Tin mới

Ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên

(Mặt trận) -Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương, sáng 8/2.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Ngành Công Thương đóng góp vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước 

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương những thành tích ấn tượng và đóng góp quan trọng của ngành Công Thương đối với đất nước. 

Trong đó, năm 2020 – 2021, mặc dù đứng trước những khó khăn chưa từng có do tác động nặng nề của đại dịch COVID– 19, nhưng nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương. Chỉ rõ kết quả này một phần nhờ vào trụ đỡ của nền kinh tế là nông nghiệp và có vai trò tạo động lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở thành một trụ cột của nền kinh tế.

Một thành tựu nổi bật khác có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương là kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt gần 670 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với tổng GDP. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021, kể cả những địa bàn bị thiệt hại nặng nề của dịch bệnh COVID– 19 như TP Hồ Chí Minh cũng đều đạt và vượt cao so với dự toán nhờ có đóng góp quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu. Tiềm năng của ngành công nghiệp và thương mại, cả thương mại trong nước và ngoài nước còn rất lớn khi nước ta đã ký các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với những đối tác hàng đầu thế giới…

“Có thể nói năm 2021 là năm vượt khó đi lên. Ngành Công Thương đã đóng góp vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước. Ngay trong những ngày đầu năm 2022, hàng hoá, nông sản lưu thông qua các cửa khẩu đã tiếp tục gia tăng. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm nay theo số liệu của các ngành chức năng đã có những tiến triển khá tốt, hứa hẹn một năm chúng ta sẽ bù lại những thiệt hại của năm 2021 và lấy lại đà tăng trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, năm 2022 tiếp tục là năm nhiều thử thách cam go, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương cần tập trung triển khai sớm các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID– 19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch trên tinh thần “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Tiếp tục rà soát, phối hợp với các địa phương để có kế hoạch tiêm phủ vaccine phòng COVID– 19 cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trong ngành. 

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định gói chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng kèm theo nhiều thể chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hỗ trợ cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội. 

Nhấn mạnh khung khổ chính sách, kể cả chính sách đặc thù đều đã có, quan trọng là tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Công Thương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, ngành Công Thương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, toàn ngành cần tập trung, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”; đẩy nhanh việc rà soát các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch mà ngành phụ trách theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật về quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành Công Thương chú trọng công tác xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào năm mới với một tâm thế mới; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII, XIII; tăng cường hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên, toàn ngành nỗ lực hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ “năm sau phải tốt hơn năm trước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đồng thời bày tỏ tin tưởng, ngành Công Thương sẽ gặt hái được những kết quả tốt hơn trong năm 2022 với khí thế của “mãnh hổ”./.

Theo TTXVN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản