(Mặt trận) -Nhằm thay đổi thói quen xả rác thải sinh hoạt bừa bãi, đổ chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi ra môi trường, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Được công nhận xã nông thôn mới (NTM) năm 2016, hiện nay, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2020. Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những phần việc cần được quan tâm và thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân hiến đất, xây tường rào, mở rộng đường giao thông, xây dựng hệ thống thoát nước thải. Đối với rác thải ngoài đồng ruộng, xã đã phối hợp với hội cựu chiến binh, hội nông dân xây dựng 99 hố rác đồng ruộng để thuận tiện cho nhân dân trong việc gom các loại vỏ chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chỉ đạo các thôn xác định điểm chôn rác thải xa khu dân cư; thành lập và duy trì tổ thu gom rác thải, tổ chức thu gom 1 lần/tuần. Phát động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm 1 lần/tháng và thường xuyên nạo vét kênh mương trong khu dân cư, phát quang bụi rậm, trong khu dân cư. Đến nay, rác thải tại 6/6 thôn được chôn sâu đúng vị trí quy định, cách xa khu dân cư và được đốt định kỳ 1 lần/tháng. Hầu hết hệ thống rãnh thoát nước ở khu dân cư đã có nắp đậy, khép kín, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Còn tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thị trấn đã phát động nhiều hoạt động để mỗi người dân đều tham gia, góp sức mình BVMT. Thị trấn đã phát động tổng vệ sinh 1 lần/tuần vào chiều thứ 6 tại các cơ quan, đơn vị và chiều chủ nhật tại các khu dân cư. Tổ chức phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương, thu gom xử lý rác thải bờ kênh, bờ đê. Đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 200 thùng rác đặt tại các tuyến đường chính trong khu dân cư. Đồng thời, phát động các hội, đoàn thể và nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công trồng hoa, trồng cây bóng mát. Đặc biệt, trong năm 2019, thị trấn đã triển khai thực hiện việc phân loại rác ngay tại các hộ gia đình. Chị Lê Thị Ngọc (thị trấn Bút Sơn) chia sẻ: Sau khi phân loại rác, những loại rác hữu cơ gia đình tôi chôn lấp tại vườn để làm phân bón. Rác vô cơ tái chế được thì gom lại để bán cho người thu mua, còn không tái chế được thì gom lại để đưa đến nơi tập trung. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết: Xác định phân loại rác ngay tại nguồn là một nhiệm vụ quan trọng, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền về cách thức và lợi ích của việc phân loại rác; tổ chức cho các hội, đoàn thể, các hộ dân tham quan, học tập mô hình phân loại rác, đồng thời giao cho hội liên hiệp phụ nữ chọn mỗi khu phố 10 hộ làm điểm và hướng dẫn, giám sát các hộ phân loại rác theo 4 thùng rác đã gắn biển. Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động BVMT, đến nay, tất cả đường phố, khu dân cư tại thị trấn luôn sạch sẽ, khang trang.
Trên đây là 2 trong số nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tính chủ động, tích cực của người dân trong công tác BVMT và triển khai hiệu quả các giải pháp BVMT. Môi trường là một tiêu chí trong xây dựng NTM, do đó, các địa phương và người dân phải thường xuyên duy trì các hoạt động BVMT. Thực tế, nhiều địa phương đã đưa nội dung BVMT vào hương ước, quy ước của thôn, xây dựng tiêu chí BVMT để người dân nghiêm túc thực hiện. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật BVMT; tổ chức tập huấn, truyền thông, in ấn tờ rơi, xây dựng pa-nô, áp-phích; tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các địa phương về nguy hại của việc xả thải vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường và vai trò của mỗi cá nhân trong BVMT nông thôn cũng như thực hiện tốt tiêu chí môi trường. Cùng với đó, năm 2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong BVMT nông thôn được quy định rõ, làm cơ sở để các địa phương thực hiện tốt công tác BVMT khu vực nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi, cảnh quan môi trường được cải thiện theo hướng ngày càng xanh – sạch – đẹp, nhất là ý thức người dân ngày càng được nâng lên... Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 83,2%; tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 70%; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 52,7%.
BVMT sống không phải của riêng ai, để môi trường sống xanh – sạch – đẹp mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức và có ý thức giữ gìn vệ sinh tại mỗi gia đình, khu dân cư và nơi công cộng.
Thùy Linh