ý kiến cho rằng: nếu không lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai trong một nhiệm kỳ thì làm sao có sự bứt phá trông thấy rõ ràng như thế?
Vì vậy, nên chăng mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, nếu không định kỳ hàng năm lấy phiếu tín nhiệm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ như quy định tại Nghị quyết 35/2012/QH13, thì ít nhất cũng lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Như vậy, việc lấy phiếu sẽ thật sự phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả một cách thiết thực.
TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội