Tin mới

Môi trường nông thôn chuyển biến tích cực

(Mặt trận) -Những năm gần đây, môi trường nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ có những thay đổi tích cực. Các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Nhiều mô hình hiệu quả

 Cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố ngày càng thông thoáng, sạch đẹp. Trong ảnh: Tuyến đường đi qua xã Định Môn, huyện Thới Lai.

Xác định BVMT có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thời gian qua, UBND huyện Thới Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” và BVMT. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình. Hằng năm, UBND huyện hợp đồng với Công ty CP Đô thị Cần Thơ mở rộng địa bàn thu gom rác đối với các tuyến mới xây dựng (xe ô tô đến được) để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, sử dụng nguồn kết dư ngân sách mua thùng đựng rác giao cho các xã, thị trấn bố trí cặp các tuyến đường, các khu dân cư, công viên, chợ… thuận tiện cho người dân để rác và đơn vị thu gom. Hằng tuần, các xã, thị trấn đều ra quân vận động nhân dân thu gom rác, vệ sinh cảnh quan môi trường.

Đến nay, trên địa bàn huyện lượng rác thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 80%. Với các khu vực chưa có hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt, huyện đã triển khai xây dựng các mô hình “Phụ nữ phân loại, xử lý rác tại gia đình”, “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”… Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, các ngành, đoàn thể tuyên truyền người dân thu gom lưu giữ trong lu, khạp có nắp đậy hoặc vật dụng khác an toàn; huyện hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý 2 lần/năm.

Không chỉ ở huyện Thới Lai, các địa phương khác cũng quan tâm đến công tác BVMT và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của UBND huyện Cờ Đỏ, rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng để xử lý đốt với khối lượng khoảng 27 tấn/ngày, đạt 80%. Thành phần rác còn lại được phân loại tái chế, tái sử dụng, bán phế liệu hoặc tận dụng trong chăn nuôi. Cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ cam kết BVMT trên địa bàn huyện đạt 100%.

Trong quá trình triển khai, MTTQ và các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã xây dựng được một số mô hình tiêu biểu. Điển hình, Hội Phụ nữ có mô hình “5 không 3 sạch”, mô hình xử lý rác thải BVMT. Đồng thời, xây dựng mới 1 mô hình “ Ngõ xanh - cổng đẹp” tại xã Đông Thắng; xã Trung Thạnh ra mắt mô hình làng sạch rác; Hội LHPN huyện đã ra mắt 1 mô hình “Phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” tại xã Đông Thắng. Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện trực tiếp tham gia xây dựng 52 mô hình BVMT nông thôn. Các  mô hình nổi bật như: mô hình làm túi biogas trong chăn nuôi (heo, bò) tại xã Thới Xuân; mô hình thu gom chai, lọ, bao bì đựng vật tư nông nghiệp; sử dụng đệm lót sinh học chăn nuôi gà tại xã Thạnh Phú; mô hình thu gom rác thải sinh hoạt...

Từ những mô hình thiết thực, người dân đã tự giác, tích cực chung sức tham gia thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả BVMT. Chú Lê Văn Thái ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ chia sẻ: Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền, bà con trong xã đã ý thức hơn trong việc BVMT nông thôn. Người dân tự giác dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, để rác đúng nơi quy định, tích cực tham gia trồng cây xanh, hoa kiểng để góp phần cho vùng quê mình ngày càng xanh - sạch - đẹp…

Nâng chất lượng môi trường

Việc xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp đã mang đến luồng sinh khí mới cho nhiều địa phương. Khi người dân đồng lòng cùng thực hiện các biện pháp BVMT, thay đổi thói quen không vứt rác bừa bãi thì môi trường nông thôn sẽ trong lành hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, để đạt được và duy trì hiệu quả BVMT nông thôn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong việc BVMT ngay ở gia đình mình và cộng đồng dân cư.

Ông Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: Xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực chung sức tham gia thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả BVMT. Trong đó, tăng cường hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; duy trì và nhân rộng các mô hình BVMT hiệu quả trên địa bàn. Ngoài công tác thu gom rác, vận động người dân ở những nơi xe không đến được, tự xây hố rác, chôn, đốt đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về BVMT. Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt đến các khu dân cư mà phương tiện thu gom có thể đến. Các khu vực khác, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình phân loại và xử lý tại hộ gia đình. Giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu có 95% trở lên lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã được thu gom và xử lý đúng quy định…

T.TRINH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản