Tin mới

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công

(Mặt trận) - Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm nòng cốt, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong tình hình mới đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò trong thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công.

Thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2 kỳ tuyển dụng công chức Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Thông báo Danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2 kỳ tuyển dụng công chức Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Nam Định 

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với người có công với cách mạng

Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay ghi nhận công lao to lớn, sự hy sinh dũng cảm, tinh thần lao động quên mình của dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Với truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày kỷ niệm để Tổ quốc và đồng bào tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Thực hiện chỉ thị của Người, các ban, ngành đã thống nhất lấy ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Người nhấn mạnh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”1. Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”2. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước. Đây là ngày có ý nghĩa quan trọng để đồng bào cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước những cống hiến, hy sinh to lớn của những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp: Bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.

Thực hiện tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc ban hành và thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và bảo đảm an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện.

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều bộ luật, luật và hàng trăm văn bản dưới luật trong từng lĩnh vực cụ thể liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 luật và bộ luật, 3 pháp lệnh, 10 nghị quyết; Chủ tịch nước ban hành 8 quyết định; Chính phủ ban hành 18 nghị quyết và 120 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 chỉ thị và 224 quyết định; các bộ, ngành đã ban hành hằng trăm thông tư và thông tư liên tịch, quyết định, văn bản hướng dẫn để triển khai đồng bộ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội3.

Chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà trở thành một hệ thống chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, góp phần to lớn vào sự ổn định và phát triển xã hội. Ngay từ những ngày đầu đổi mới Đảng ta đã khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng”4.

Trong các kỳ Đại hội tiếp theo, Đảng ta luôn nhất quán với chủ trương đó và bổ sung, hoàn thiện, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo đời sống cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”5;

“Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”6. Tinh thần đó cũng tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công”7.

Từ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã không ngừng xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Có thể kể đến hai pháp lệnh: Pháp lệnh phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).

Hai pháp lệnh về người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ra đời là cơ sở, căn cứ quan trọng để Nhà nước và Nhân dân không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, giúp cho họ từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua

Một là, giải quyết hồ sơ tồn đọng. Theo báo cáo của ngành thương binh - xã hội, đến năm 2020, đã cơ bản giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng. Đặc biệt là trong hai năm 2014 - 2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức tổng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên toàn quốc với 2.070.842 đối tượng8. Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng bảo đảm công khai, minh bạch.

Hai là, công tác chăm lo đời sống gia đình người có công và công tác thương binh, liệt sĩ. Hiện nay, cả nước có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng, hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng; mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho gần 1.815.000 người có công; quan tâm đến việc đào tạo nghề cho người có công và con của họ; Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận 1.149 người là con thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng. Đến cuối năm 2019, đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước, đạt 96,7% số hộ cần hỗ trợ9.

Ba là, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công. Thời gian qua, các cơ quan có trách nhiệm đã tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng cho người có công. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng hơn 1.000 người có công, nhất là thương binh nặng10.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, vì vậy, Đề án luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Từ năm 2012 đến năm 2022, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 18.583 hài cốt liệt sĩ, trong đó từ Lào: 2.988 hài cốt, Campuchia: 6.499 hài cốt, trong nước: 9.096 hài cốt11. Đồng thời, việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ, công trình ghi công được quan tâm đầu tư.

Năm là, phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình người có công; xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 3.625 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Đến nay, 98,6% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ12.

Những kết quả quan trọng nói trên đã được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định: “Chính sách ưu đãi, tôn vinh người có công với cách mạng được chú trọng, thực hiện tốt”13. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng vẫn còn một số hạn chế: 1) Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh ở trong và ngoài nước vẫn còn tồn đọng nhiều (gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; 2) Việc xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ còn chậm (còn gần 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính); 3) Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng triển khai chậm14.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Để hoàn thành trọng trách của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Cần làm rõ đây là chính sách đặc biệt chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người đã có những hy sinh, cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,  phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao trách nhiệm cá nhân, tạo động lực góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các quy định về chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các trình tự, thủ tục thực hiện.

Hai là, tích cực tham gia vào việc rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú.

Tập trung nguồn lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hoàn thành cơ bản việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người có công. Tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn xã hội vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Ba là, tích cực tham gia vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường mối quan hệ phối hợp thiết thực, hiệu quả với các bộ, ban ngành trung ương và địa phương trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện pháp luật, chính sách ưu đãi người có công.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương phát huy tối đa những điều kiện thuận lợi, nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, nhận giúp đỡ con các cựu chiến binh vào làm việc… để đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng, xã hội và đất nước.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia đối với công tác người có công và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng...; coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự góp phần bù đắp những thiệt thòi, đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, vun đắp, tô thắm thêm truyền thống nhân nghĩa, trung hiếu tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Năm là, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ, bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, biết ơn quá khứ, hướng về cội nguồn với những giá trị cao đẹp: lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng xả thân, cống hiến, hy sinh với niềm tin, khát vọng mãnh liệt vào tương lai, vào sự trường tồn của quốc gia dân tộc.

Từ đó, tạo động lực để những thế hệ hôm nay nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên viết tiếp những trang sử vàng và tô thắm truyền thống cách mạng của dân tộc anh hùng, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà cha ông đã dày công gìn giữ, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cống hiến để bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:

1.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 204.

2.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 616.

3,8,9,10,11,12. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.49-54.

4.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), tr.279.

5,6.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, Phần II (Đại hội X, XI, XII), tr.430, 678.

7.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.148-149.

13.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.74.

TRẦN QUỐC DÂN -  Nguyên Phó Giám đốc

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản