|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 12.1.2023. Ảnh: Trí Dũng |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả đó đã và đang góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.
Quyết sách chiến lược mang ý nghĩa mất còn của thể chế, quốc gia, dân tộc
Sự kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chỉ trong 10 năm vừa qua đã làm cho không ít người lo lắng, hốt hoảng mà nói rằng, sợ “đang làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!). Có đúng như thế không?
Thậm chí khiến cho lắm người cả trong nước lẫn hải ngoại la lối: “Đó là sự thanh trừng nội bộ, đấu đá phe phái”(!), là cách “triệt hạ lẫn nhau, gây bè kéo cánh lợi ích nhóm”(!). Không ít người rắp mưu đánh tráo việc chống tham nhũng với thanh trừng phe phái, nguy hiểm hơn, họ tung lên: “thể chế một đảng nên không thể chống được tham nhũng, tiêu cực” (!)... Có đúng như thế không?
Vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim.
Kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia dân tộc phát triển từ xưa tới nay xác tín: Không có bất cứ một thể chế nào, quốc gia dân tộc nào tuyệt đối không có tham nhũng; không có một sự thịnh vượng hay phát triển nào ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, nếu không phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết và hiệu quả.
Cách đây khoảng 2.500 năm về trước, thành Athen cổ đại quy định: Bất kỳ chính khách nào phạm vào một trong hai tội sau đây thì sẽ bị đuổi khỏi thành 10 năm; và cố nhiên, trong 10 năm đó, kẻ ấy không được tham gia chính sự. Đó là hai tội tham nhũng và tội hủ hóa nam nữ bất chính. Nhìn sang phía Đông hay nhìn tới phương Tây, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, được các quốc gia, dân tộc xem trọng đặc biệt. Từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia tới Italia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... không quốc gia nào dám khinh suất trọng sự chết người này. Và vì thế, rất nhiều quốc gia, dân tộc đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng quan trọng đến mức không thể đứng sau, trong các đại sự chính trị.
Với chúng ta, việc nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược luôn gắn chặt với việc chống tham nhũng thế nào và tới đâu. Đây luôn là nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của các triều đại, thước đo sự liêm sỉ của kẻ làm quan và sự thanh hay trọc của chốn quan trường. Hơn 700 năm trước, khi bàn việc chọn tướng, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói: Lấy của mà thử xem có giữ được sự trong sạch không. Gần 200 năm sau đó, thế kỷ XV, nhà vua Lê Thánh Tông, một ông vua rất sáng suốt và tạo nên sự thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã có một câu nói, đúng hơn đó là lời cảnh báo xương máu, ngay giữa buổi thịnh trị lúc bấy giờ, rằng: Nếu có cái gì đó làm cho triều đình đổ vỡ, làm cho muôn dân bại hoại, thì đó chính là nạn quan tham lại nhũng.
Năm, sáu thế kỷ qua, điều đó, hôm nay thiển nghĩ, còn nguyên nóng bỏng.
Cách nay hơn 250 năm, chuyện “ngũ họa” quốc vong mà tiền nhân tổng kết, cảnh báo khuyên răn có 5 nguy cơ làm mất nước: Một là, trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; năm là, sĩ phu ngoảnh mặt. Lời tiên báo ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn. Chỉ phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà táng thất!
Vì thế, từ kinh nghiệm lịch sử có thể nói, phòng, chống tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa sinh tử, mất còn của thể chế, của quốc gia - dân tộc chúng ta! Không phòng, chống tham nhũng thì tất quốc gia không thể ngẩng mặt lên với hoàn cầu; không tự mình bại vong thì cũng có ngày do nó mà mất nước, tất tới lúc dân tộc do nó không bị lâm vào nô lệ thì cũng tự mình sa vào chỗ tự diệt vong. “Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển đất nước” (Đại hội XI), “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII)… “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (17)(*).
Đặc biệt hiện nay, việc thực thi đại cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thực sự là cuộc chiến sinh tử; là cuộc chiến kép vừa chống đạo (ăn cắp), tặc (giặc nội xâm) vừa chống tiêu cực, tha hóa và hủ bại nên càng cấp bách và sinh tử!
Tham nhũng là gì, như thế nào và những ai tham nhũng?
Ngày 26.1.1946, trong Quốc lệnh, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành, Người ghi rõ, tại Điều 8 của phần Phạt: “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Vì, “Tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”,“giặc nội xâm” (17). Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1.1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ thứ ba: Tham nhũng và tệ quan liêu ở tầm mức quốc nạn, “một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam” (17).
Nay, không dừng là nguy cơ nữa mà đang là quốc nạn. “Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới” (18). Vì, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn ăn cắp đủ thứ, đủ quy mô và mức độ của công nguy hơn “chuột đào chân tường”; “sóng xô đê vỡ”; nhất là nạn “đạo vị”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 74 năm trước là “trộm cắp địa vị” đủ mánh lới có nguy cơ hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít chốn công quyền... khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa gần”. Ăn cắp của công, ăn trộm chức vụ, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm băng hoại cá nhân mà còn có nguy cơ làm tan tành thể chế.
"Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng…; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng quyền hạn đó vì vụ lợi... Về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư” (15)... Có thể nói khái lược, tham nhũng là trộm cắp của công (tiền bạc, vật chất, chức vụ…) làm của cá nhân, của phe nhóm, tức là nạn đạo và có thể hình dung tối thiểu gồm 5 dạng trộm cắp:
Một là, đạo chích: Đó là thói ăn cắp vặt, kẻ trộm trong làng xã, cơ quan, cộng đồng. Hở ra là trộm, ở nơi thôn dã, phố phường hay ở chốn công đường... Nó làm cho cộng đồng bất an, cơ quan nặng nề, đơn vị u uất... vì bực mình, rồi nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau… Khi người ta giữ chức bé mà ăn cắp quả táo, lúc giữ quyền lớn hơn, ai dám chắc người ta không có gan dắt trộm cả con bò của người khác?
Hai là, đạo vật: Chính là tệ trộm cắp, tham nhũng vật chất, tiền bạc.... Nó đục khoét của công, biển thủ quốc khố, bòn rút mồ hôi, xương máu Nhân dân để bỏ túi cá nhân, bành trướng dòng họ, khiến muôn dân bị xâm hại, quốc gia khánh kiệt, quốc thể chênh vênh, xã hội rối ren, thể chế nguy cơ tan tành. Cách nay 250 năm, Bảng nhãn Lê Quý Đôn cảnh báo rằng, trong năm nguy cơ làm mất nước, thì nguy cơ “tham nhũng tràn lan” kia, không thể không đứng hàng thứ tư đó sao! Quan lại càng giàu nhanh một cách khuất tất, trăm họ càng mau lầm than, rên xiết, đất nước càng chóng suy mạt, bại vong. Nó nguy hiểm hơn cả nạn giặc ngoại xâm.
Nếu xem tiền bạc quốc khố là máu của Nhân dân, của Nhà nước, những người ấy hút máu Nhân dân, rút máu Nhà nước, thì hỏi có việc gì họ không dám cả gan làm?
Ba là, đạo danh: Đó là nạn biển thủ tên tuổi, công trình của người khác làm của mình: đạo văn, đạo nhạc... Rồi tệ mua bán bằng cấp, học vị, học hàm... Rộng ta là ăn cắp tri thức, danh tiếng, công trình khoa học... để để chui sâu vào bộ máy, leo cao những phẩm trật quan trường một cách tăm tối và ô nhục. Lúc sự dối trá, giả hiệu lộng hành thì là khắc sự trung thực, ngay ngắn bị tiêu diệt! Nó làm cho thật giả hỗn mang, trắng đen lẫn lộn, nhân phẩm suy đồi, lòng tin bại hoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp”. Tới mức nào đó, tệ ăn cắp đó khiến cho những bậc hiền nhân, thức giả khó còn chỗ hành đạo, thậm chí không còn chỗ dung thân… Khi người ta đã cả gan đạo danh thì thử hỏi còn gì trên đời này họ không dám ăn cắp?
Bốn là, đạo vị: Đây là sự trộm cắp chức vụ trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước và của hệ thống chính trị. Nhân dân và chúng ta thì gọi là, tham nhũng quyền lực. Nhớ lại tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”. Từ “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” “lẻn” vào chốn quan trường, rồi mua phiếu bán danh, trộm cắp chức vụ bằng mọi quỷ kế. Khi các “chính trị gia” bắt tay một cách tăm tối với các doanh nhân thì nền chính trị không hủ bại, chính trường không bị “dắt mũi” mới là chuyện lạ! Từ dùng tiền để “cuỗm” quyền lực chính trị, rồi dùng chính trị để “cướp” lấy quyền lực kinh tế, lại dùng kinh tế để chui sâu leo cao vào chính trường, rắp đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn. Thì không nghi ngờ gì nữa, nó tác họa muôn dân, băm nhỏ lợi ích quốc gia, trộm cắp từng mảnh chính trị, kinh tế đất nước và lũng đoạn thể chế quốc gia. Nói gọn lại là, từ sở hữu quyền lực tới trộm cắp chức vụ hay đạo vị, buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dìm người tài đức để giữ địa vị và danh tiếng của mình, chính là tội trộm cắp”. Nó “nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám”. Nó làm cho nhân quần ly tán, nền chính trị rối loạn, thể chế suy đồi, quốc gia hỗn mang, đất nước tan vỡ, thậm chí diệt vong hoặc làm nô lệ cho giặc ngoại bang. Mua quan bán tước, buôn bán quyền lực dẫn tới nạn hoặc nhỏ thì “anh hùng nhất khoảnh”, lớn thì “cát cứ sứ quân”, “dòng họ hoành hành”, thậm chí cả sự ô nhục bán nước cầu vinh chỉ là bước “tự chuyển hóa” rất ngắn, thậm chí trong gang tấc mà thôi! Lịch sử cho thấy không ít sự nhãn tiền sinh tử ấy.
Rường mối của thể chế mà những người này không từ thì ai dám quả quyết rằng, sẽ tới ngày họ không cả gan làm loạn và sứ mạng quốc gia dù vô giá đến mấy kia trong tay họ không thành thứ hàng hóa đổi chác, bán mua?
Năm là, đạo tâm: Đó chính là nạn ăn cắp lòng tin. Nói mà không làm, làm ngược nhời nói. Trên diễn đàn thì, rao giảng đạo lý, dạy dỗ chính liêm, nơi chính sự thì ức vạn tối tăm, phè phỡn phù hoa, xa xỉ... Người không biết xấu hổ thì không ra giống người! Nó khiến muôn Dân ai còn dám tin cậy được nữa! Nếu không nói nó khiến trăm họ oán thán, nổi giận! “Khẩu Phật tâm xà”, “Miệng rao đạo lý, tay thì đạo vị, tay lấp nhân tâm” thì sự còn, mất quốc gia, chỉ tính bằng ngày! Thế là đạo đức giả lộng hành!
Khi lòng tin của con người với nhau, với thể chế đã bị đánh cắp thì xã tắc không bị suy tàn, quốc gia không bị tan hoang và mất hết mới là chuyện lạ!
Những ai tham nhũng?
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 12.1.2023. Ảnh: Trí Dũng |
Đó là những người nắm giữ quyền lực hiện hữu hoặc vô hình, do được trao, được ủy nhiệm hoặc bằng mọi thủ đoạn chiếm lấy, thậm chí sở hữu quyền lực. Hễ ai có và nắm giữ quyền lực dù kinh tế hay chính trị, nếu quyền lực ấy bị lạm dụng, bị tha hóa, bị thoái hóa, bị đánh cắp là kẻ đó có thời cơ và nảy nòi tham nhũng, làm cho nạn trộm cắp nguy cơ phát sinh khắp nơi, có thể thao túng và hoành hành quốc gia.
Trộm cắp về vật chất đó là sự ô nhục đã làm bại hoại quốc gia, làm nhục quốc thể, cá nhân thì táng tận liêm sỉ. Tham nhũng về quyền lực chính trị, về quyền lực kinh tế sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục rỗng nhân tâm, phá nát lòng tin, làm băng hoại thể chế, làm bại vong quốc gia. Quyền lực chính trị là của Nhân dân. Nhân dân trao nó, ủy quyền cho những người làm công bộc của dân. Nếu bằng mọi thủ đoạn, những kẻ hủ bại mưu chiếm đoạt nó, biến quyền được giao, được ủy quyền đó thành quyền sở hữu, trở thành mục tiêu hành động của họ và phe nhóm, dòng tộc thì rất nguy hiểm, thậm chí làm băng hoại cả dân tộc. Khi thế lực kim tiền liên kết với quyền lực chính trị bị tha hóa, thoái hóa thì tai họa khủng khiếp, hậu họa khôn mà tiên lượng, dù trong hay ngoài địa hạt công quyền. Bởi, nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là Lòng Dân, mệnh hệ tới sự sinh tử của dân tộc. Lúc ấy, thì còn đâu là vị thế, là sức mạnh và uy tín quốc gia nữa; còn đâu là danh dự giống nòi, thanh danh mỗi người chân chính nữa.
Nếu không kiểm soát được, không khắc chế hữu hiệu quyền lực, thì mọi thứ hủ bại hoặc chết người, theo đó, sẽ phát tác. Những vụ đại án mà Đảng ta và pháp luật xử lý trong mấy năm vừa qua là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa, hủ bại và quyền lực kinh tế tối tăm, lũng đoạn. Những vụ gian lận bằng cấp, học vị, tuổi tác… vừa qua cho thấy sự băng hoại nhân phẩm cán bộ, xâm hại tổ chức khôn lường, khi lòng dạ con người, nhất là những ai được giao trọng trách không trong sáng nữa, nếu không nói là tăm tối, ác độc hơn cả giặc ngoại xâm… Mầm mống của những “liên minh ma quỷ” nội bộ và trong ngoài (quan thương thông đồng, quan doanh lên minh hủ bại, mang yếu tố nước ngoài…), theo đó, mà mọc ra và lũng đoạn, tai họa của những trò “độc tôn dòng họ” theo đó mà tác yêu tác quái. Cổ nhân nói: Quần thần thông qua hối lộ để giành được danh vị, người dân chịu oan khuất mà không có nơi kêu oan, quân vương không nghe tới, không hỏi đến về những việc trên. Đó là loại đen tối thứ nhất, một trong năm loại đen tối, sẽ làm quốc gia sụp đổ.
Chưa khi nào như bây giờ, từ sự phức tạp của các vụ đại án ở các phương diện mà chúng ta đã xử, sắp xử và đang lẩn khuất càng cho thấy nạn tham nhũng biến ảo khôn lường, nạn ăn cắp biến hóa, câu kết chằng chịt như ma hồn trận trong và ngoài địa phận công quyền đang hiện hữu và tác họa khôn lường.
Theo Đại biểu Nhân dân